Học tập đạo đức HCM

Làng nuôi tôm theo "mánh"

Thứ tư - 05/02/2014 22:09

Về làng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. 3 năm nay nhiều nơi mất mùa, riêng người nuôi tôm ở đây thu nhập đều tiền tỷ nhờ anh Lê Văn Dương hỗ trợ kỹ thuật. Tôi gặp Dương, anh cười bẽn lẽn: “Có chi mô, nhờ nhân hòa, địa lợi thôi”.

Đi tiên phong

Vùng biển nơi đây vốn nghèo, cái nghèo đặc trưng của bãi ngang có từ thời lập làng. Dân ra khơi bằng bơ nan hay thuyền nhỏ nên thu nhập cũng bấp bênh như sóng vỗ bờ. Anh Ngô Văn Dương cũng như bạn bè cùng trang lứa ở thôn Cừa Thôn (xã Hải Ninh) ra biển mưu sinh trên những con thuyền nhỏ.

Thấy nghề đi biển cũng chỉ đủ ăn nên Dương quyết định lên bờ. Dành dụm, vay vốn làm đủ nghề dịch vụ cho làng biển. Vài năm như vậy, Dương lại chuyển hướng làm ăn lớn bằng cách mua xe tải nhỏ vận chuyển tôm, cá, dầu đèn từ vùng này đi vùng khác. Khi nuôi tôm trên cát phát triển, Dương nảy sinh ý định đầu tư nuôi tôm. Nghĩ mãi không ra nguồn vốn ban đầu từ đâu, trong khi đầu tư nuôi tôm thì cần số tiền rất lớn. Sợ vợ không đồng ý, Dương nói dối vợ là bán xe để mua xe trọng tải lớn hơn, rồi cầm mấy trăm triệu tiền bán xe để nuôi tôm.

Ban đầu, chưa có kiến thức, kinh nghiệm, Dương thuê người về làm kỹ thuật cho mình. Nhưng năm đầu cũng chỉ loay quay với tôm bệnh, tôm chết nên vốn có nguy cơ teo tóp. “Tự mình làm thì mới thành công được”, Dương nghĩ vậy và bắt đầu từ năm 2011 anh dồn hết tâm huyết vào con tôm và những "chiêu" nuôi chẳng giống ai và cũng chẳng có giáo án nào về phương diện lý thuyết.

Lý luận của Dương đưa ra thật đơn giản, nhà bẩn thì con cái hay đau ốm và cũng đồng nghĩa là nước hồ bẩn thì con tôm không thể khỏe được. Ao tôm của anh được thay nước mỗi ngày. Ao được cải tạo có đáy hình lòng chảo nên khi thay nước các tạp chất, thức ăn thừa được đẩy ra hết.


Anh Ngô Văn Dương mong nhiều bà con nuôi tôm thành tỷ phú

Không cho tôm nghỉ sau khi ăn như lý thuyết, Dương bật máy sục khí luôn để tôm vận động nhiều hơn. Kết quả thật bất ngờ, tôm ăn càng khỏe, thức ăn dư lại ít dần, lớn vượt lên. Kết quả là mấy hồ tôm của Dương ít bệnh cho năng suất cao hẳn.

Không dừng lại ở chuyện con tôm ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn, Dương tìm tòi và tăng dần mật độ con giống trên diện tích nuôi. "Đến bây giờ, mật độ nuôi đạt bao nhiêu”, tôi hỏi. Dương cười: “Về lý thuyết thì chẳng ai tin, mật độ trung bình người dân thả từ 300 - 350 con/m3 nước (tức từ 70 vạn - 1 triệu con giống/ao có diện tích trên 3.000 m2). Mật độ ở những nơi khác chỉ ở mức 60 - 100 con giống thôi”.

 

Năm đầu tiên chỉ vài hộ nuôi. Thấy Dương “đánh đâu thắng đó” hàng chục, rồi cả trăm hộ dân làng biển gác nghề theo Dương nuôi tôm. “Tôi chẳng giấu nghề, sẵn lòng giúp đỡ mọi người để mong cả làng thành tỷ phú”, Dương bộc bạch.

“Thật khó tin”, tôi nhấn nhá. “Thì bác cứ tính cho em là sản lượng mỗi hồ nuôi cứ tăng dần lên từ 11 tấn lên 13 tấn, rồi 15 tấn; thậm chí có ao nuôi đạt kỷ lục trên 17 tấn là biết. Có thể nói đến lúc đó thì gạt tôm ra mới múc được nước”, Dương ví von trả lời câu hỏi nghi hoặc của tôi.

Cách lấy nước cho hồ tôm của Dương đưa ra cũng khác người. Thay cho cách lấy nước bơm từ biển vào, Dương đưa ống nước ra xa cách bờ chừng 30 - 40 m, khoan xuống đáy biển ở độ sâu 3 - 4m, rồi bơm vào. “Dù nước biển có thay đổi kiểu gì thì nước ở đáy sâu vẫn không bị ô nhiễm hay mang mầm bệnh. Đó là giải pháp an toàn cho nước nuôi tôm. Ngoài ra, cũng kiểm tra hàng ngày để biết độ PH, kiềm trong nước hồ để xử lý cho phù hợp”, Dương cho biết thêm.

Những câu chuyện “thách thức” khoa học

Ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (cũng là một trong những gia đình có tham gia nuôi tôm thẻ trên cát) cho hay: “Cả xã hiện có trên 150 hộ nuôi tôm. Hai năm gần đây, người nuôi ít khi thấy thất bát. Trung bình cứ 3 tháng thu hoạch thì mức lãi từ 1 - 1,5 tỷ đồng/hồ. Thậm chí có hồ đạt mức lãi đến 2 tỷ. Nói chung về phương diện kỹ thuật nuôi thì mọi người nhất quán theo anh Dương và có nhiều cách để tránh thất bát”.

Bây giờ người dân nơi đây đều rành rẽ về "chiêu thức" nuôi tôm. “Bà con áp dụng nuôi theo kiểu “xăm lo” cả", ông Lừa cho hay. “Xăm lo có nghĩa là cuốn chiếu. Chẳng hạn vài hộ gia đình cùng chung sức, chung vốn đầu tư nuôi 3 hồ. Không ai thả con giống cùng một lúc mà áp dụng thả giống xuống hồ thứ nhất, chăm sóc kỹ lưỡng theo đúng bài bản. Sau 1 tháng sẽ thả tiếp hồ thứ hai và sau tháng nữa mới thả hồ thứ ba. Khi hồ thứ ba được tháng thì hồ thứ nhất thu hoạch”, ông Lừa lý giải.

Cũng theo cách “lý luận” của bà con thì làm như vậy có được nhiều cái lợi. Đó là mức đầu tư vừa phải, có nhân lực để theo dõi, quản lý hồ; hoặc nếu con giống có bị nhiễm bệnh cũng dễ xử lý hơn. Với người nuôi tôm ở đây, khi tôm qua tháng thứ hai là đã yên tâm. Vì lúc này, tôm đã có sức nên khó bị mắc bệnh. Nếu có trục trặc gì thì xuất bán luôn.

Chị Ngô Thị Linh có mấy hồ tôm nuôi chung với anh em trong nhà kể lại: "Hôm đài báo bão số 14 sắp vô. Tôm nhà tôi qua tháng thứ hai, vì sợ bão lớn không giữ được nên xuất bán lãi ít, chỉ được khoảng 500 triệu đồng/hồ. Mấy gia đình bạo gan để lại sau một tháng xuất tôm, số lãi trên tỷ bạc hết cả”.


Được mùa tôm ở Hải Ninh

Ông Phạm Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cũng khá am tường về nuôi tôm ở địa phương mình. “Cách xử lý hồ tôm nếu phát hiện bị bệnh là khá triệt để. Khi tôm bị nhiễm bệnh, sau vài lần điều trị nếu không hết thì cơ bản là xả luôn hồ chứ không chữa chạy gì hết. Sau đó, xử lý hồ đâu vào đó rồi thả giống tiếp”, ông Liệu nói.

Cũng theo ông Liệu, những gia đình nuôi tôm ở đây đều có cách “pha chế" thức ăn cho tôm khá đặc biệt. Tùy theo từng ao tôm, chất lượng tôm mà bà con nấu các loại thảo dược như cây nhân trần, cam thảo, chuối… lấy nước trộn với thức ăn để tăng thêm sức đề kháng cho tôm, phòng chống bệnh gan, đường ruột.

 Nhiều gia đình còn trộn thêm mật ong, khoai lang khô nghiền bột hay vitamin, cốm canxi trẻ em. Tỷ lệ pha trộn cũng phải có kinh nghiệm theo từng giai đoạn tôm phát triển hoặc theo mức độ thức ăn dư thừa quan sát dưới lòng hồ.

Làng Hải Ninh bây giờ “rặt” đi thuê đất nơi khác làm hồ tôm. Hết đến các xã ven biển của huyện Lệ Thủy lại ra vùng biển huyện Bố Trạch hay ra tận Quảng Trạch. Cho dù tại các vùng đó, người dân địa phương như ngồi trên lửa vì sợ thất bát. Thấy người dân Hải Ninh cứ lặng lẽ làm, họ cũng nghi hoặc. “Được một vài vụ cũng lỗ mất vốn rồi chạy mất dép thôi", người dân làng Trung Trạch (Bố Trạch) nói vậy.

Nhưng rồi, hàng chục hồ tôm ở Trung Trạch do người dân Hải Ninh nuôi cứ lặng lẽ thu lãi tiền tỷ mỗi hồ đã làm cho mọi người thay đổi cách suy nghĩ rồi kéo đến học hỏi. “Đã có cả ngàn người từ các tỉnh miền Trung tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi ao nuôi chưa thể có được giáo án nào phù hợp mà vấn đề người nuôi phải bám hồ, bám tôm hằng ngày để biết diễn biến, biết xử lý linh hoạt từng vấn đề cụ thể chứ khó có mẫu áp dụng chung”, Dương chia sẻ.

Vào dịp trước Tết Giáp Ngọ, cả trăm hộ nuôi tôm ở Hải Ninh có vụ thu hoạch khá bộn. Tôm đạt năng suất cao, giá thu mua cao nên hồ nào cũng có lãi trên tỷ đồng. “Điều bà con mong muốn nhất là có được quy hoạch vùng nuôi tôm ngay trên mảnh đất làng mình để yên tâm đầu tư, yên tâm làm ăn lớn và làm giàu chính trên quê hương mình”, ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Theo Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập843
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại747,397
  • Tổng lượt truy cập93,125,061
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây