Các mô hình chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp không bị ảnh hưởng lớn trong “cơn bão giá” vừa qua.
Tháng 5/2012, gia đình ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng trại theo công nghệ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP trên diện tích gần 1.500 m2 và thả nuôi gia công 1.200 con lợn thương phẩm. Sau 4 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 95-100 kg; tổng trọng lượng 112 tấn; trừ số giống ban đầu, còn lại 105 tấn.
Với gần 4.000 đồng/kg, ông Bình được doanh nghiệp (DN) trả công 350 triệu đồng/lứa. Trong quá trình nuôi, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, trang trại của ông Bình đã có 3 dãy chuồng, thả nuôi 3 lứa lợn/năm, mỗi lứa 1.800 con.
Sau 5 năm “làm công” trên mảnh đất của mình, công việc chăn nuôi của gia đình thường xuyên ổn định với thu nhập khá. Đặc biệt, trong “cơn bão giá” lợn thời gian qua, trong khi hàng ngàn hộ chăn nuôi không liên kết điêu đứng vì thua lỗ, thì gia đình ông Bình cũng như các hộ, các cơ sở chăn nuôi liên kết trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng không đáng kể.
Lựa chọn nghề trồng nấm ăn để phát triển kinh tế gia đình từ khá sớm, nhưng chỉ đến khi Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu Hà Tĩnh được thành lập, mô hình trồng nấm của chị Trần Thị Minh (xã Thạch Tân, Thạch Hà) mới thực sự phát triển ổn định, cho thu nhập cao. Tham gia liên kết với trung tâm, chị Minh hoàn toàn chủ động đầu ra của sản phẩm.
“Trước đây, sản xuất quy mô nhỏ, mỗi ngày thu hoạch chưa đầy 10 kg nấm thành phẩm, nhưng cũng không bán hết. Khi ký hợp đồng liên kết với trung tâm, người dân chỉ lo sản xuất, còn khâu tiêu thụ thì sản phẩm càng nhiều càng tốt, trung tâm sẵn sàng bao tiêu hết” - chị Minh cho biết.
Trong khi các sản phẩm nông nghiệp khác tiêu thụ khó khăn, mô hình sản xuất ngô sinh khối liên kết với Công ty VITAD đã giúp người nông dân giải quyết bài toán đầu ra.
Trong những năm gần đây, mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi được thực hiện giữa Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (VITAD) với người dân các địa phương, hiện là chuỗi liên kết khép kín; đem lại hiệu quả cao và bền vững. Người trồng ngô được công ty cung ứng giống, mua vật tư phân bón trả chậm, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm với mức giá tối thiểu 800 đồng/kg. Trừ chi phí, bà con sẽ có thu nhập khoảng 1,5-1,9 triệu đồng/sào. Với 3 vụ sản xuất trong năm, tổng thu nhập sẽ đạt mức ổn định trên 5 triệu đồng/sào.
Một minh chứng về tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất từ câu chuyện cây ngô. Sau nhiều vụ sản xuất được tổ chức liên kết đầy đủ, vụ xuân hè 2017, gần 100 ha ngô ở các địa phương như: Hương Khê, Vũ Quang, chính quyền một số địa phương không triển khai ký liên kết với DN; hệ lụy là đến kỳ thu hoạch, sản phẩm không biết bán cho ai. Người dân và chính quyền sở tại phải “chạy đôn chạy đáo” tìm thị trường. Và chính Công ty VITAD phải cân đối, điều chỉnh lại kế hoạch thu mua ban đầu để “giải cứu” số diện tích ngô nằm ngoài liên kết này.
“Đây là bài học đối với các cấp chính quyền và người dân trong việc chủ động liên kết với DN ngay từ đầu chu kỳ sản xuất để đảm bảo quyền lợi cho người dân, cũng như không phá vỡ kế hoạch thu mua nguyên liệu của DN” - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty VITAD Lê Ngọc Hiền chia sẻ.
Những câu chuyện nêu trên phần nào khẳng định được vai trò quan trọng của sản xuất liên kết chuỗi giá trị trong tất cả các khâu và các quá trình sản xuất nông nghiệp; trong đó, DN và nông dân là 2 tác nhân chính của các mối liên kết. Khâu quan trọng nhất, có tính chất quyết định trong một quá trình sản xuất, đó là vấn đề thị trường. Thực tế, có rất nhiều mô hình sản xuất, nhiều chuỗi liên kết cuối cùng đã bị phá vỡ do không chủ động được khâu yếu này.
Bên cạnh đó, nhiều mối liên kết cũng bị “đứt gánh giữa đường” do người dân (gần như không có sự ràng buộc nào trong các hợp đồng kinh tế) tự ý phá vỡ hợp đồng (bán sản phẩm cho người khác khi giá thị trường cao hơn giá hợp đồng), làm DN bị phá sản… Nếu giải quyết tận gốc được các khâu yếu nêu trên, thì việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sẽ đạt kết quả bền vững; người sản xuất sẽ không bất an bởi các rủi ro; ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội tạo được bước ngoặt mới trên hành trình thực hiện tái cơ cấu.
Vũ Dũng
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;