Học tập đạo đức HCM

Hàng nghìn ngôi nhà ở Hội An bị ngập trong bão

Thứ hai - 14/10/2013 23:00
Bão kèm theo mưa lớn khiến nước biển dâng kết hợp với thủy điện xả lũ, nước trên sông Hoài lên cao tràn vào gây ngập hàng nghìn ngôi nhà ở phố cổ Hội An, Quảng Nam.

8h, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam cho biết, triều cường dâng cao, sóng biển dữ dội tấn công gây sạt lở từng mảng lớn dọc ven biển Cửa Đại từ 23h tối qua đến sáng nay.
 

doc-gia-6511-1381800067.jpg

"Cây cối ngả nghiêng, nhà tốc mái, gạch ngói vỡ vụn, bản lề rung bần bật", độc giả Thùy Giang chia sẻ tình hình ở Hội An.


Tại phố cổ Hội An, cây cối ngã đổ khắp nơi, riêng Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) có khoảng 10 ngôi nhà bị tốc mái. Bão kèm theo mưa lớn khiến nước biển dâng kết hợp với thủy điện xả lũ, nước trên sông Hoài dâng cao tràn vào gây ngập hàng nghìn ngôi nhà ở phố cổ Hội An.

Tại TP Tam Kỳ, trời mưa rất to ước khoảng 200 đến 400 mm, gió thốc mạnh thành vòng xoáy khiến hàng nghìn ngôi nhà của người dân đã tốc mái, cây cối gãy đổ nằm ngổn ngang khắp nơi. Nước mưa gây ngập cục bộ trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ  bị ngập sâu từ 0,5 - 1m.

"Bão đang giật rất mạnh, khoảng cấp 11-12, gió khủng khiếp, một số nhà dân tại đây bị tốc mái, tre, chuối bị bật gốc la liệt, giống như bãi chiến trường, nhìn ra ngoài thấy cây nằm rạp xuống hết. Hiện nay lũ đang lên, nhà mình đã và đến hiên rồi, mức nước này khoảng dưới báo động 2', độc giả Trần Nhân Tâm ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam thông tin. 

7h20, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi xuất hiện gió xoáy. Chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội đang trong tâm thế sẵn sàng ứng cứu người dân nếu xảy ra biến cố. 

7h10, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đang trực chiến tại Sở chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng ứng phó với cơn bão đang tấn công trực tiếp vào Đà Nẵng. Ông Thọ cho hay, ngoài trời đã sáng, nhưng mưa gió chưa có dấu hiệu giảm nên rất lo lắng người dân sẽ chủ quan đi ra ngoài dễ gặp nguy hiểm.
MG-6478-9381-1381796984.jpg

Sóng lớn làm hỏng bờ kè bên bờ Tây sông Hàn.


Trong đêm qua có một vài người bị thương do mái tôn, cành cây, tường gạch rơi trúng nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ. Ngay trong đêm lực lượng cứu hộ Quân khu 5 và thành đội Đà Nẵng đã đưa các nạn nhân đến bệnh viện. Mức độ thiệt hại của Đà Nẵng hiện chưa thể thống kê. 

"Nhà bà già hàng xóm vừa bị đánh sập. Cũng may bà đã qua nhà mình trú tạm trước khi bão vào. Hiện tại, các nhà dân bên biển đã bị thổi bay hết tôn, em mình phải chạy qua nhà mình hồi 5h sáng. Cây cối ven đường và trụ điện đa phần bị đánh sập. Nhưng hiện tại khu vực mình ở chưa có thương vong về người. Cầu trời bảo mau chóng qua. Cứ đà này mà mạnh lên nữa, mình sợ nhà mình không trụ nổi", Hoàng Vy thông tin. 
sap-cc-5154-1381796413.jpg

Gió bão đánh sập cửa một nhà xe cùa khu chung cư tại Huế.


6h30, phố cổ Hội An (Quảng Nam), bão đã vào, mưa gió quật đùng đùng, nhiều căn nhà đang bị tốc mái, ngói và tôn bị hất tung lên rồi quật mạnh xuống đất.

Tại TP Huế, gió vẫn rít liên hồi, đường phố không một bóng người. Nhiều cây xanh gãy đổ, bảng quảng cáo bị hất tung, tôn nằm giữa đường. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết tình hình mưa to gió lớn sẽ kéo dài đến qua 8h sáng 15/10 mới giảm dần. Hiện toàn tỉnh đã có rất nhiều nhà sập, tốc mái nhưng vẫn chưa thể thống kê được, trong đó 2 huyện phía nam Thừa Thiên- Huế là Phú Lộc và Nam Đông là địa bàn bị ảnh hưởng nặng. 

Mưa lớn cũng làm mực nước các sông trên địa bàn dâng cao. Ở sông Bồ đã lên mức báo động 3; sông Hương ở mức báo động 2. Người dân Huế lại chuẩn bị đón lũ sau bão. Tại các xã ven biển của huyện Phú Vang, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), sóng biển dâng cao và đánh mạnh khiến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. 
hoi-an1-1-JPG-1334-1381794412.jpg

Hội An đang hứng chịu cơn bão. 


6h20, ông Trần Thọ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết bão đang vào thành phố. Đà Nẵng khuyến cáo không ai được ra đường vào lúc này, toàn bộ đơn vị chỉ huy và lực lượng phòng chống lụt bão cũng phải ở trong nhà. Tuy nhiên, mọi thông tin về tình hình mưa bão vẫn được liên tục cập nhật. Xe thiết giáp vẫn sẵn sàng để ứng cứu khi cần. Đến 8h Đà Nẵng sẽ có cuộc họp tổng kết thiệt hại về cơn bão.

"Khu vực Phước Lý, Hòa Minh, Liên Chiểu... nhiều nhà dân bên cạnh gia đình tôi đã tốc sạch mái, đồ đạc trong nhà hư hại hoàn toàn, cây cối ngoài đường gãy và đổ ra hết cả đường, trụ điện cũng nằm trong tình trạng tương tự, điện mất nước tối qua. Cơn Bão này thực sự rất mạnh và gây thiệt hại rất nặng nề cho Đà Nẵng", bạn thaisi Hoang cho biết.
danang-5635-1381795865.jpg

Trên đường Ngô Gia Tự, hầu như tất cả các bảng hiệu quanh đây đều hư hỏng. Ảnh: Ảnh Đinh Thế Anh


Bản tin dự báo thời điểm này cho hay, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão Đà Nẵng - Quảng Nam mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/h), giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 m, sóng biển cao từ 6 - 10 m. 
bao-cap-nhat-JPG-2560-1381793920.jpg

Tại khu vực phường Hòa Cường, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng lúc 6h20.


5h30, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang oằn mình trong mưa to gió lớn. Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, tâm bão đã ở sát bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng, hoàn lưu bão mạnh lên từ 2h. Hiện sức gió vẫn duy trì cấp 9-10, sóng lớn 3-4 m liên tục dội vào bờ, ngoài đường hàng loạt cây ngã đổ, nhiều tuyến đường ngập nặng, mực nước các sông đang lên nhanh.

Tương tự, Quảng Nam đang mưa gió mịt mù, nhiều nhà dân ven biển bị tốc mái, không ai dám ra đường vì cây cối tiếp tục ngã đổ. Nước trên sông Hoài, phố cổ Hội An đang lên nhanh. Ngoài khu vực Cửa Đại, sóng lớn đánh dữ dội, xâm thực làm xói lở nặng khu vực bờ kè ven biển.

Anh Nguyễn Quốc Dũng đang ở gần khu vực cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, gió "mạnh khủng khiếp", quang cảnh hoang tàn với nhiều nhà bị tốc mái. Trời đã sáng nhưng không một bóng người, chỉ toàn cây cối ngã đổ trên đường. Còn anh Phạm Thanh cho hay, ở phường Khuê Mỹ quận Ngũ Hành Sơn có một căn nhà bị sập, không ai dám ra đường, toàn thành phố vẫn cúp điện.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng 6-8h, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

5h, Đà Nẵng trời vẫn tối đen, gió rít rợn người giật tung nhiều mái nhà, tôn bay loảng xoảng, cây đổ khắp nơi. Người dân nơi đây một đêm thức trắng.

"Gió mưa ầm ầm. Đây là cơn bão lớn nhất của mình, hy vọng nó sẽ tan sau 1-2 tiếng nữa, chứ lên nữa thì nhà cấp 4 bay hết", anh Bình Nguyên ở Đà Nẵng chia sẻ.

Một du khách ở thành phố cho biết: "Tôi ở ngay gần biển và cũng là lần đầu tiên trong đời chứng kiến cơn bão như thế này. Gió rít liên tục, ầm ầm... kinh khủng thật. Cây cảnh ở trước villas tôi ở đã bật gốc. Mỗi lần nghe gió rít tim tôi như nghẹn lại".

"Chúng tôi ở nhà kiên cố, nhưng vẫn không ngủ được. Cơn bão này mạnh quá, có lẽ lớn hơn cơn bão hồi 2006. Chúng tôi lo cho thành phố, lo về người thân và những người xung quanh", một người dân Đà Nẵng chia sẻ.

Bão Nari gây mưa lớn ở miền Trung. Tính đến 4h sáng nay, lượng mưa đo được các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi là 50-100 mm, một số nơi cao hơn như: Nam Đông: 185 mm, Nông Sơn: 132 mm, Đà Nẵng: 124 mm, Tam Kỳ: 174 mm. Trung tâm khí tượng thủy văn cảnh báo, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi... 
bao5h-4428-1381788294.jpg

Mây vệ tinh lúc 5h sáng cho thấy bão Nari đang đổ bộ tàn phá miền Trung. Một cơn bão khác cũng đang hướng vào biển Đông.



2h10, Minh Hải, ngụ Quảng Ngãi cho hay, hiện trời không mưa và đêm rất yên gió. "Cảm giác rất yên lặng nhưng trong lòng không  yên chút nào...". Trong khi đó ở Huế và Quảng Bình mưa gió đã to hơn nhiều so với một tiếng trước. 

Thông tin đến VnExpress, một độc giả khác chia sẻ: "Bây giờ là 1h45 sáng. Mưa bão vẫn rầm rầm, gió giật rất mạnh, có lẽ trên cấp 12. Mưa kèm gió và những cơn lốc tạt ngang khu vực chúng tôi ở làm rung mạnh nhiều mái tole, cửa, gió hú liên hồi... Đôi lúc có cơn lốc làm cây cối xoắn theo và những vật liệu gì đó va chạm gây ra những âm thanh khiếp sợ. Chúng tôi ở khu vực phường Thanh Bình, chợ Đống Đa, xung quanh đã nhiều cây to đổ và xơ xác lá, đèn đường lúc bật lúc tắt, nhà dân đã bị tắt điện từ lúc 20h tối. Chúng tôi ở nhà kiên cố, nhưng vẫn không ngủ được. Cơn bão này mạnh quá, có lẽ lớn hơn cơn bão hồi 2006 về gió giật mạnh và thời gian kéo dài. Chúng tôi lo cho thành phố, lo về người thân và những nguời xung quanh... Không biết nói sao nữa, lo quá!"
MG-6308-JPG-6033-1381779713.jpg

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, dù bão chưa đổ bộ nhưng đã gây thiệt hại về tài sản.


1h30, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, nơi được cho là trung tâm bão đổ bộ cho biết, tại khu nhà liền kề Làng Vân và nhiều nhà trong khu vực đã bị thổi bay mái. Một số người dân dù đã được đưa đi sơ tán nhưng vì lo lắng tài sản, quay về nhà kiểm tra thì phát hiện 4 vách khu liền kề đã đổ sập.

"Hiện đã có rất nhiều nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ, nhưng chưa ghi nhận được trường hợp nào thương vong về người", ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT - kiêm Phó Ban phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng thông tin. 

Hiện vùng rìa bão đang cách bờ khoảng 30 km, tâm bão cách Đà Nẵng 100 km. Dự kiến đến sáng bão mới vào Đà Nẵng, đổ bộ chậm hơn so với dự báo ban đầu là khoảng 1h sáng nay.

Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương, do ảnh hưởng mưa bão số 11, từ chiều 14/10, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ lên. Sau mưa, lũ sẽ lan dần ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Bắc Tây Nguyên. Đợt mưa, lũ này có thể kéo dài tới 3 – 4 ngày, mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có khả năng đạt mức báo động 2-3, có nơi trên báo động 3; các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk có khả năng đạt mức báo động 1 -2 có nơi trên báo động 2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi khu vực Bắc Tây Nguyên. 

1h sáng, tại Thừa Thiên - Huế gió rất mạnh. Riêng các xã ven biển, gió mạnh cấp 10, kèm theo mưa lớn. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) cho biết, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ hơn 60 hộ dân của xóm Ghềnh - Cồn Đâu đến các nhà dân kiên cố và cơ sở cộng đồng của địa phương để tránh bão. Hiện chỉ các chiến sĩ công an, bộ đội trúc trực để bảo vệ tài sản cho người dân đã di dời.  
Hue-1894-1381775092.jpg

Công an TP Huế đưa người dân đến nơi an toàn.


Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người dân của thị trấn biển Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, ban đầu, có một số hộ dân kinh doanh dịch vụ ở biển ở lại hàng quán để trông nom và bảo vệ đồ đạc nhưng càng về đêm thấy mưa gió to quá nên tất cả đều trở về nhà, phó mặc “đống tài sản” cho trời. 

Hiện bão số 11 đã áp sát vùng biển, nhiều người dân Thừa Thiên- Huế không dám ngủ và đang thức đêm để theo dõi tình hình bão. Một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bị mất điện từ khuya 14/10.

Tại cầu quay sông Hàn, Đà Nẵng, một tấm sắt rộng 1 m, dài 3 m, chắn dưới nhịp cầu bị sóng đánh tung ra ngoài. Từng cơn gió vẫn liên tục quét qua, thổi tung miếng sắt đập vào thành cầu tạo ra những âm thanh chát chúa hòa vào tiếng gầm rú của mưa bão. Trong khi đó, một dây văng ở phía đông cầu quay bị dãn, rung bần bật. 

"Bão lớn khủng khiếp, nhà mình ở mặt tiền đường Đống Đa, xung quanh tiếng cửa kính, tôn bị rơi, gió rít liên hồi. Chắc chắn tâm bão đang ở Đà Nẵng, nếu kéo dài nữa sợ Đà Nẵng sẽ không chịu nổi. Sức gió thế này thì mạnh hơn bão Sangxan nhiều", độc giả tên Hoàng chia sẻ lúc 0h5 phút.
 


Trao đổi với PV lúc 23h30 ngày 14/10, ông Trần Thọ cho biết hiện mưa gió tại Đà Nẵng vẫn rất to nhưng chưa có biểu hiện khác thường. Toàn bộ lực lượng ứng phó với bão đã sẵn sàng, dân cư ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng cũng đã được bố trí, sơ tán vào nơi an toàn. Vị Bí thư đã yêu cầu Chủ tịch các quận huyện túc trực 24/24 để cùng chống bão với người dân. "Hiện mọi người vẫn an toàn, chưa có bất kỳ sự việc đáng tiếc nào xảy ra", ông Thọ nói.

Chia sẻ về tình hình của Đà Nẵng lúc 23h đêm, anh Quang cho biết: "Mưa to gió lớn đang rít từng hồi nghe mà nổi hết da gà... cửa kính, mái tôn đập rầm rầm. Cầu mong trời Phật phù hộ cho mọi người bình an". Hiện thành phố này đã chủ động cúp điện để đảm bảo an toàn khi bão đi qua.

Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cùng thời điểm này, gió đã tạm lắng xuống so với thời điểm 20h.

Còn địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cúp điện hoàn toàn, trời tiếp tục có mưa lớn kèm gió mạnh, nước sông Hoài đang dâng cao tràn vào các tuyến đường.
 

MG-6381-1-JPG-4414-1381765169.jpg

Bờ biển Nguyễn Tất Thành có gió lớn, nhiều cây cối có nguy cơ bị quật đổ. 


Theo thông báo mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), từ giữa đêm 14/10, bão sẽ đổ bộ vào bờ, tâm bão nhiều khả năng là ở Đà Nẵng.

Đến 7h ngày 15/10, tâm bão sẽ ở trên đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/h), giật cấp 11, cấp 12.  Sau đó, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 km/h, rồi đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành một vùng áp thấp.

Lúc 21h, tại phố cổ Hội An gió rít liên hồi kèm theo mưa lớn xối xả, nước sông Hoài dâng cao tràn vào nhiều tuyến đường Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi khiến các chủ nhà hàng, người dân nhanh chóng di dời lên tầng hai của căn nhà. 

Mưa lớn mịt mù nên nhà nào cũng đóng chặt cửa để tránh gió lớn gây đổ vỡ hư hỏng tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình. Gió giật mạnh cấp 10, 11, nhiều khu vực ở Hội An đã xảy ra sự cố mất điện, các khu dân cư chìm trong bóng đêm. 
 
Ngap-pho-co-7259-1381759786.jpg

Nhiều người dân Hội An đã dời đồ đạc lên tầng 2


Triều cường dâng cao tiếp tục xâm thực, gây sạt lở bờ biển uy hiếp nhiều khách sạn, resort ở dọc ven biển Cửa Đại. Hơn 1.200 du khách ở các khách sạn cao cấp nơi đây buộc phải sơ tán trong chiều tối nay. 

Tại xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, TP Hội An, gió đang giật mạnh cấp 11, từng cột sóng lớn hơn 5 m dội vào bờ, nước tràn lênh láng trên các con đường gần sát các khu dân cư. 
bao-NCHMF-GIF.gif

Đà Nẵng được dự báo là tâm bão Nari 


20h, Đà Nẵng, nơi được dự đoán sẽ là tâm bão Nari, gió lớn giật liên hồi khiến nhiều mái nhà lợp tôn rung bần bật. Nhiều người hoảng sợ, đóng chặt cửa ở trong nhà. Nhiều nơi cây cối bị quật gãy, mái nhà đã bị tốc, biển hiệu bị xé rách bươm.

Tại giao lộ Dũng Sĩ Thanh Khê - Phùng Chí Kiên có một cây lớn bị bật gốc, nằm chắn ngang đường. Cách đó vài mét, một cây khác bị gió quật gãy phần ngọn, nằm đè lên dây điện. Con sông Hàn nước cuộn cao cả mét, đường phố vắng hoe người, các cây xăng đóng cửa. Nhiều tuyến đường, khu vực ở trung tâm thành phố đã mất điện. Việc đi lại tại thành phố đã gặp rất nhiều khó khăn từ lúc 16h chiều nay. Có người đi xe máy trên đường bị gió quật ngã khiến nhiều người vội vã quay về nhà, không kịp mua lương thực dự trữ. Nhiều nhà dân dọc các tuyến đường lớn đều được đóng thêm các thanh gỗ ngang, dọc rất lớn để tránh gió giật. Sở chỉ huy phòng chống bão tại UBND TP Đà Nẵng đang túc trực để tiếp nhận và xử lý thông tin liên cơn bão số 11. 

P.V (theo VnE)
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay22,134
  • Tháng hiện tại252,838
  • Tổng lượt truy cập92,630,502
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây