Chăn nuôi gà là một trong những nghề đã có từ lâu và được nông dân chọn nhiều, bởi gà là vật dễ nuôi, nhu cầu thị trường lớn, chi phí đầu tư ban đầu không cao như nuôi heo, nuôi trâu bò… Trong những năm gần đây, gà được tiêu thụ mạnh, giá bán tương đối cao, người nuôi có lời nên có rất nhiều hộ nuôi với hình thức từ nhỏ lẻ chuyển sang quy mô lớn. Trong đó, có nhiều giống gà được chọn nuôi như: gà ta, gà phượng hoàng, gà Bến Tre, gà đông tảo… Tuy nhiên, phần đông số hộ nuôi gà thường theo lối truyền thống, còn thực hiện theo phương pháp chăn nuôi gà sạch thì rất ít người nghĩ tới.
Nhận thấy đây là một hướng đi mới đem lại nhiều tiềm năng, hiệu quả trong chăn nuôi, thị trường tiêu thụ ổn định nên chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền và một số hộ dân khác ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi gà sạch tại gia đình. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi gà của chị, để áp dụng được phương pháp nuôi gà sạch, trước hết là chị Tuyền phải đầu tư lại hệ thống chuồng trại rất kỹ bằng đệm lót sinh học. Dụng cụ cho ăn đảm bảo vệ sinh, chuồng nuôi thường xuyên được tẩy uế bằng vôi và thuốc sát trùng, ngoài ra chị còn đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, lưới bao xung quanh chuồng.
Anh Trường với mô hình nuôi gà theo hướng sạch, an toàn.
Khâu lựa chọn gà giống của chị Tuyền cũng khá khắt khe. Chị không mua gà con trôi nổi để nuôi, mà tự gầy đàn, nhân giống với những giống phù hợp khí hậu địa phương như gà ta, gà chọi, vì các giống gà này có ưu điểm khỏe, đề kháng tốt… Trong quá trình nuôi, chị áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, đồng thời thực hiện đúng quy trình tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà nên gà của chị nuôi luôn bán được giá cao. Mỗi năm chị xuất chuồng bán ra 2 lứa khoảng 1.000 con, tương đương 2 tấn gà thịt, với giá bán tại chuồng từ 75.000-80.000 đồng/kg, cho nguồn lợi nhuận hơn 50 triệu đồng mỗi năm.
Anh Tư Bình (Trần Văn Bình), hàng xóm với chị Tuyền và cũng là người nhiều năm nuôi gà thả vườn cho biết để gà nuôi bán được giá cao, không sợ “ế” thì người nuôi chỉ cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn gà sạch. Từ khâu thức ăn, đến quá trình chăn nuôi đều có quy chuẩn chặt chẽ, giảm tối đa việc sử dụng các loại chất kháng sinh trong cám. Điều đặc biệt, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn con giống, chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên, lưu ý giai đoạn đầu của gà con, cần phải theo dõi đàn gà, tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của gà. Trong tháng đầu tiên, phải đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, dịch cúm H5N1... Đồng thời, vườn thả gà cần được khoanh lưới rộng, sạch sẽ để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài.
Chị Lê Thị Thanh Cần, cán bộ tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Thuận Hòa, cho hay: Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của ngành thú y và chăn nuôi từ huyện đến tỉnh, về cách chăm sóc cũng như cách phòng trừ dịch bệnh gây hại cho gà nên hầu hết số hộ nuôi gà trong xã đều thực hiện chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, từ đó gà nuôi lớn nhanh và ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon nên bán được giá cao hơn các giống gà nuôi theo lối công nghiệp. Nhờ vậy mà có nhiều hộ dân nuôi gà trong xã đều đạt tỷ lệ thành công cao, thu nhập khá. Có đều, để nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm được chi phí giá thành trong chăn nuôi và chủ động tạo ra con giống tốt…
Anh Đặng Võ Nhựt Trường, ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, một thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi heo, gà, vịt, có thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm, cho biết: Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà thả vườn đang rất phát triển ở nhiều vùng nông thôn, bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Tuy chăn nuôi gà thả vườn không khó, nhưng để nuôi gà ta đạt hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế ở từng hộ gia đình. Bởi nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm giống với cách chăn nuôi truyền thống, gà được thả tự do với không gian rộng lớn trong vườn. Vì thế, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp và thức ăn công nghiệp tổng hợp thì gà còn tự kiếm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để cung cấp thêm dinh dưỡng. Ngoài việc chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì người nuôi cũng cần nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm sạch, có như vậy mới đảm bảo cung cấp được chất lượng gà thịt tốt nhất tới người tiêu dùng.
Nhờ mạnh dạn và tìm hướng đi để phát triển mà anh Trường đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình từ mô hình nuôi gà sạch, không tốn quá nhiều vốn đầu tư, thời gian chăm sóc, mà hiệu quả kinh tế cao.
Theo Bài, ảnh: Quang Hải/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã