Thưa ông, sau 3 năm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN)” theo chủ trương của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng nào?
- Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành NN” và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực cụ thể. Hiện nay, các đơn vị, địa phương tiến hành triển khai thực hiện các chương trình, đề án cho phù hợp điều kiện, tập quán sản xuất của từng vùng miền, từng lĩnh vực cụ thể.
Sau 3 năm triển khai, Quảng Nam đã ghi nhận những thành công bước đầu. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành NN trong GDP giảm từ 22,4% năm 2010 xuống còn khoảng 16% năm 2015. Tốc độ tăng bình quân 5 năm (2011 - 2015) của ngành NN là 3,7%, lâm nghiệp 12,0% và thủy sản 6,3%...
Quảng Nam quyết tâm xây dựng mỗi địa phương có một sản phẩm tiêu biểu. Ảnh: Làng rau Trà Quế (TP.Hội An) đã được công nhận làng nghề. Ảnh: Đ.H
3 phương châm hóa trong chủ trương tái cơ cấu của tỉnh là “Doanh nghiệp hóa các sản phẩm NN hàng hóa của ND; liên kết hóa trong phát triển sản xuất - kinh doanh và các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ máy các cấp; xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào NN, nông thôn”. Ngoài ra, HĐND tỉnh đã có nghị quyết hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn...”. Ông Đinh Văn Thu
|
Đặc biệt, việc tái cơ cấu ngành NN đã thúc đẩy sản xuất theo hướng thâm canh cao, hàng hóa tập trung. Trong đó, diện tích cây trồng như lạc, ngô, dưa hấu, rau thực phẩm đã tăng 35,3% so với năm cuối của kỳ kế hoạch trước (2006 – 2010). Mỗi năm, tỉnh xây dựng được hơn 6.000ha cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu... và hàng chục ngàn ha keo, cao su.
Hiện nay, Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất lúa giống hàng hóa khu vực miền Trung, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, với gần 3.500ha canh tác/năm.
Lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy hải sản cũng đang phát huy hiệu quả. Giá trị nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 335 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 2,5 lần so với năm 2011. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt tăng gần 5.000ha, hằng năm cung cấp ra thị trường trên 6.100 tấn sản phẩm các loại...
Một trong những yếu tố quan trọng của công tác tái cơ cấu ngành NN là xây dựng đề án quy hoạch lại các vùng sản xuất. Vậy, Quảng Nam đã thực hiện công việc này như thế nào, thưa ông?
-Trong những năm qua, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch, đề án sản xuất về nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, nhiều dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả lớn, như: Quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển gắn với du lịch; quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt vùng ven biển tại huyện Thăng Bình và Núi Thành; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch ngành thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030… Thực hiện các quy hoạch về thủy lợi, chăn nuôi tập trung, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), phát triển cây quế...
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng và triển khai nhiều đề án phát triển NN hiệu quả như liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn; phát triển làng nghề nông thôn gắn với du lịch; thí điểm trồng rừng keo bằng giống cấy mô; bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý; thí điểm tích tụ ruộng đất tại xã Bình Đào (Thăng Bình)... Đặc biệt, hiện nay đã có 100% số xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch, đề án phát triển sản xuất gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Mục tiêu của Quảng Nam là thực hiện tái cơ cấu NN gắn xây dựng nông thôn mới và quyết tâm xây dựng mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng. Đến nay mục tiêu này đã được thực hiện thế nào, các sản phẩm NN chủ lực mà Quảng Nam xác định là gì?
-Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN và quyết tâm xây dựng mỗi địa phương có 1 sản phẩm đặc trưng là nhiệm vụ hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành NN để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Vì thế, trong mấy năm qua tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, chính sách hỗ trợ và phát triển các sản phẩm, làng nghề, như: Quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam; Đề án “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020”... Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt một số kết quả bước đầu. Từ 2013 đến nay đã công nhận 12 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng như vấn chổi Chiêm Sơn, trồng rau Trà Quế, trồng rau Hưng Mỹ...
Trong năm 2014, tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 23 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam, trong đó có nhiều sản phẩm làng nghề như sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu, tơ lụa Mã Châu; bàn gỗ tự xoay của làng mộc Văn Hà... Đặc biệt trong năm 2015, tỉnh có 4 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia được công nhận gồm vải lụa tơ tằm Mã Châu, sọt đựng rác cây nấm bằng mây tre, chè xanh Quyết Thắng, tiêu Tiên Phước. Việc phát triển các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khó khăn chung của ngành NN hiện nay là tình trạng được mùa mất giá, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Quảng Nam đã tháo gỡ khó khăn này như thế nào?
-Trong 3 năm qua, Quảng Nam đã tổ chức và xây dựng, liên kết sản xuất tiêu thụ gần 150 cánh đồng lớn (riêng vụ đông xuân 2015-1016 đã có 30 phương án cánh đồng lớn). Ở đó, DN liên kết, hợp tác với các HTX và bà con nông dân sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, các loại rau ăn trái, rau gia vị, góp phần bước đầu thay đổi phương thức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân một cách hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Quy hoạch cụ thể cây, con cho đồng bằng và miền núi Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển vùng đồng bằng là các cây trồng, vật nuôi chủ lực như cây lúa, rau quả, ngô, lạc, quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản, trồng rừng phòng hộ gắn với du lịch; tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, kết hợp thực hiện có kết quả, hiệu quả chính sách phát triển thủy sản. Vùng miền núi triển khai trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi trồng rừng sản xuất bằng cây keo ngoại, cây nuôi cấy mô; phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; thực hiện quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu, quy hoạch chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;