Chị Thủy ở ấp 2, xã Phú Ngọc dẫn chúng tôi tham quan trang trại cá sấu và cho biết, quê chị ở miền Tây. Sau khi lập gia đình, chị chuyển lên Đồng Nai sinh sống. Từ năm 1992 chị bắt đầu nuôi cá sấu.
Hiện mỗi chuồng chị thả khoảng 170 con cá sấu, tùy loại cá lớn nhỏ mà chia mật độ nuôi phù hợp. Phân từng chuồng để dễ chăm sóc, vệ sinh, tránh cá lớn tranh thức ăn và đè chết cá bé.
Đến nay chị Thủy đã có 5 trang trại cá sấu với khoảng 10.000 con. Mỗi năm chị xuất bán một lần được khoảng 50 tấn cá sấu thương phẩm, chủ yếu tiêu thụ tại TP.HCM và xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan…
Theo chị Thủy, nuôi cá sấu không khó, phải chăm sóc kỹ lúc cá còn nhỏ vì sức đề kháng yếu. Đến khi cá lớn cần cho ăn đầy đủ là chúng phát triển nhanh. Cá sấu ít bệnh, nhưng nếu bị bệnh cũng rất dễ phát hiện. Khi phát hiện con nào bệnh phải nên tách ra để chữa trị kịp thời.
"Ngoài kiến thức, người nuôi cần có vốn ban đầu để đầu tư chuồng trại và con giống. Tuân thủ quy cách chuồng trại, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi. Nếu trong quá trình nuôi chỉ hao hụt 4 - 5% thì sẽ có lời", chị Thủy chia sẻ.
Thấy mô hình nuôi cá sấu của gia đình chị Thủy cho hiệu quả cao, nhiều người dân ở Định Quán cũng học hỏi làm theo. Ngoài cung cấp con giống, chị Thủy còn nhiệt tình hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm cho bà con.
Có trang trại nuôi heo không hiệu quả cũng háo hức sửa lại chuồng để “rinh” cá sấu về nuôi. Có hộ nghèo được chị Thủy giúp đỡ con giống và kỹ thuật nuôi, đã vươn lên thoát nghèo và khấm khá dần.
Nông dân huyện Định Quán phát triển nghề nuôi cá sấu nước ngọt
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, đến nay cả tỉnh có 226 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt với tổng số lượng hơn 86.000 con. Trong đó, huyện Định Quán phát triển mô hình này mạnh nhất, gồm 186 hộ đăng ký nuôi với tổng số lượng hơn 64.000 con. |
Cụ thể trường hợp của anh Đào Quang Trung ở ấp 2, xã Phú Ngọc. Trước đây gia đình anh rất khó khăn, vợ chồng phải làm đủ mọi nghề từ việc đi rừng đến nuôi cá bè… Từ khi anh vay mượn tiền đầu tư nuôi 50 con cá sấu thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.
“Thời gian đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn bởi chưa cho kinh nghiệm nuôi cá sấu. Nhưng nhờ các hộ đi trước tận tình hướng dẫn nên đàn cá sấu của tôi phát triển tốt. Lứa đầu tiên xuất bán, trừ mọi chi phí lời được 40 triệu đồng.
Tôi dùng số tiền lời tiếp tục đầu tư nâng đàn cá sấu lên ngày một nhiều hơn. Đến nay tôi đã xây dựng trang trại với diện tích 400 m2 và nuôi được 800 con cá sấu lớn nhỏ. Mỗi năm kiếm được 100 triệu đồng tiền lời và dự định sẽ mở rộng nuôi thêm”, anh Trung phấn khởi khoe.
Tương tự, gần đó có gia đình ông Lê Xuân Nghĩa cũng bỏ vốn đầu tư chuồng trại nuôi cá sấu được 2 năm nay. Lứa đầu tiên ông nuôi 100 con nhưng chưa có kinh nghiệm nên cá sấu chết nhiều, chỉ còn 75 con.
Khi xuất bán đúng thời điểm giá thấp nên chỉ lời được hơn 10 triệu đồng. Ông quyết tâm đầu tư nuôi 100 con lứa thứ 2, đến nay đã được 16 tháng và dự định xuất bán vào cuối năm nay.
Theo các hộ nuôi cá sấu ở đây, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi hộ mà việc xuất bán cá sấu sớm hay muộn. Nếu hộ nào vốn yếu thì nuôi từ 18 - 20 tháng, mỗi con đạt khoảng 14 kg là xuất bán được.
Còn những hộ có vốn mạnh thì nuôi từ 24 tháng trở lên mới xuất bán sẽ có lời nhiều (lúc đó cá sấu cân nặng từ 20 kg trở lên). Với giá cá sấu ổn định từ 130.000 - 150.000 đồng/kg thì người nuôi đã có lời.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;