Trang trại chuyên cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu tiêu thụ các loại rau cao cấp, đắt tiền.
Nếu nghề kinh doanh bất động sản vẫn suôn sẻ, có lẽ bà Phạm Thị Thu Cúc đã chưa đến với nông nghiệp.
Vốn là một giáo viên, sau khi về hưu, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, bà Cúc đã bắt đầu chuyển sang làm kinh tế. Ban đầu, bà mở khách sạn, làm dịch vụ du lịch. Khi đã tích lũy được ít vốn liếng, bà quay sang kinh doanh bất động sản.
Làm nghề đó chưa lâu, gia đình bà Cúc lâm vào tình cảnh trắng tay bởi mua nhiều nhà, đất mà không bán được. Đến khi bán được thì tiền thu về không đủ để trả khoản nợ lớn đã vay ngân hàng.
Trong tình cảnh nợ nần chồng chất ấy, bà Cúc mới tính đến chuyện xoay qua làm nông nghiệp. Để có đất SX, bà thuê lại miếng đất ở thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt, Lâm Đồng) mà gia đình bà vừa phải bán cho một người bạn để lấy tiền trang trải nợ nần.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên những năm đầu làm nông nghiệp, gia đình bà Cúc thường bị thất bại. Dù vậy, nông nghiệp lại đã nhanh chóng trở thành niềm đam mê đối với bà.
Vợ chồng bà không nản chí, vẫn quyết tâm gom góp tiền bạc, vay mượn thêm bè bạn, rồi rời Đà Lạt, tìm đến xã Lát (huyện Lạc Dương), mua đất để trồng trọt.
Nhưng trong mấy năm đầu, gia đình bà vẫn chưa đạt được mấy thành công. Phải đến khi tham gia SX rau theo tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho hệ thống Metro vào năm 2007, bà Cúc mới bắt đầu khá dần lên bởi sản phẩm làm ra đã có nơi tiêu thụ ổn định, giá cao hơn so với giá thị trường.
SX rau an toàn, rau sạch cũng chính là mong muốn của bà Cúc ngay từ những ngày đầu mới làm nông nghiệp. Mong muốn ấy đến từ chính thực tế SX của nhiều hộ nông dân trồng rau ở Lâm Đồng.
Bà tâm sự: “Tôi từng chứng kiến ở nhiều vườn rau màu trong vùng, người chồng đi trước phun thuốc trừ sâu, người vợ đi sau thu hoạch. Làm như vậy, không chỉ hại ngay tới sức khỏe người lao động mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Bước ngoặt lớn nhất đến với bà Cúc là khi Metro ngỏ ý cần có các sản phẩm rau thơm có nguồn gốc từ châu Âu được SX ở Việt Nam để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn.
Biết được thông tin ấy, bà Cúc quyết định thử SX các loại rau thơm có nguồn gốc châu Âu. Khi ấy, bà có may mắn là có một cô con gái đang du học bên Pháp. Cô con gái đã giúp mẹ bằng cách tìm mua một số loại hạt giống rau thơm gửi về Việt Nam.
Còn bà thì tìm tòi tài liệu, học hỏi kỹ thuật trồng những loại rau thơm nguồn gốc châu Âu, mà trong đó, quan trọng nhất là phải cải tạo lại toàn bộ đất vườn bằng phân hữu cơ sao cho đất trở nên tơi xốp, dễ thoát nước nhưng vẫn đảm bảo độ kết dính giúp cho cây rau sinh trưởng thuận lợi.
Với nguồn hạt giống ấy, bà Cúc đã trồng thử ngay trong vườn nhà. Kết quả đạt ngoài mong đợi khi những hạt giống rau thơm từ Pháp gửi về đã nảy mầm, phát triển tốt, có hương vị không thua gì rau SX ở châu Âu.
Đến kỳ thu hoạch, các loại rau thơm này đều thuyết phục được hệ thống Metro cả về chất lượng lẫn quy trình SX đảm bảo cho ra sản phẩm rau quả sạch. Từ đó, bà Cúc mạnh dạn nhờ con gái tìm thêm nhiều loại hạt giống rau thơm mà các nhà hàng, khách sạn cao cấp ở Việt Nam đang có nhu cầu.
Đến nay, trong vườn nhà bà đã có khoảng 20 loại rau thơm, rau gia vị có nguồn gốc châu Âu như rosemary, cỏ xạ hương, thì là Tây, savory (húng Tây), chocolate mint (bạc hà Tây tím), oregano, lavender (oải hương)... Tất cả các loại rau này đều có giá bán cao, có những loại được thu mua ngay tại vườn với giá hàng trăm ngàn đồng mỗi kg.
Trang trại của bà Cúc cũng đã trở thành nơi SX và cung ứng rau thơm có nguồn gốc châu Âu lớn nhất ở Lâm Đồng. Các sản phẩm rau thơm do trang trại này SX ra hiện không đủ cung ứng cho riêng nhu cầu thu mua hàng ngày của hệ thống Metro.
Không dừng ở đó, bà Cúc đang tiếp tục đầu tư những công nghệ SX rau an toàn, rau sạch mới trong trang trại của mình. Gần đây, bà đã được một công ty mời sang Malaysia học công nghệ SX rau sạch bằng phương pháp thủy canh theo công nghệ châu Âu. Khi trở về, bà đã bỏ ra 800 triệu đồng đầu tư khu trồng thủy canh trên diện tích 1.000 m2, sản phẩm đầu tiên là rau xà lách.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;