Đến nay, huyện có 21/21 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngày 21/4/2018 vừa qua Trực Ninh cùng với 3 huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017.
Dân vận tốt là mấu chốt
Trên cơ sở đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch về XDNTM, huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM được cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng, thực hiện bằng nhiều hình thức, như: thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; thông qua hội nghị, hội thi ở các tổ chức đoàn thể chính trị mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… Chính vì vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM được nâng lên rõ rệt, nhân dân thật sự thấy được sự cần thiết về XDNTM và đã phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư.
Về với thị trấn Cát Thành, địa phương đã về đích NTM năm 2015, qua trao đổi với ông Nguyễn Đức Thỉnh, Chủ tịch UBND thị trấn, được biết: Công tác tuyên truyền, vận động đã được Đảng ủy, UBND thị trấn quan tâm ngay từ khi triển khai XDNTM. Các cuộc họp triển khai tới đoàn, hội trên cơ sở lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đoàn thể đã giúp hội viên nắm bắt được chương trình và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Đoàn thanh niên thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh niên. Hội phụ nữ xây dựng tuyến đường tự quản, trồng hoa và làm vệ sinh các đường hoa góp phần làm cảnh quan sạch đẹp. Hội nông dân xây dựng các tuyến kênh mương tự quản, khơi thông dòng chảy, đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn Hội người cao tuổi tích cực vận động hội viên và gia đình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò uy tín, kinh nghiệm trong XDNTM…
Đổi mới để tạo sự đột phá
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Trực Ninh tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, đề án phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện, Trực Ninh xác định: Để nâng cao đời sống của người dân cần phải tập trung phát triển kinh tế gắn với XDNTM, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ sản lượng sang chất lượng và giá trị, toàn huyện đã hình thành 23 cánh đồng lớn, sản xuất giống lúa, trồng lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7 và lúa Nếp đặc sản. Sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 30% (năm 2010) lên 80% (năm 2016), giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 75,01 triệu đồng (năm 2010) lên 105,8 triệu đồng (năm 2016).
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 85% (năm 2010) xuống còn 55% (năm 2015), sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhanh, năm 2016 đạt 22.743 tấn, tăng 58,93% so với năm 2010. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 6.700 tấn, tăng 61,84% so với năm 2010.
Huyện đã hình thành 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Cổ Lễ, Trực Chính, Trực Khang với tổng diện tích 180ha. Kinh tế trang trại cũng đã có bước phát triển, toàn huyện có 26 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt 45,6 tỷ đồng (năm 2016), tăng 28% so với năm 2010; 544 gia trại trong toàn huyện có tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt 178,97 tỷ đồng, bình quân 330 triệu đồng/gia trại.
Đến nay, Trực Ninh đã quy hoạch 20 vùng sản xuất tập trung tại 16 xã với tổng diện tích 395ha, gồm các vùng trồng rau, củ, quả sạch, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp. Đã hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản có quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao như: Công ty TNHH Cường Tân sản xuất giống lúa lai F1; Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch Bắc thơm 7; Công ty TNHH MTV chăn nuôi Phúc Hải; Công ty CP rau quả sạch Ngọc Anh…
Ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để tạo đột phá, cần đổi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã tạo điều kiện khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ chức công khai các quy hoạch và hội nghị xúc tiến đầu tư. Xác định thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là khâu then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần XDNTM. Từ đó, từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.
Theo Đức Sơn/Báo KTNT.vn