Trong những ngày qua, giá heo hơi ở Nam bộ vẫn tiếp tục giảm mạnh. Người chăn nuôi đang đứng ngồi không yên, chờ trông có một chính sách hỗ trợ, giải cứu nào đó từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, cũng đã có những ý kiến thẳng thắn cho rằng trước hết, người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi loại quá lứa (120-130 kg/con) ở tỉnh này hiện chỉ còn 33.000 đ/kg, giảm tiếp 2.000 đ/kg so với ngày 7/3. Điều đáng nói là giá heo quá lứa đã giảm xuống tới mức rất thấp như vậy nhưng các trang trại rất khó bán được bởi chẳng có người mua.
Trong khi đó, giá heo hơi loại tốt vẫn ở mức bình quân khoảng 36.000-38.000 đ/kg. Còn theo ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thanh Bình, giá heo hơi bình quân ở Đồng Nai hiện còn 35.000-36.000 đ/kg.
Nuôi heo ở Đồng Nai.
Ông Nguyễn Trí Công cho rằng với việc giá heo hơi liên tục xuống giá như hiện nay, Nhà nước cần có ngay những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Nếu không, hàng loạt trang trại sẽ bị phá sản.
Theo ông Công, hiện nay Nhà nước đã không bình ổn được giá đầu vào cho chăn nuôi heo. Vì thế, để cứu người chăn nuôi khi giá heo xuống dưới giá thành, Nhà nước cũng nên có chính sách bình ổn giá đầu ra. Chẳng hạn nếu như lúa gạo đã có giá sàn, thì cũng nên có giá sàn cho con heo. Theo đó, khi giá heo hơi trên thị trường giảm xuống dưới giá thành, Nhà nước có thể yêu cầu các công ty thương mại Nhà nước tiến hành mua heo số lượng lớn với mức giá sàn, qua đó có thể giúp cho nông dân không bị thua lỗ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với giải pháp nói trên. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng làm như vậy là không đúng với quy luật thị trường và chưa chắc người chăn nuôi đã được hưởng lợi.
Thực tế cho thấy trong ngành hàng lúa gạo, không có mấy nông dân được hưởng lợi thực sự từ các đợt thu mua tạm trữ.
Ông Phạm Đức Bình cũng cho rằng làm giá sàn cho con heo là không khả thi, bởi con heo loại 90 kg/con phải có giá thành, giá bán khác hẳn với con heo loại 120-130 kg/con. Mà nếu như đề ra giá sàn cho con heo, thì phải tổ chức mua tạm trữ heo khi giá thị trường xuống. Đây là việc gần như chưa thể làm được ở nước ta hiện nay.
Theo ông Bình, giá heo khó có thể kéo lên trong thời gian tới, bởi nhu cầu tiêu thụ thịt heo đang xuống thấp và ảnh hưởng của dịch tai xanh. Vì thế, người chăn nuôi không nên quá thụ động, ngồi trông chờ sự giải cứu của Nhà nước, mà trước hết phải tự cứu chính mình.
Chẳng hạn, việc sản lượng thịt heo tăng nhiều trong thời gian qua, có nguyên nhân không nhỏ từ người chăn nuôi khi cứ để heo lên tới 120-130 kg/con thì mới xuất bán. Trong khi đó, hiện nay ở các nước phương Tây, người ta xuất bán ngay khi heo đạt khoảng 90 kg/con. Như vậy, ngay việc để heo tới 120-130 kg/con mới bán đã làm gia tăng đáng kể sản lượng thịt heo.
Trước đây, khi thị trường Trung Quốc “ăn” mạnh, heo loại 120-130 kg/con dễ dàng bán được qua bên đó. Nhưng khi việc bán heo sang Trung Quốc gặp khó, ngay lập tức những con heo quá lứa này sẽ trở thành cục nợ, mà bằng chứng là hiện nay ở nhiều trang trại của tỉnh Đồng Nai, còn tồn rất nhiều heo 120-130 kg/con vì chẳng ai hỏi mua dù giá heo loại này đã xuống rất thấp.
Theo ý kiến chuyên gia, người chăn nuôi cần phải tìm giải pháp giảm giá thành nuôi heo. |
Tuy nhiên, những trang trại đang phụ thuộc cám của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, cũng có nỗi khổ riêng của họ. Đó là họ đã kiệt quệ về tài chính, nên phải mua chịu cám. Mà những đại lý bán cám của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lại rất sẵn sàng bán chịu nhằm đạt cho được doanh số lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn nước ngoài đang có chính sách chiết khấu, ưu đãi rất lớn cho các đại lý. Chẳng hạn các đại lý có lượng cám bán ra lớn sẽ được tặng xe ô tô, mời đi tham quan du lịch ở châu Âu, Mỹ… Dù giá cám của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cao hơn cám của các doanh nghiệp nội địa, nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn chấp nhận mua chịu với hy vọng rồi giá heo sẽ tăng cao trở lại. Tiếc rằng giá heo đã không tăng cao như trước đây nữa mà đang ngày càng lao dốc.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;