Học tập đạo đức HCM

Tuyên Quang khơi dậy nông nghiệp công nghệ cao, có truy xuất

Thứ tư - 03/03/2021 03:21
Thách thức của thị trường ngày càng cao, buộc nông nghiệp Tuyên Quang phải đổi mới phương thức sản xuất. Qua đó, bước đầu đang có sự chuyển biến tích cực.

Nở rộ ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp

Giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện 61 đề tài, dự án khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh. Trong số này có 15 đề tài, dự án khoa học đã kết thúc và được ứng dụng vào thực tiễn, mạng lại hiệu quả kinh tế tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.

Cùng với quá trình nghiên cứu khoa học, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tích cực hướng dẫn các hộ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình bưởi hữu cơ chuyển đổi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình bưởi hữu cơ chuyển đổi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Đào Thanh.

Cũng trong giai đoạn 2013 - 2020, thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học đã có khoảng 250 cán bộ, kỹ thuật cơ sở và trên 4.500 hộ nông dân được tập huấn, chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để vận dụng vào chỉ đạo sản xuất. Đã có 88 mô hình trồng trọt, chăn nuôi được triển khai vào thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực.

Như việc tiếp tục trồng cam trên đất chu kỳ II, việc nghiên cứu đưa các giống cam rải vụ như CT36, CT9, BH… qua đó kéo dài được thời gian tiêu thụ cam lên đến 7 tháng. Hay tại mô hình thâm canh tổng hợp giống bưởi đường tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn với quy mô 5 ha. Việc triển khai mô hình được tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bón phân, lựa chọn thời điểm để thụ phấn và quyết định số lượng quả trên cây… Qua 2 năm triển khai, năng suất trung bình của mô hình đạt 122 quả/cây, tăng 45% so với sản xuất đại trà.

Với cây chè, đã trồng thành công một số giống chè mới chất lượng cao như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang; xây dựng trồng thay thế các giống chè PH8, PH9 có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 15 đến 20 tấn/ha…

Ông Vi Đình Tự, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn cho biết, năm 2019 gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang lựa chọn tham gia mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1,2 ha.

Khi tham gia mô hình, ông được tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo VietGAP, được hỗ trợ phân bón, đặc biệt là phân hữu cơ để bón cho chè và được hướng dẫn bón phân cho chè đúng kỹ thuật. Nhờ bón phân cân đối đạm, lân, ka li, phân hữu cơ vi sinh nên vườn chè của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, giảm sâu bệnh hại, cho năng suất cao, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha...

Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng thành công mô hình trồng thay thế các giống chè PH8, PH9 có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 15 đến 20 tấn/ha. Ảnh: Đào Thanh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng thành công mô hình trồng thay thế các giống chè PH8, PH9 có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 15 đến 20 tấn/ha. Ảnh: Đào Thanh.

Chương trình trồng rau trong nhà kín cũng mang lại những tín hiệu tích cực của nông nghiệp Tuyên Quang. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất rau trong nhà kín, với quy mô từ 1 đến 3 ha. Các vườn rau được ứng dụng công nghệ tưới hoàn toàn tự động, có lập trình thời gian, cứ đến giờ máy sẽ tự động bật tưới.

Trồng rau trong nhà kín có ưu điểm hạn chế sâu bệnh, hạt cỏ cũng như độ che nắng, độ ẩm, nhiệt độ hài hoà cho rau phát triển tốt. Hiện nay trung bình mỗi cơ sở trồng rau cung cấp ra thị trường từ 5 đến 10 tấn rau, củ quả các loại/năm.

Chị Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp xanh xã Trung Môn (huyện Yên Sơn) cho biết: HTX đã đầu tư hơn 700 triệu đồng sản xuất rau trên diện tích 3.800 m2 theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để các thành viên trong HTX có thể thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chị Nga chủ động kết nối với cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tập huấn, hướng dẫn và giám sát toàn bộ quy trình.

Hiện tại, HTX đã đăng ký và được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. HTX cũng đã kết nối với một số siêu thị tại Hà Nội và siêu thị Vinmart Tuyên Quang để tìm đầu ra ổn định, lâu dài.

Trên thực tế, việc ứng dụng tiến bộ KH - CN vào sản xuất đã giúp nông nghiệp Tuyên Quang có những bước tiến mạnh mẽ, khai thác được tiềm năng lợi thế, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Kết quả, giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Chỉ dẫn địa lý, sản xuất an toàn được mở rộng

Phát triển nông nghiệp theo thực hành sản xuất tốt (GAP) đang được các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh triển khai. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP đạt 894 ha, trong đó có 772 ha cam, 102 ha chè, 15 ha bưởi…. Tỉnh cũng đã có 730 ha chè thực hiện theo tiêu chuẩn Rainforest; 84 ha đạt chuẩn hữu cơ và hữu cơ chuyển đổi, trong đó cây chè là 24 ha, cây cam 30 ha, cây bưởi 27 ha và 3 ha lúa.

 
 

Con số này ở Tuyên Quang vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng chính những sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo GAP của Tuyên Quang đã khẳng định được thương hiệu nông nghiệp của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tháng 10/2020, vùng cam sành Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, với tổng diễn tích hơn 8.000 ha. Đây là điều kiện để cam sành Hàm Yên được truy xuất nguồn gốc rõ hơn, người tiêu dùng nhận biết sản phẩm dễ dàng hơn, đặc biệt là có cơ hội cạnh tranh cao hơn.

Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tiếp sau cây cam sành, hiện tại, UBND huyện Yên Sơn đang phối hợp với những đơn vị liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân.

Trong những người trẻ trồng cam ở Phù Lưu (huyện Hàm Yên), chàng trai trẻ Nình Văn Hòa, thôn Pá Han nổi bật hơn cả. Mới ở tuổi 30, Hòa đã là ông chủ vườn cam hơn 2.000 gốc. Trung bình mỗi năm từ trồng cam anh Hòa thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Anh Hòa cho biết, mấy năm trước, cam thường được giá khá cao nên người trồng đều có lãi. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, giá cam đang có dấu hiệu đi xuống. Nếu người dân ở các địa phương cùng ồ ạt trồng cam không kiểm soát thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá của vùng cam Hàm Yên.

Mô hình trồng dưa chuột trên đất ruộng hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Đào Thanh

Mô hình trồng dưa chuột trên đất ruộng hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Đào Thanh

Vì vậy, việc xây dựng được chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ không chỉ giúp cam sành Hàm Yên giữ vững được thương hiệu mà còn phát triển thương hiệu ấy ra thị trường rộng lớn hơn. Như thế, người được hưởng lợi nhất chính là những người trồng cam như gia đình anh.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Để làm được nông nghiệp tốt, giúp nông sản của tỉnh thăng hạng trên thị trường, bản thân nông dân phải thực sự hiện đại.

Làm nông nghiệp theo GAP vất vả hơn so với nông nghiệp thông thường, bởi người trồng cần nghiên cứu loại phân bón, thuốc trừ sâu nào sẽ an toàn với người trồng, chăm sóc, người sử dụng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân giải quyết bài toán này.

Với chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030, tỉnh Tuyên Quang đã và đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học, đầu tư công nghệ phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong mục tiêu chung ấy.

https://nongnghiep.vn/tuyen-quang-khoi-day-nong-nghiep-cong-nghe-cao-co-truy-xuat-d282444.html

Theo Đào Thanh - Toán Nguyễn/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập244
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm243
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại789,132
  • Tổng lượt truy cập91,962,861
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây