Học tập đạo đức HCM

Cá lóc trên "sa mạc"

Chủ nhật - 15/02/2015 08:22
Nuôi 10 ao cá lóc bằng phương pháp lót bạt trên cát, mỗi năm trừ chi phí đem về lãi ròng 500 triệu đồng
Đấy là mô hình mà bà con ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam đang nhân rộng và phát triển. Tất cả các hộ đầu tư nuôi cá lóc đều cho thu nhập cao. Chinh phục miền cát trắng Vùng đất huyện Thăng Bình được ví như “sa mạc” của tỉnh Quảng Nam, diện tích bao quanh toàn cát trắng, chỉ có xương rồng, cây bụi “cắm rễ”. Vào mùa mưa ở đây mới thấy được màu xanh của cỏ cây, còn đến mùa nắng thì chẳng cây gì sống được, đành bỏ hoang hóa. Bài toán tìm cách nâng giá trị kinh tế trên vùng đất cát này luôn là nỗi trăn trở của chính quyền và người dân địa phương nơi đây từ bao đời nay. Ấy vậy mà cách đây 10 năm, anh Trần Khương (sinh năm 1973) ở thôn 3, xã Bình Triều bới cát, trải bạt và khoan giếng bơm nước vào. Nguồn cá giống anh nhập từ Đồng Tháp về thả. Thấy việc làm của anh, ai cũng ngớ người, họ chẳng tin cái mô hình nuôi cá lóc trên cát của anh thành công, có người còn trù éo sẽ trắng tay mà coi. Có người còn thách, nếu nuôi thành công đi bằng đầu xuống đất! Ngày anh xuất bán từng ao cá, mọi người kéo đến xem, khi nước trong ao cạn đáy, đàn cá nằm xăm xắp và ai cũng khen anh giỏi, anh tài. Rất nhiều người dân ở huyện Thăng Bình kéo đến bái anh làm “sư phụ” để học nghề. Tuy nhiên anh không giấu nghề mà sẵn lòng giúp đỡ. Họ đến ăn ở để học cách làm và từ đó có hàng chục “đệ tử” ăn nên làm ra, người nuôi ít thì vài ao, người nhiều trên 10 ao cá. Chuyện đùa của ngày nào thì nay đã trở thành câu chuyện có thật, mỗi năm anh xuất bán 50 tấn cá lóc với giá 50 - 60 ngàn đồng/kg, thu được hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí “hốt” trên 600 triệu đồng bỏ túi. Mỗi ao có diện tích hơn 60 m2, chiều dài 15 m, chiều rộng 4 m, chiều cao 0,8 m, mỗi lần xuất bán, khoảng 5 tấn cá lóc/ao; con nhỏ 1 kg, con lớn 1,5 kg. Thời gian nuôi chừng 7 tháng cho thu hoạch, với phương châm nuôi gối đầu nên tháng nào anh cũng có cá xuất bán. Cho cá lóc ăn Nhìn từng con cá lóc phóng lên mặt nước đôm đốp, anh Khương kể: Để làm nên kỳ tích này, anh đã tốn không ít thời gian học nghề. Khi còn là một thanh niên, cũng giống bao người lớn lên ở vùng đất cát luôn đối diện với nghèo khổ, họ rời quê đi lập nghiệp. Hết Đà Nẵng, TP.HCM…, cuối cùng Khương chọn cho mình nơi đặt chân là tỉnh Đồng Tháp. Ở đó, có nhiều người chăn nuôi thủy sản, rồi anh làm thuê ở một trang trại nuôi cá lóc. Hơn 10 năm làm thuê, kinh nghiệm có thừa, có chút vốn trong tay, Khương trở về địa phương. Trên vùng cát ấy, anh nghĩ, ở trong đó họ cũng nuôi được cá lóc, sao mình không thử? Anh dùng bao tải đổ cát vào đắp bờ, sau đó lót bạt bơm nước thả cá. Những đợt nuôi đầu tiên cá nuôi chậm lớn, thường gặp dịch bệnh nên chỉ hòa vốn. Nuôi lâu có kinh nghiệm nên cá được khống chế dịch bệnh và mỗi lần xuất bán thì có nguồn thu lớn. Có được đồng tiền lời nào, anh lại mở rộng quy mô, đến nay có 3 trại nuôi cá, với 17 ao, thuê 3 người làm việc thường xuyên, đến thời vụ có hàng chục người làm. Thăng Bình là huyện vùng cát. Trong tổng số hơn 38.000 ha diện tích đất tự nhiên của toàn huyện thì diện tích đất cát chiếm đến 1/3 với khoảng 13.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng Đông. Đất cát bạc màu, lại gặp khí hậu khắc nghiệt nên SX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tính trên một đơn vị diện tích, nguồn lợi thu về từ trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế không cao. Việc phát triển nuôi cá trên ao trải bạt đem lại giá trị kinh tế cao nhất đối với vùng đất này. “Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cá nhỏ được mua từ biển Hội An và Thăng Bình. Đây là nguồn thức ăn dồi dào nhưng giá thành lại rẻ, ngoài ra, kèm theo thức ăn bột để cá nhanh lớn. Cá lóc thường mắc bệnh lở loét, đường ruột, mỗi hồ nuôi chết khoảng 10%, để hạn chế thì thường xuyên phòng trị bệnh. Mỗi ngày phải quan sát ao cá, nhìn cá bơi, cá ăn thì sẽ đoán được ra bệnh để điều trị, chứ để đến lúc cá sắp chết thì cứu không nổi”, anh Khương nói. Không chỉ giàu riêng mình Được xem là một “đệ tử” thành danh trong lớp học trò của anh Khương, ông Lê Minh Thành (sinh năm 1958, trú thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình) trở thành triệu phú vùng đất này. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu gần hơn 500 triệu đồng. Từ “lò” của anh Khương ra, năm 2011, ông Thành cùng người con rể bỏ vốn 1,3 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cá lóc trải bạt trên cát. Hệ thống ao nuôi được xây bằng gạch, xi măng rất kiên cố, với 11 ao cá lóc. Để tận thu nguồn thức ăn dư thừa của lóc, ông Thành nuôi 2 ao cá trê. Ông Thành bảo, mỗi ngày đàn cá ăn hết một tấn cá con, nên phải đầu tư kho đông lạnh. Ông bỏ ra gần 600 triệu đồng chứa được 50 tấn thức ăn, do đó vào giai đoạn người dân miền biển được mùa, giá cá tạp xuống 3.500 đ/kg, ông bỏ tiền ra mua về chất vào kho. Đặc biệt những ngày mưa bão, ngư dân không ra khơi thì ông có nguồn thức ăn dự trữ cho cá. Cách làm này ông đã giảm được chi phí thức ăn đáng kể, như hiện nay giá cá tạp lên 9.000 đồng/kg. Tính ra, ông Thành làm kho đông có lợi rất nhiều, nguồn thức ăn lúc nào cũng đủ cho đàn cá nuôi. Ông Lê Minh Thành nuôi cá lóc thu hơn 500 triệu đồng/năm Ngoài việc làm giàu cho mình, chẳng khác gì “sư phụ” Khương ngày nào, bây giờ ông Thành chuyển giao công nghệ cho rất nhiều người phát triển mô hình. Ai đến học kỹ thuật nuôi cá lóc trải bạt trên cát, ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Thậm chí sẽ được nuôi ăn ở tại nhà đến khi nào có đủ kinh nghiệm mà không lấy một đồng. Tôi hỏi: "Ông bày cho nhiều người như vậy mà không sợ đến một ngày cá nhiều khó bán sao?". Ông Thành cười: “Có chi mà lo chú, hiện thị trường tiêu thụ cá lóc rộng lắm. Ở huyện có vài chục hộ nuôi cá lóc trải bạt trên cát nhưng không đủ cung cấp cho tỉnh Quảng Nam, chứ đừng nói các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Cả khu vực miền Trung chỉ có huyện Thăng Bình nuôi nhiều thôi, chứ có ai nuôi mô, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng lớn”. Ngoài việc chỉ dạy kỹ thuật nuôi, sau đó ông kết nối những nơi cung cấp giống cá lóc, thức ăn ở Đồng Nai cung cấp cho những hộ gia đình phát triển nghề này. Ông chẳng ngần ngại, ai nhờ, ông sẽ giúp sức để họ thoát nghèo. “Nuôi cá thấy lãi lớn rồi đó, nhưng làm nông nghiệp với điểm xuất phát thấp, mình không làm lớn được. Giờ vay ngân hàng mà đầu tư tiếp lỡ mà thất bại thì sẽ trắng tay, nhà cửa không có ở. Để chắc ăn thì phải lấy ngắn nuôi dài, thu lãi được đồng nào thì mới đầu tư tiếp”, ông Thành tâm sự. Bể nuôi cá lóc của ông Thành có bề ngang 4 m, dài 12 m, cao 0,8 m và được lót bạt, bốn phía lưới vây xung quanh cẩn thận, vì nếu để nền xi măng thì cá rất dễ mắc bệnh, khó phát triển. Mỗi ao nuôi 10.000 con cá lóc, trong tháng đầu tiên, ông Thành trộn thuốc phòng bệnh đường ruột cho cá vào thức ăn để tránh các bệnh thường gặp. “Ao nuôi cá lóc loại lớn mỗi ngày thay nước hai lần, còn cá nhỏ thì 1 tiếng đồng hồ thay một lần. Đối với cá lóc lớn thì tháo còn 20 cm nước rồi bơm vào; cá lóc nhỏ sức yếu nên bơm từ từ vào ao. Nuôi 10.000 con/50 m2 thì cá mới mau lớn, còn nuôi thưa cá nhảy, bơi nhiều sẽ lớn chậm”, ông Thành chia sẻ.  
ĐẮC THÀNH
Theo nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập927
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại786,971
  • Tổng lượt truy cập93,164,635
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây