Học tập đạo đức HCM

Đổi tên thành HLV và Trang trại để phù hợp với yêu cầu sản xuất VAC hàng hóa

Thứ hai - 13/08/2012 20:22
Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc một số đơn vị Hội Làm vườn (HLV) đổi tên thành HLV và Trang trại, GS.TS. Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương HLV Việt Nam cho rằng, điều đó đang phản ánh thực tế phát triển của loại hình kinh tế trang trại ở các địa phương khi sản xuất theo hướng hàng hóa và liên kết để nâng cao sức cạnh tranh đang là nhu cầu có thực của không ít nông dân.
Mô hình nuôi cá rô đồng tại xã Thành Tâm (Thạch Thành-Thanh Hóa).

HLV và Trang trại Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn đổi sang tên gọi như hiện nay (năm 2007). Theo ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội, điều này xuất phát từ xu hướng phát triển tất yếu của nghề vườn, đó là tiến lên sản xuất hàng hóa, nghĩa là hình thành những trang trại quy mô lớn chứ không chỉ là mảnh vườn, cái ao truyền thống. Và thực tế đã chứng minh, sau khi đổi tên, HLV và Trang trại Thanh Hóa đã tập hợp được đội ngũ các chủ trang trại, có tâm huyết và kiến thức với nghề vườn, không ngại áp dụng cái mới. Họ đã trở thành những nhân tố tích cực trong xây dựng mô hình kinh tế mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

“Khi chúng tôi quyết định đổi tên cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều nhưng tôi nghĩ đó là nhu cầu tự thân của Hội, để kinh tế vườn, kinh tế VAC ở xứ Thanh phát triển lên một tầm cao mới, đó là xây dựng những mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, ông Len nói.

Cũng theo ông Len, hiện HLV và Trang trại Thanh Hóa hoạt động với hai “mũi chủ lực” là Câu lạc bộ các chủ trang trại và hệ thống các đơn vị Hội từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, Câu lạc bộ các chủ trang trại được coi là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình, vận dụng những tiến bộ kỹ thuật. Có thể kể đến những cái tên như trang trại Nguyễn Minh Nguyệt, gia trại Minh Cần, Nguyễn Đăng Khánh, Hoàng Quốc Văn,… Đến nay, đã có 6/23 HLV và Trang trại huyện thành lập được Câu lạc bộ chủ trang trại gồm: Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Bá Thước, Thạch Thành. Mới đây nhất, HLV và Trang trại Thạch Thành đã tiến hành Đại hội thành lập Câu lạc bộ chủ trang trại lần thứ nhất với 50 chủ trang trại làm đơn đăng ký tự nguyện tham gia. Câu lạc bộ định kỳ sinh hoạt 3 tháng/lần, mức hội phí là 500.000 đồng/năm.

Những năm qua, HLV và Trang trại Thanh Hóa luôn là đơn vị tích cực triển khai xây dựng mô hình kinh tế mới, trong đó có nhiều mô hình được ngành chức năng, các nhà khoa học đánh giá cao như nuôi cua đồng, trồng thanh long ruột đỏ, chăn nuôi trên đệm lót không chất thải,… Từ đầu năm 2012 đến nay, Hội được Trung ương Hội giao thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng vườn nhãn, vải năng suất chất lượng thấp thành vườn nhãn năng suất chất lượng cao theo hướng VietGAP. Theo đó, Hội đã thực hiện ghép cải tạo thành công cho 66 cây nhãn giống cũ thành giống nhãn mới; tổ chức tập huấn kỹ thuật ghép nhãn trên vải cho 66 hộ thuộc các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc. Sau lớp tập huấn, đã có 13 hộ đăng ký cải tạo vườn nhãn với 491 cây. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại theo hướng hàng hóa, thực hiện tốt dịch vụ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân trên địa bàn; phát triển các mô hình như sản xuất cá lóc giống, sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông; cải tạo vườn nhãn, nuôi cua biển…

Khẳng định với chúng tôi, ông Len cho rằng: “Việc đổi tên thành HLV và Trang trại thực chất là vì chúng tôi muốn “cởi cái áo cũ quá chật” để hoạt động phù hợp với tình hình phát triển chung của địa phương, đích đến cuối cùng vẫn là phát huy tiềm năng kinh tế VAC, kinh tế trang trại, giúp nông dân xóa nghèo, làm giàu”.

HLV và Trang trại TP.Hồ Chí Minh cũng là đơn vị mạnh dạn đổi tên và triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển loại hình kinh tế trang trại, giúp nghề vườn trên địa bàn thành phố đi theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất phục vụ đô thị và theo hướng công nghệ cao như trồng hoa lan, nuôi cá cảnh, bò sữa nên hơn 4.000 hội viên của Hội (hầu hết là nông dân và chủ trang trại) đã có thu nhập khá cao. Năm 2011, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 180 triệu đồng, trong đó, nhiều mô hình như trồng lan cắt cành, nuôi cá cảnh, chăn nuôi bò sữa khép kín, sản xuất rau an toàn… cho thu nhập từ 500-1 tỷ đồng/năm.

Với phương châm lấy hội viên sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt, năm 2011, HLV và Trang trại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức trên 330 buổi sinh hoạt, tọa đàm, lồng ghép tuyên truyền vận động cho trên 6.200 lượt hội viên với những nội dung như sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo mô hình VAC đô thị; nhiều quận, huyện Hội đã mở rộng liên kết với các trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp mở gần 200 lớp tập huấn, dạy nghề cho trên 3.500 lượt hội viên và nông dân, trong đó có 12 lớp dài ngày ở Củ Chi về hoa, cây cảnh. Tại những lớp này, nhiều giáo viên là những chủ trang trại giàu kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn và Trang trại TP.Hồ Chí Minh cho biết, với lực lượng đông đảo hội viên là chủ trang trại và là gương sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, Hội đã tận dụng lợi thế này để đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và hội viên. Chỉ tính riêng Hội Làm vườn và Trang trại quận Thủ Đức, năm 2011 có 270 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chủ yếu trong lĩnh vực có thế mạnh của huyện như trồng hoa mai, hoa lan, cây kiểng,...

Một đơn vị Hội cũng đang chuẩn bị đổi tên là HLV Thái Nguyên. Trong Hội nghị Ban chấp hành Hội mới đây, lãnh đạo chủ chốt của Hội đã đưa ra thảo luận Đề án tổ chức Đại hội HLV tỉnh khóa V. Theo đề án, HLV Thái Nguyên sẽ đổi tên thành HLV và Trang trại nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và đổi mới cơ cấu ban chấp hành, cơ cấu thêm các chủ trang trại trực tiếp sản xuất và có nhiệt huyết với phong trào làm VAC, giảm bớt cơ cấu thành phần mang tính hình thức. Được biết, HLV Thái Nguyên đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép xây dựng dự án tổng kết kinh tế VAC và kinh tế trang trại, nhằm đánh giá toàn diện về kinh tế trang trại, kinh tế VAC trên địa bàn, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển, góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho hội viên và nông dân.

Xét cho cùng, việc mang một cái tên mới không quan trọng bằng việc các đơn vị Hội hoạt động ra sao. Nhưng nếu mang tên mới mà cơ hội, điều kiện hoạt động tốt hơn thì đó cũng là việc nên làm.
 

Khánh Nguyên
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập243
  • Hôm nay19,209
  • Tháng hiện tại401,232
  • Tổng lượt truy cập90,464,625
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây