Thấy chủ vườn e ngại, anh dùng ngón tay chấm vào ca thuốc sâu rồi đưa lên mồm mút chùn chụt. Bà nọ miệng liên tục: “A di đà phật, a di đà phật”, còn anh hề hề cười, mặt thơ thới như người đang thưởng trà vậy.
Anh Đáo: Thuốc của tôi an toàn lắm
Mút thuốc sâu chùn chụt
Người hàng xóm ngần ngừ khi anh bất ngờ bước vào với chiếc bình thuốc lù lù trên vai, xin thử nghiệm phun cho đám rau của nhà. Bà sợ cũng phải vì su hào lắm củ đã to như cái bát, chỉ ngày mốt ngày hai là ăn được. Thấy chủ vườn e ngại, anh dùng ngón tay chấm ngay vào ca thuốc sâu rồi đưa lên mồm mút chùn chụt. Bà nọ miệng liên tục: “A di đà phật, a di đà phật” còn anh hề hề cười, mặt thơ thới như người đang thưởng trà vậy.
Sau khi thuyết phục chủ vườn bằng hành động bất ngờ đó, anh pha loãng cốc thuốc sâu vào nước sạch rồi xách bình đi. Vừa phun anh vừa oang oang thuyết minh với bà hàng xóm: “Phun thuốc này không chỉ sâu chết mà mấy ngày sau rau còn xanh phấn ra đấy bà ạ vì nó có cả chất tăng trưởng thảo dược”.
Rửa chân tay quấy quá ở bể nước xong người đàn ông kỳ dị nọ còn nhanh nhảu xin ngay hai củ su hào về luộc chấm với tương gọi là ăn cho mát ruột sau mấy ngày toàn bánh chưng, rượu thịt.
Anh là Lê Văn Đáo, đội 4 xóm Hùng Bạch, thôn Hương Quất (Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên). Sinh ra trong một gia đình nông dân chân truyền, anh càng nghĩ càng thêm đau bởi tiếng là ở nông thôn nhưng chẳng mấy nơi còn giữ được cảnh thanh bình, trong sạch.
Đồng đầy vỏ bao thuốc sâu, mương máng ngập ngụa hóa chất. Con lươn không sống được, con chạch phải nhoài lên, con đỉa dần mất giống còn con người vào mỗi mùa phun thuốc đi trên đường làng mà cảm thấy như có ai xát ớt, bôi tỏi vào mũi, vào mồm. Bới đất lật cỏ, cả đời dầm mưa dãi nắng nhưng đi viện ốm một lần là hết tất. Nghĩ thế nhưng cũng đành để đấy thôi chứ không thuốc sâu mong gì có hạt gạo để ăn?
Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng cho đến một ngày tình cờ anh cất ít thảo dược vào hòm thóc trong nhà cho khỏi ẩm. Hai hòm thóc đều hở như nhau nhưng mấy tháng sau cái để thảo dược chẳng có con mọt nào còn cái kia mọt và bướm đậu đầy. Một ý tưởng chợt lóe lên khiến Đáo cười ồ lên như dở hơi. Cái cây cũng như con người nếu người khỏi bệnh được thì cây cối cũng khỏi bệnh được. Lê Văn Đáo có ít kinh nghiệm về thuốc nam một cách hết sức bất ngờ.
Anh Đáo bên bình thuốc tự ngâm
Số là trong trận chiến bảo vệ vùng biên ở bản Chắt (Lạng Sơn), bản sơ tán hết, chỉ sót hai ông bà già. Ông ốm nằm bẹp, bà ở lại chăm, lương thực chẳng có gì ngoài nồi cháo sắn. Mủi lòng, Đáo cho họ mấy cân gạo rồi hỏi: “Cụ ơi, con cháu cụ đâu mà không di tản?”. Ông lão thều thào: “Tôi không có con cháu nên sống ở đây mà chết cũng ở đây. Bộ đội tốt quá! Bà vào nhà lấy cái ống đồng ra đây cho tôi”.
Bà lão lui cui một hồi rồi đem ra cái ống đồng bé tựa cổ tay. Đáo ngạc nhiên chưa biết đó là thứ gì thì ông lão đã mở nắp lấy một cuốn sách be bé, chép đầy chữ Hán rồi bảo: “Con cầm quyển sách này phòng khi người nhà bệnh thì biết đường mà chữa”. Anh nhờ một người biết chữ Hán dịch nhưng do quyển sách tuổi đời quá lâu cứ mủn vụn ra như cám, chỉ đọc nổi vài trang ở phần chữa sâu răng, nấm, xoang…
Bài học nhớ đời
Khi xuất ngũ về quê, mưa gió đã khiến cho cuốn sách quý mủn ra hết nhưng những con chữ đã ngấm vào trong đầu anh không mưa gió nào làm cho phai mờ được. Đầu anh nghĩ, tay mày mò, thử nghiệm để chế một loại thuốc sâu sinh học hoàn toàn bằng thảo dược.
Tới năm 2005, Lê Văn Đáo đeo bình phun thử cho 1 mẫu 5 miếng ruộng nhà. Phun buổi sáng, về nhà vết bùn trên chân chưa kịp gột sạch đã thấy dân làng rồi cả trưởng thôn, phó thôn nháo nhào kháo ầm ĩ: “Không biết thằng Đáo nó phun gì ở ruộng mà lúa héo hết rồi”. Nhảo ra xem thì cả mẫu ruộng héo rũ, lá lúa bóp lại như dọc hành. Vợ con sốt lên như phải bỏng, thâm tâm cũng sợ không kém nhưng anh không tin lúa chết, chỉ có điều mình pha cồn quá tay nên nông nỗi vậy thôi.
Anh Đáo đang phun thuốc tự chế
Quả thật qua một đêm ngậm sương, lá lúa tươi, mặt người cũng đỡ héo. Hơn thế sâu rầy còn thi nhau rơi xuống nước chết gần hết. Đáo phun thuốc bốn lần khi lúa đang tuổi mạ, lúc đứng cái hoa dâu, bận đòng đòng ngang cây và dịp đòng đòng thoát trổ. Vụ lúa đó đồng làng cháy rầy đến nỗi cảm giác chỉ cần một que diêm là phực lửa còn hạt thóc trên ruộng nhà Đáo cứ gọi là đỏ roi rói, đẹp óng ả.
Anh thuyết giảng, có những thứ độc cộng hưởng với nhau càng độc nhưng cũng có thứ lành cộng với nhau lại sinh độc như mật ong trộn tỏi, ăn vào cứ ngọt lử ngọt lừ nhưng nuốt xong là đi viện cấp cứu. Lấy những thứ như ấu tầu, hạt cau già, ớt, tỏi tía, gừng ta… cùng một số thành phần bí mật nữa ngâm với cồn hoặc rượu 50 độ trong 6 tháng, 7 lít khi ấy chắt được 5 lít thuốc sâu đủ bơm cho một mẫu ruộng.
Các thứ nguyên liệu trên thứ xin được, thứ mua rẻ nên tổng chi phí chỉ hết chừng 250.000đ cộng một ngày công chế biến. Nếu đánh nồng độ nặng, phun cuối ruộng đầu ruộng sâu đã rơi xuống nước, đánh nồng độ bình thường qua đêm mới thấy sâu chết. Sâu rơi xuống nước không bị hoang phí mà làm mồi luôn cho mô hình lúa cá của gia đình. Trên mười vụ lúa áp dụng không mất mùa vụ nào.
Cùng là cấy giống Khang Dân, bà con phun đẫm thuốc hóa học thu 2,4 tạ/sào còn anh phun thuốc thảo dược thu 2,2 tạ/sào. Ngẫm ra mới thấy hai mươi cân thóc chênh lệch ấy bán đi chưa chắc đã đủ mua thuốc trừ sâu hóa học chứ chưa nói đến thuốc bệnh cho người vì ngộ độc âm thầm trong quá trình sử dụng. Không chỉ đánh thuốc cho lúa, anh Đáo còn thử nghiệm thuốc trên rau. Vẫn thuốc ấy nếu su hào, cải bắp phun 4 lần còn cà chua phải 6 lần vì đánh cả sương mai, bật cả lở cổ rễ lẫn chết xanh.
Theo chân anh ra đồng phun thuốc trừ sâu chẳng cần khẩu trang, không cần quần áo bảo hộ. Cái cảm giác dưới da chân khi lội nó mềm, nó trơn, nó mát tận ruột gan khác hẳn những thửa ruộng đẫm thuốc sâu lội xuống ngứa ran, đỏ ửng. Một vụ trồng cấy giờ nông dân phải hai lần phun thuốc trừ cỏ, loại thông minh (thuốc trừ cỏ chọn lọc) lẫn loại ngu đần (thuốc không chọn lọc, dùng trước khi cấy). Hai lần thả thuốc độc ấy đã chẳng sinh vật nào sống sót chứ chưa nói đến những lần phun thuốc sâu, thuốc rầy, thuốc bọ, thuốc ốc về sau.
Dùng thuốc thảo dược, không chỉ cái chân người sướng mà cái mồm cũng sướng lây bởi hạt gạo cấy ở ruộng sạch bao giờ cũng thơm ngon, đậm đà hơn. Đã lâu lắm rồi, ra ruộng tôi mới thấy cua giơ càng, khoe cẳng, ốc lẳng lặng vác nhà, đỉa loe xoe bơi lội một cách tự nhiên như cha, ông, cụ, kị chúng xưa nay vẫn gắn bó cùng đồng ruộng.
+ Trong quá trình thử nghiệm tác dụng của thuốc, anh Đáo đem mấy con ngan, con gà, con lợn trong ra ra lần lượt mà làm “chuột bạch”. Theo anh thuốc sâu tự chế có thể giải quyết hầu hết dịch bệnh trên ruộng đồng nhưng không đánh được ốc bươu vàng nên đến mùa phải thêm công bắt trứng, bắt ốc. + Ước mơ cháy bỏng của người nông dân kỳ lạ này là mong có cơ quan, ban ngành nào để tâm nghiên cứu, công nhận tác dụng của thuốc để rồi hợp tác chuyển giao công nghệ rộng rãi cho nhà nhà được nhờ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;