Siêu thị Co.op mart Hà Tĩnh đưa hàng về phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, |
“Mỗi khi biết tin sắp có chuyến hàng Việt về nông thôn, tôi lại háo hức chờ đợi. Bởi đây là hình thức kinh doanh chuyên nghiệp, giá cả phải chăng, với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham quan, mua sắm” - chị Phan Thị Ngọc Tú (thôn Đông Mỹ, xã Sơn Hòa - Hương Sơn) chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, đó cũng là mong muốn của số đông người dân nông thôn, bởi không phải đi xa nhưng họ vẫn mua được hàng hóa chất lượng, giá thành hợp lý. Các thông số về sản phẩm, sự niêm yết giá công khai là mốc để người dân so sánh, tránh sự ép giá của tư thương.
Hàng năm, Hà Tĩnh có khoảng 80-90 phiên chợ hàng Việt, trên dưới 50 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. 100% sản phẩm tham gia được sản xuất trong nước. Ngoài ra còn có các sản phẩm trong tỉnh, gồm: sản phẩm CN-TTCN như đồ gỗ Thái Yên, cơ khí Trung Lương, kẹo cu đơ…; sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, củ, quả, bưởi Phúc Trạch, nhung hươu…; sản phẩm vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng…
Hiện nay, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh là đơn vị độc quyền trong chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. “Từ tháng 1 đến tháng 4/2014, chúng tôi đã tổ chức 20 chuyến hàng về các xã vùng sâu, vùng xa Hương Sơn, Hương Khê, vùng tái định cư Kỳ Anh… Mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 ngày, với đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc, tổ chức tốt từ khu trưng bày đến thanh toán... Sản phẩm chủ yếu là thực phẩm công nghệ chế biến, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… với giá rẻ hơn tại siêu thị 10%. Mỗi chuyến có từ 400-500 mặt hàng, số lượng không hạn định, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân” - ông Bùi Thanh Nguyên - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart cho biết.
Có thể nói, các phiên chợ hàng Việt nói chung, đưa hàng Việt về nông thôn nói riêng là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đầy tiềm năng. Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Đây là kênh tiêu thụ hàng hóa mới, thể hiện rõ nét văn minh thương mại trong thị trường bán lẻ ở nông thôn. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của bà con đối với hàng hóa, quan tâm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước và đặc biệt là trong tỉnh”.
Các phiên chợ hàng Việt nói chung, đưa hàng Việt về nông thôn nói riêng là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đầy tiềm năng |
Hoạt động này đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân cũng như chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) chia sẻ: “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức quy củ, bài bản. Siêu thị Co.opmart đã 6 lần đưa hàng về xã Kỳ Phương và lần nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đơn vị bán hàng bình ổn giá, sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhãn mác, xuất xứ, các thông số rõ ràng nên bà con rất tin tưởng. Thời gian tới, chúng tôi mong siêu thị tiếp tục đưa hàng về nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con vùng tái định cư”.
Chương trình có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị quản lý thị trường. “Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các tổ chức, cá nhân SXKD chân chính, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quá trình SXKD; hướng dẫn cơ sở sản xuất ghi đầy đủ các thông số về sản phẩm; tuyên truyền người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh. Đồng thời, chúng tôi tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác; cương quyết xử lý hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào thị trường… nhằm hỗ trợ, đảm bảo môi trường tốt nhất cho các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn” - ông Trần Hữu Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết.
Để hàng hóa Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng chiếm ưu thế trong nhu cầu tiêu dùng của người dân, các đơn vị SXKD cần có chiến lược phát triển lâu dài; nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, giá cả phù hợp hướng đến thị trường nông thôn rộng lớn. Tại các hội chợ, cần ưu tiên hơn nữa cho hàng Việt, hàng sản xuất trong tỉnh. Đối với hàng hóa nước ngoài, yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký danh mục, xuất xứ, hóa đơn rõ ràng trước khi vào hội chợ, tránh tình trạng hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam… ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;