Học tập đạo đức HCM

“Đánh liều” làm bạn với cây măng bói mà thành triệu phú

Thứ năm - 06/08/2015 22:13
Từ một hộ nghèo, qua gần 5 năm “đánh liều” làm bạn với cây măng bói, gia đình ông Phan Văn Chế, thôn Bản Pi, xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã trở thành thành triệu phú.

Từ 30 gốc măng ban đầu

Đứng trước gần 6 ha măng đang vào mùa thu hoạch, nghe ông Chế say sưa nói về cây măng bói, chúng tôi không khỏi thán phục trước tư duy làm nông nghiệp của lão.

Trước đây, ông lăn lộn kiếm tiền bằng đủ các nghề nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng. Nhiều đêm vợ chồng trăn trở không sao ngủ được, trong suy nghĩ đặt ra rất nhiều câu hỏi: "Làm thế nào mới đủ tiền cho con cái ăn học, gia đình có của ăn, của để trong khi đất rừng không thiếu?".

“Đánh liều” làm bạn với cây măng bói mà thành triệu phú - 1

Ông Phan Văn Chế bên vườn măng bói 2 năm tuổi.

 

Năm 2010, ông quyết định bàn vay vốn ngân hàng NN-PTNT huyện Văn Bàn để mở rộng diện tích trồng cây măng bói. Ông chủ đồi măng cho biết: "Măng bói ăn rất mềm, ngọt, không có vị he, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, xào, làm nộm, ngâm chua với ớt,... nên được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm".

Bị người thân trong gia đình kịch liệt phản đối vì nghĩ măng không thể mang đến cuộc sống đủ đầy, ban đầu ông Chế trồng thử 30 gốc xen lẫn sắn và các loại cây trồng khác. Dần dần cây măng bói ưa đất Bản Pi, phát triển xanh tốt cho măng ổn định.

Những năm đầu thu hoạch, vợ chồng ông thay nhau chở măng xuống chợ huyện bán, dần dần khách hàng truyền tai nhau, tìm đến tận nhà ông khuân măng đi. Từ những gốc tre đầu tiên đó, dưới bàn tay cần cù chăm sóc của vợ chồng ông, vườn tre cứ tăng dần lên theo năm tháng.

Ông Chế chia sẻ: “Hiện tại diện tích trồng măng bói của gia đình tôi là 6 ha, trong đó 4 ha tre măng đang cho thu hoạch ổn định, còn 2 ha sắp cho thu hoạch. Sắp tới, tôi sẽ mua thêm đất rừng của bà con trong bản để mở rộng diện tích trồng măng”.

Từ lâu, cây măng bói đã được bà con ở xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn trồng làm thực phẩm và lấy nguyên liệu phục vụ đời sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ đến khi ông Chế đưa vào trồng đại trà, cây măng bói mới mang lại giá trị kinh tế rõ nhất.

Trở thành triệu phú

Bên cạnh việc trồng tre lấy măng bán ra thị trường, ông chế cũng SX cây giống để cải tạo những khóm tre già cỗi, đồng thời cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật cho những ai có nhu cầu trồng loại đặc sản có một không hai này.

Ông Chế nhẩm tính: “Năm 2014, gia đình tôi thu hoạch 15 tấn măng bói trên diện tích 4 ha. Tính trung bình mỗi cân măng có giá 15.000 đồng, đem lại thu nhập 225 triệu đồng. Việc bán cây giống cũng mang về 40 triệu đồng. Tôi có thể nuôi 3 đứa con ăn học đầy đủ, giờ chúng đã có việc làm ổn định”.

Ngoài trồng măng bói, ông Chế cũng kết hợp chăn nuôi thêm trâu, và các loại gia cầm mang về tổng thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng cho gia đình.

Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng bởi điện thoại của ông Chế liên tục nhận những cuộc gọi đặt măng từ khách hàng. Từ tháng 3 âm lịch đến nay, trung bình mỗi ngày ông cung cấp ra thị trường trên dưới 1 tạ măng bói tươi, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 triệu đồng.

Năm nay, nắng hạn kéo dài nên cây măng bói cũng phần nào bị ảnh hưởng, măng mọc có chậm hơn và không to bằng mọi năm. Từ khi măng cho thu hoạch đến nay, chưa khi nào gia đình ông Chế đủ măng tươi cung cấp ra thị trường nên cây trồng này vẫn có tiềm năng rất lớn.

Ông Chế tâm sự: "Cây măng bói rất dễ trồng và chăm sóc nên ai cũng có thể trồng được. Cây con được trồng từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm bằng 2 phương pháp là giâm cành và trích gốc. Khi mới trồng cây phải được che nắng và tưới nước đầy đủ.

Sau khi ra đọt măng đầu tiên chỉ cần phát quang cỏ dại và tỉa bớt cây già cỗi, cứ dong một cây măng non thì chặt một cây tre già. Khóm tre phải luôn đảm bảo suông gốc và có nhiều ánh sáng xuyên qua. Từ năm thứ 3 trở đi, măng sẽ cho thu hoạch ổn định từ 15 - 20 kg tươi/khóm".

Không ngừng lan tỏa

Qua 5 năm làm bạn với cây măng bói, đã có nhiều đoàn khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan và học hỏi mô hình làm giàu của ông. Ông cũng vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cấp tỉnh, cấp huyện về nông dân SXKD giỏi nhờ măng bói.

Các hộ dân trồng măng bói mong muốn các cơ quan chức năng và nhà khoa học sẽ sớm tìm ra phương pháp bảo quản măng tươi ngon lâu hơn để măng bói không chỉ đến được đến tay người tiêu dùng trong huyện, tỉnh mà còn trên cả nước. Thiết nghĩ, chỉ nay mai thôi, sẽ có không ít triệu phú nổi lên trên đất Văn Bàn nhờ cây măng bói.

Người ta gọi ông là người “say măng”, “mê măng”, bởi khi nói về cây măng bói, ông có thể thao thao bất tuyệt vài ngày không hết. Hễ rảnh, ông lại lên nương măng, dọn cỏ, tỉa cây già, chăm sóc từng khóm tre bói hay chỉ đơn giản là nhìn ngắm những cây măng ngày ngày xanh tốt khiến tinh thần ông thoải mái hơn.

Nhờ trồng măng bói, ông chế đã giúp đỡ được 6 hộ dân trong thôn Bản Pi vươn lên thoát nghèo, đồng thời đóng góp, ủng hộ làm nhiều công trình phúc lợi xã hội trong thôn như nhà văn hóa thôn, cổng trường tiểu học thôn...

Ngoài ông Chế, nhiều hộ dân khác như hộ anh La Đức Bình, Hoàng Ngọc Sơi, La Tất Sinh, La Văn Quán... ở xã Dương Quỳ cũng đã phát triển mô hình trồng cây măng bói đem lại thu nhập đều đặn từ 15 - 20 triệu đồng mỗi năm. Đời sống của những hộ dân trồng măng ngày càng ổn định và nâng cao. Có thể nói, cây măng bói đã làm thay đổi bộ mặt thôn bản ở Khánh Yên Thượng và Dương Quỳ.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình trồng măng bói, ông Lê Quang Đồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Bàn cho biết: “Mô hình trồng cây măng bói đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ dân trồng măng đã trở thành triệu phú điển hình như ông Phan Văn Chế và các hộ dân ở xã Dương Quỳ. Chúng tôi cũng đang có chủ chương khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này để bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Tuy nhiên, theo ông Đồng, điểm trừ duy nhất của măng bói là khó bảo quản, măng rất dễ ôi nếu để qua đêm. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào giữ măng tươi ngon trong nhiều ngày.

Theo danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập947
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại763,680
  • Tổng lượt truy cập93,141,344
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây