Một trong những địa phương làm tốt thương hiệu cam sành là xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Nơi đây cũng là xã có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh, với hơn 1.800ha, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 15.000 tấn quả, doanh thu gần 200 tỷ đồng.
Cũng nhờ thương hiệu cam sành, Phù Lưu được biết đến là xã có đến 41 tỷ phú “chân đất” đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm.
Chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Mường, xã Phù Lưu chia sẻ, cây cam đã gắn bó với gia đình chị hơn 10 năm nay và cũng là cây trồng chủ lực giúp gia đình chị vươn lên làm giàu.
Hiện chị có 1.700 gốc cam cho thu hoạch trên 160 tấn quả/năm, đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng/năm.
Chị Huệ cho biết, nhờ trồng cam gia đình có của ăn, của để, xây nhà, mua ô tô và dư tiền để cho các con ăn học..
Là một trong những tỷ phú trồng cam, ông Lê Văn Thăng, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu cho biết, nhờ trồng cam gia đình ông đã xây được ngôi nhà mới khang trang và mua sắm được các trang thiết bị hiện đại phục vụ đời sống hàng ngày.
Hiện ông có 2.000 gốc cam, bình quân thu được gần 200 tấn quả/vụ, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ.
Qua câu chuyện với người trồng cam ở đây, được biết họ chủ yếu chăm sóc bằng biện pháp thủ công, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học. Chính vì thế, cam Phù Lưu luôn có chỗ đứng tốt trên thị trường nhờ chất lượng ngon, giá cả hợp lý.
Cây cam sành có chỗ đứng, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động quy hoạch phát triển vùng cam đến 2020, phấn đấu nâng tổng diện tích trồng cam sành đạt trên 6.800ha, tập trung tại 13 xã, thị trấn của huyện Hàm Yên và 2 xã Hà Lang, Trung Hà của huyện Chiêm Hóa.
Tỉnh xác định một trong những khâu quan trọng là tuyển chọn giống cam sạch bệnh vào trồng để nâng cao chất lượng, đồng thời tiến hành cải tạo, thay thế toàn bộ các vườn cây đã già cỗi.
Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên đang tiến hành chăm sóc cây giống theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo 100% cây giống xuất bán cho bà con trồng cam đạt tiêu chuẩn.
Niên vụ năm nay, trung tâm sẽ cung cấp từ 2 đến 3 vạn cây giống. Ngoài việc cung cấp giống cam, Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên còn cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc...
Để giúp người dân mở rộng diện tích cam và xây dựng thương hiệu cam sành, tỉnh Tuyên Quang thực hiện hỗ trợ vốn vay cho người nghèo (với 30 triệu đồng/ha), cụ thể hộ nghèo vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% lãi suất và các hộ khác được hỗ trợ tới 50% lãi suất.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT Tuyên Quang luôn phổ biến cho các hộ trồng cam sành triển khai áp dụng quy trình sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhờ giữ được thương hiệu tốt, người trồng cam sành đang ngày càng khấm khá, góp phần khẳng định sự đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;