Cũng như bao hộ dân khác ở vùng quê Lục Ngạn, trước kia trang trại rộng hơn 10 mẫu của vợ chồng chị Vũ Thị Thìn cũng có hơn 2 mẫu vải thiều, còn lại chủ yếu là diện tích đồi trọc. Vào những năm 2000, giá cả của quả vải thiều bấp bênh, bởi vậy khi thu hoạch xong anh chị phải chở ra tận thị trấn Chũ tiêu thụ, vất vả mà tiền thu về chẳng được là bao.
Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn thôi thúc bản thân chị Thìn. Chị nghĩ rằng nếu cứ bám lấy cây vải thiều thì khó mà giàu được nên vợ chồng chị bàn nhau và quyết định chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang giống cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đó, từ năm 2004, vợ chồng chị Thìn đã chuyển đổi một phần diện tích vải thiều sang trồng khảo nghiệm 200 cây cam đường Canh. Hai năm sau thì gia đình anh chị trồng thử giống cam Vinh. Những năm tiếp theo, diện tích cam nhà chị cứ tăng dần lên.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế lại không tỷ lệ thuận với diện tích bởi những năm đầu cả hai vợ chồng đều thiếu kinh nghiệm chăm sóc cây cam, nhất là đối với cây cam đường Canh. Những năm đầu do gia đình chị Thìn áp dụng theo cách chăm sóc cây cam của đồng bằng miền xuôi. Đó là khi cam đường Canh đến thời kỳ chuẩn bị ra hoa thì đánh lên phơi gốc, sau đó mới trồng xuống. Nhưng ở đây, đất đồi tơi xốp đâu có giống đất thịt ở đồng bằng, cây đánh lên không vỡ bầu cũng bị chột, không thể phát triển được, nói gì đến chuyện ra hoa. Cùng đó là việc tiết kiệm không bón đủ nguồn phân cho cây hay sử dụng phân chuồng chưa qua xử lý để chăm bón cho cây cam cũng làm cho cây phát sinh nhiều bệnh dẫn đến thất thu.
Thất bại trong buổi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng không làm vợ chồng chị nản chí. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng chăm sóc thành công cây cam trên đất đồi Lục Ngạn, kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, vợ chồng chị Thìn đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam ở trên đất đồi. Điển hình là việc chăm sóc cây cam Canh, gia đình chị Thìn sử dụng kỹ thuật chặt rễ và đảo đất thay cho kỹ thuật đánh bật gốc cây của miền xuôi, cùng đó là kết hợp với kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi Lục Ngạn lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.
Từ khi nắm chắc được kỹ thuật chăm sóc cây cam, vợ chồng chị Vũ Thị Thìn đã quyết định mở rộng diện tích sản xuất ra hơn 10 mẫu đất, trong đó có một nửa diện tích trồng cam đường Canh và một nửa diện tích trồng cam Vinh.
Cùng đó, vợ chồng chị còn quyết định đầu tư vào chăn nuôi lợn để một mặt cung cấp thịt thương phẩm ra thị trường, mặt khác tiết kiệm nguồn phân bón hữu cơ chất lượng để chăm sóc cho cam. Theo đó, gia đình chị Thìn đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại chăn nuôi từ 100 – 150 con lợn thương phẩm/lứa (chỉ tính việc xuất chuồng lợn thương phẩm đã giúp gia đình chị Thìn thu lãi cả trăm triệu đồng/năm). Từ hệ thống chuồng trại này, nguồn phân thải được bơm rửa đưa qua hầm khí biogas (tận dụng nguồn ga phục vụ cho nấu nướng), rồi phế phẩm từ sau hầm biogas lại được bơm lên ao phân hủy và xử lý, sau đó mới được hòa với nước tưới bón cho cây. Cũng nhờ có nguồn phân bón hữu cơ đã được xử lý này tưới bón cho cam mà vườn cam nhà chị Thìn rất xanh tốt dù được trồng trên đất đồi cằn khô sỏi đá.
Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt nên 5 năm gần đây, vườn cam nhà chị luôn được mùa cho thu hoạch từ 50 – 65 tấn quả/vụ, giá trị thu về đạt từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm. Điển hình như năm 2015, vườn cam nhà chị Thìn cho sản lượng 65 tấn quả, trong đó cam Vinh 15 tấn, bán trung bình được giá 28 nghìn đồng/kg; cam đường Canh được 50 tấn quả, giá bán trung bình được 20 nghìn đồng/kg, tổng giá trị thu về gần 1,5 tỷ đồng. Đến vụ cam năm 2016, chị Thìn ước tính sẽ thu hoạch khoảng 70 tấn quả, trong đó có 40 tấn cam Canh và 30 tấn cam Vinh. Hiện cam Vinh chuẩn bị được thu hoạch, tiểu thương ở Hà Nội đã đến thăm đặt mua cả vườn với giá chốt 20 nghìn đồng/kg, rẻ hơn 8 nghìn đồng/kg so với vụ trước.
Nhờ hiệu quả kinh tế từ vườn cam mang lại, gia đình chị Vũ Thị Thìn không chỉ xây dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đắt tiền mà năm 2014, vợ chồng anh chị đã mua được chiếc xe ô tô Fortuner sang trọng trị giá hơn 1 tỷ đồng để phục vụ đi lại. Thực tế, gia đình chị Vũ Thị Thìn đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của huyện Lục Ngạn trong lĩnh vực phát triển làm kinh tế trang trại vườn đồi.
Tác giả bài viết: Đức Thọ
Nguồn tin: www.khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã