Nhà máy đạm Cà Mau hiện đạt sản lượng gần 2,4 nghìn tấn sản phẩm/ngày, kịp thời cung ứng nguồn phân bón cho mùa vụ 2014. Kỹ sư, Giám đốc Nhà máy đạm Cà Mau Văn Viết Thanh, sẻ chia: “Ngay trong những ngày Tết chúng tôi đã bắt tay chuẩn bị xuất khẩu lô hàng đầu tiên 26 nghìn tấn phân đạm sang thị trường Bangladet. Tết này hơn 500 kỹ sư, công nhân vẫn trụ lại Nhà máy làm việc bình thường; chỉ có khoảng 20% số lao động về quê đón Tết.”
Tại “Tổng hành dinh” - nơi vận hành, kiểm soát, giám sát hoạt động của nhà máy đang có hàng chục kỹ sư, tuổi đời còn rất trẻ miệt mài làm việc… Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban quản lý vận hành sản xuất, cho biết: Đây là “trái tim” của Nhà máy đạm Cà Mau, các thiết bị, công nghệ phức tạp và hiện đại của nhà máy đều tập trung tại đây. Bất kỳ một trục trặc nào cho dù là nhỏ nhất cũng được phát hiện, kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời để bảo đảm cho nhà máy vận hành sản xuất ổn định, thông suốt…”
Được biết, Ban quản lý vận hành sản xuất của nhà máy có trên 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân tình nguyện ở lại trực sản xuất liên tục ngay trong những ngày nghỉ Tết. Để bảo đảm hiệu suất công việc và vui Tết, lịch trực sản xuất được chia thành hai ca, bốn kíp, thay nhau nghỉ với thời gian làm việc của nhà máy là 12 giờ/ ngày. Đêm giao thừa được tổ chức tươm tất trong khuôn viên nhà máy, những người thợ ở khắp mọi miền của đất nước xa nhà cùng đồng cảm sâu sắc và sẻ chia, chào đón năm mới thật đầm ấm và tràn đầy niềm vui mà vẫn không thiếu hương vị bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào…ngày Tết.
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau PVCFC, Hoàng Trọng Dũng, cho biết: Kể từ khi Nhà máy đạm Cà Mau đưa vào vận hành sản xuất đến nay, công ty đã cung ứng cho thị trường phục vụ nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân gần 1,2 triệu tấn đạm; tổng doanh thu năm 2013 ước đạt 6.444 tỷ đồng. Nhà máy đạm Cà Mau hiện có 650 kỹ sư, công nhân, thợ bậc cao tham gia trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất ở bốn phân xưởng chính. Mục tiêu lớn của công ty trong năm 2014 là bảo đảm cung ứng nguồn phân bón ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý cho bà con nông dân; đặc biệt là tránh tình trạng khan hiếm phân bón, giá phân bón tăng cao khi bước vào cao điểm vụ lúa hè thu.
Sau gần hai năm đưa Nhà máy đạm Cà Mau vào vận hành, sản phẩm đạm Cà Mau đã từng bước khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường. Lợi thế lớn nhất của đạm Cà Mau là hạt to, chậm tan và giá cả hợp lý. Đến nay, đạm Cà Mau đã về với ruộng đồng ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, những vườn cà phê, cao su… ngút ngàn tại nhiều tỉnh Miền đông, Tây Nguyên được bà con nông dân nhiệt tình ủng hộ, đón nhận.
Qua thử nghiệm thực tế đạm Cà Mau tại cánh đồng lúa ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau, nhiều bà con nông dân, cho biết: sử dụng phân đạm Cà Mau có thể tiết kiệm từ 15-20% phân đạm/ha so với phân đạm nhập khẩu và giá thành cũng dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng mạnh dạn đề xuất, yêu cầu giữ ổn định về giá phân đạm Cà Mau nhằm giúp nông dân đễ tiếp cận, tiêu thụ rộng rãi hơn.
Phân xưởng đóng bao sản phẩm đạm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã