Học tập đạo đức HCM

Trồng rau quả sạch thu nhập cao

Thứ hai - 15/02/2016 19:54
Được sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở Củ Chi (TP.HCM) đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang rau, quả sạch, đem lại thu nhập cao gấp hàng chục lần, đời sống nâng cao rõ rệt.

Những ngày cuối năm Ất Mùi, vợ chồng anh Võ Minh Trung (ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM) tất bật lo thu hoạch bầu để giao cho tổ hợp tác theo đúng hợp đồng. Dưới cái nắng hầm hập giữa trưa nhưng anh chị vẫn tươi cười hái từng trái bầu, nâng niu, xếp gọn gàng ngay ngắn vào những chiếc thùng.

Trước đây trồng lúa, mỗi vụ 3 tháng chỉ đem về cho các hộ dân khoảng 15 triệu đồng/ha thì nay trồng rau sạch cũng trên diện tích đó và thời gian đó, bà con thu về đến 200 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Cu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP ấp Trung Hiệp Thạnh

Không lo “được mùa mất giá”

Anh Trung kể, vợ chồng anh có khoảng 3.000 m 2 đất ruộng, những năm trước đây dùng trồng lúa. Sau này thấy trồng lúa không hiệu quả, vợ chồng anh chuyển sang trồng bầu, mỗi vụ kiếm lời được khoảng 15 triệu đồng. “Vụ nào trúng giá lời được khoảng 30 triệu đồng, nhưng luôn lo canh cánh tình trạng được mùa thì mất giá. Ngày đó, có những lúc thu hoạch rộ, tôi chở hàng ra chợ lại phải chở về vì bị ép giá quá”, anh Trung nhớ lại.

Cuộc sống gia đình anh đã đổi mới kể từ khi gia nhập tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào năm 2013. Với mô hình sản xuất rau an toàn, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả đầu ra ổn định, nay gia đình anh chỉ trồng 1.700 m 2 bầu ước tính thu được trên 50 triệu đồng. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cứ mỗi ngày anh chị thu được 1 triệu đồng. "Nếu làm hết 3.000 m 2 đất thì mỗi vụ tôi kiếm được cả trăm triệu đồng. Như vậy mỗi năm làm 3 vụ cũng được 300 triệu đồng", anh Trung tươi cười nói.

Tương tự, trước đây hộ anh Lê Thanh Hùng (cùng ngụ ấp Trung Hiệp Thạnh) với 5.000 m 2 trồng khổ qua, mỗi năm chỉ kiếm lời khoảng trên chục triệu đồng. Đến nay, khi vào tổ hợp tác và trồng theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hợp đồng thu mua của các hợp tác xã với giá cả ổn định, mỗi năm anh thu về trên dưới 200 triệu đồng.

Mở rộng diện tích

Trước đây, nhận thấy tình trạng người nông dân làm ăn theo kiểu truyền thống hay bị thương lái ép giá, giá cả sản phẩm bấp bênh, thêm vào đó là thực trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học trong sản xuất nông nghiệp đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, cuối năm 2013, Trung tâm khuyến nông TP.HCM, Trạm khuyến nông H.Củ Chi đã khảo sát và quyết định xây dựng điểm sản xuất rau an toàn tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, sau này nâng thành tổ hợp tác; đồng thời mở lớp tập huấn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ việc chọn giống, chăm sóc cho đến thu hoạch... Trong quá trình sản xuất, người nông dân được hướng dẫn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Điều này không những bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường mà còn chính là điểm mạnh giúp cho sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá cao hơn, ổn định.

Ông Nguyễn Văn Cu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP, cho biết từ khi được thành lập, tổ giúp bà con luôn chủ động liên hệ với các hợp tác xã thu mua sản phẩm, định hướng cho bà con trồng cây gì và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay trước khi xuống giống với giá ổn định. Hiện tổ có 38 hộ với tổng diện tích đất khoảng 40 ha, mỗi ngày cung cấp cho thành phố khoảng 4 - 5 tấn rau sạch, hầu hết các hộ dân đều có thu nhập ổn định. "Nếu trước đây trồng lúa, mỗi vụ 3 tháng chỉ đem về cho các hộ dân khoảng 15 triệu đồng/ha thì nay trồng rau sạch cũng trên diện tích đó và thời gian đó, bà con thu về đến 200 triệu đồng", ông Cu nói và cho biết giờ đây đời sống các hộ dân đã chuyển biến rõ rệt, thu nhập trung bình mỗi hộ trên dưới 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ xây cất nhà cửa khang trang, con cái của họ được học hành đầy đủ. “Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích trồng rau sạch lên 90 ha để đáp ứng nhu cầu dùng rau sạch tăng cao của người dân”, ông Cu hồ hởi.

Ông Trần Minh Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng, cho biết đây là một trong những chương trình xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả trên địa bàn, phát huy nội lực của người dân là chính, đưa người nông dân từ sản xuất theo truyền thống, thu nhập bấp bênh sang chuyên nghiệp hơn, giúp họ làm giàu một cách bền vững.

Theo báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của UBND H.Củ Chi giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất đạt từ 132 triệu đồng/năm (năm 2009) đến nay đã tăng lên 258 triệu đồng/ha/năm, cá biệt đối với trồng hoa lan đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm, rau an toàn đạt 400 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi vay của TP, từ đầu năm 2010 đã có 872 hộ vay với tổng vốn đầu tư 65,4 tỉ đồng, đến nay đã có 5.504 hộ vay với tổng vốn đầu tư 1.584 tỉ đồng.

Hải Nam
theo 
Thanh Niên

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập207
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm204
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại852,308
  • Tổng lượt truy cập93,229,972
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây