Học tập đạo đức HCM

Người chăn nuôi còn thua lỗ nếu chậm thay đổi

Thứ sáu - 10/02/2017 03:50
Thịt heo tồn ứ tại nhiều nơi ở ĐBSCL cho thấy ngành chăn nuôi ngày càng gặp nhiều khó khăn nếu người dân sản xuất không theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, thịt nhập khẩu tràn vào ngày một nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, chỉ có cách liên kết lại với nhau để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mới có thể giúp ngành chăn nuôi VN tránh tình trạng giá lên xuống bất thường và cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại.

Bị “nội công, ngoại kích”

Chỉ sáu tháng sau khi người dân đổ xô đi xây chuồng trại tăng đàn heo vào tháng 6-2016, giá heo hơi từ mức cao kỷ lục 56.000 đồng/kg xuống còn 24.000 đồng/kg.

Trước đó, ngành nuôi gà công nghiệp trong nước cũng nhiều phen ngấp nghé bờ vực phá sản vì giá bán giảm sâu.

Theo các chuyên gia, chuyện này chủ yếu do bị “nội công”. Cứ giảm giá là nhiều người bỏ chuồng trại dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá tăng. Giá lên, nhiều người lại đổ tiền vào chăn nuôi và vòng tròn luẩn quẩn sẽ lặp lại.

Bên cạnh đó, giám đốc một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai phân tích còn do yếu tố “ngoại kích”.

Theo ông, chu kỳ giá heo, gà biến động ngày một nhanh và khốc liệt hơn bởi hai yếu tố mới: có thêm các nguồn cung thịt giá rẻ từ Mỹ, châu Âu.

Thứ hai là Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gần như toàn bộ thịt heo xuất khẩu của VN, lên đến hàng triệu con mỗi năm. Chỉ cần phía Trung Quốc ngưng mua là lập tức heo trong nước bị ùn ứ và giá giảm không phanh.

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ trại heo 1.500 con ở Thống Nhất (Đồng Nai), công nhận với trên 20 năm nuôi heo, trước đây vòng quay của quy trình giá kéo dài từ 4-5 năm nên dân vẫn có thời gian xoay xở.

Nhưng 5 năm trở lại đây, chu kỳ giá lên xuống thất thường và nhanh chóng hơn nên người dân đa số chạy theo giá và thiệt hại nặng.

Nâng chất lượng 
để bớt thiệt hại

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngành chăn nuôi của VN bất ổn bởi mỗi khâu hoạt động độc lập, không có sự liên kết và chia sẻ thông tin, lợi ích.

Để phát triển, các bên phải liên kết với nhau thành chuỗi từ trang trại đến khâu phân phối. Thực tế đã có nhiều mô hình liên kết 
thành công.

Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Minh Kha (Bình Dương). Gần 4 năm qua ông không còn nuôi gà bán cho thương lái nữa mà chuyển qua nuôi hợp đồng với một đơn vị chế biến thịt gà tại Biên Hòa (Đồng Nai).

Công ty chế biến sẽ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và dịch vụ thú y để đảm bảo đầu vào chất lượng cao. Ông Kha chỉ tập trung chăm sóc gà theo quy trình đã được thỏa thuận, toàn bộ gà nuôi được sẽ được công ty bao tiêu với giá cố định.

Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian qua phía công ty chế biến thực phẩm còn đưa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật vào để nuôi gà đáp ứng được yêu cầu của Nhật.

Ông Kha phân tích thói quen người châu Âu, Mỹ, Nhật thích ăn ức gà (nên có giá cao), còn đùi, cánh gà giá rẻ họ xuất khẩu sang VN.

Vì vậy phần ức gà nếu chế biến được xuất khẩu thì sẽ hiệu quả. “Dự kiến đến tháng 8-2017, lô hàng đầu tiên của chúng tôi sẽ được xuất khẩu sang Nhật” - ông Kha cho biết.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nếu được quan tâm đúng mức, ngành nuôi gà của VN không chỉ cạnh tranh được với gà nhập mà còn có khả năng xuất khẩu như Thái Lan, thu về mỗi năm hàng tỉ USD.

Bộ ngành không thể đứng ngoài cuộc

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, bên cạnh sự chủ động của nông dân, phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Nếu quyết định chỉ cho nhập khẩu gà nguyên con hay tăng cường kiểm soát chất lượng là có thể giảm đáng kể lượng thịt từ nước ngoài vào VN.

Tại Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN vào cuối tháng 12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành xem xét, đề xuất các biện pháp bảo vệ ngành chăn nuôi, trong đó có tính đến phương án chỉ cho nhập khẩu gà nguyên con vào VN.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, đến nay chưa có động thái nào từ các cơ quan chức năng để thực hiện chỉ đạo này.

Rủi ro vì tăng đàn bán cho Trung Quốc

Theo Bộ NN&PTNT, chăn nuôi heo gặp khó khăn do Trung Quốc đột ngột dừng thu mua khiến sản lượng trong nước bị dư thừa.

Dù vậy, tổng số heo của cả nước tháng 1-2017 vẫn tăng 4,7 - 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn trong những tháng cuối năm 2016 để xuất khẩu.

Dân còn ngại ngần, lo tốn chi phí

Nói về hướng ra cho tình trạng heo chưa tiêu thụ được ở các tỉnh ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - đánh giá không chỉ nuôi heo, các loại cây con khác nếu cứ làm manh mún sẽ rất rủi ro vì chỉ có thương lái quyết định giá.

Nuôi heo nhỏ lẻ còn đối diện nguy cơ nguồn thức ăn không đảm bảo, không rõ xuất xứ nên người tiêu dùng lo ngại...

Theo ông Tâm, cách tốt nhất để thoát cảnh thịt heo lao đao về giá là phải tham gia “chuỗi giá trị”. Nuôi bao nhiêu con, cho ăn làm sao, giá bao nhiêu... đều phải được ký kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoàng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - nêu thực tế vẫn rất khó khăn để thay đổi cách thức chăn nuôi của bà con.

“Họ còn rất e ngại chăn nuôi kiểu mới, như tham dự vào tổ hợp tác, ghi chép quá trình chăn nuôi... - ông Hoàng nói - Chỉ yêu cầu xây dựng chuồng trại kiểu mới để đảm bảo vệ sinh, sử dụng thức ăn đúng cách họ đã ngại ngần. Giờ vận động thay đổi thức ăn, chăn nuôi kiểu hợp tác xã, họ càng không muốn làm”.

Theo các chuyên gia, người dân không nên kỳ vọng thương lái sẽ đưa ra giá cao, mà cần nghĩ chính sự thay đổi sẽ tạo ra một thị trường ổn định.

SƠN LÂM - KHOA NAM
Nguồn: tuoitre.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập321
  • Hôm nay28,038
  • Tháng hiện tại154,600
  • Tổng lượt truy cập85,061,636
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây