|
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; từng bước hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó vấn đề sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm được quan tâm, chú trọng hơn từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tổ chức sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Từ đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tám đề án gắn với chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020 như đề án phát triển chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, phát triển chè vùng cao, hỗ trợ sản xuất ngô đông trên đất hai vụ lúa, phát triển cây quế, phát triển măng tre Bát Ðộ, phát triển cây sơn tra. Nhờ đó, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, theo thế mạnh từng địa phương đã được quan tâm đầu tư phát triển và tổ chức sản xuất tốt. Các sản phẩm chủ lực được sản xuất với quy mô, số lượng ngày một tăng theo hướng sản xuất tập trung. Qua việc thực hiện Ðề án đã cơ bản khắc phục được những hạn chế về sản xuất mang tính tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh vùng miền, hiệu quả sản xuất thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.
Từ việc áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt. Năm 2017, sản lượng cây lương thực có hạt đạt hơn 305.900 tấn, tăng gần 26.000 tấn so với mục tiêu đề ra. Ðồng thời tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng cánh đồng một giống lúa thuần chất lượng cao với diện tích 200 ha tại hai huyện Văn Yên 100 ha lúa hương chiêm và Văn Chấn 100 ha lúa Séng Cù. Qua đánh giá cánh đồng một giống lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường từ 8 đến 11 triệu đồng/ha trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao như: vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên với quy mô hơn 6 ha; sản xuất rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, diện tích 0,2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP...
Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh có gần 7.800 ha, tăng hơn 1.245 ha so với năm 2015, trong đó vùng cây ăn quả có múi theo thế mạnh của địa phương (cam, quýt, bưởi) đạt hơn 3.576 ha. Cùng với đó, các giống cây ăn quả đặc sản theo lợi thế vùng miền đã được quan tâm đầu tư phát triển như: Bưởi Ðại Minh, huyện Yên Bình; cam CS1, V2, bưởi Diễn, quýt đường canh, huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên... Năm 2017, sản lượng quả các loại đạt 36.191 tấn, trong đó sản lượng cây ăn quả có múi đạt 14.547 tấn. Qua thống kê, lợi nhuận một ha bưởi Ðại Minh bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi bình quân đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm; đến năm thứ 10 đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Ðối với cam, bắt đầu từ năm thứ 5 lợi nhuận bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, đến năm thứ 10 đạt 230 triệu đồng/ha/năm. Trong thực hiện tái cơ cấu, đã tạo điều kiện cho việc đầu tư xây dựng mới và mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng các vùng sản xuất hàng hóa lĩnh vực lâm nghiệp tập trung. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lâm nghiệp thông thường như: vùng trồng quế với diện tích hơn 68 nghìn ha; vùng măng tre Bát Ðộ hơn 3.600 ha; vùng trồng cây sơn tra gần 6.200 ha. Hơn nữa, thông qua các đề tài, dự án khoa học, các tiến bộ kỹ thuật mới, phương thức nuôi trồng thủy sản đã được đổi mới, từ chỗ nuôi quảng canh, năng suất thấp, nay được đầu tư nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp với quy mô bình quân từ 1 đến 3 ha. Do đó, sản lượng thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm, giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta mặt nước nuôi trồng thủy sản đã đạt 120,5 triệu đồng.
Phát huy những kết quả đã đạt được từ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2018-2020 tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến đối với các sản phẩm chủ lực. Tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai và nguồn vốn, vận động nông dân góp đất, dồn điền đổi thửa, cho thuê đất hoặc góp đất để liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng; từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến chè nhằm tăng năng suất, giá trị; đầu tư chế biến chè theo chiều sâu làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; tập trung phát triển chè Shan tuyết vùng cao với quy mô 3.500 ha; gắn kết chặt chẽ vùng chè nguyên liệu với các nhà máy chế biến, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quảng bá chè Yên Bái. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển đàn đại gia súc theo hướng bán chăn thả đối với các địa phương có thế mạnh về đồi rừng, đất trồng cây thức ăn thô xanh; phát triển đàn lợn và gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ, chế biến, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,0%/năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt 280.000 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 100.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 10.800 tấn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã