Chia sẻ với chúng tôi, anh Kiên cho biết, năm 2010, khi đó anh còn là sinh viên năm nhất đang theo học tại một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Một lần đi ăn với người thân ở nhà hàng, anh Kiên tình cờ được thưởng thức các món côn trùng (dế mèn, bọ xít, châu chấu)...
Anh Lâm Ngọc Kiên, vua côn trùng đất Bắc.
Lần đầu được thưởng thức món ăn lạ lẫm, khác thường, anh Kiên cảm thấy ngon. Anh nhìn xung quanh thấy khách tìm đến nhà hàng ăn rất đông. Trong đầu anh suy nghĩ “tại sao khách lại thích ăn những món này đến thế?”. Từ đó anh nảy ra ý tưởng nuôi thử con dế.
Nghĩ là làm, anh Kiên lên mạng tìm hiểu thông tin về cách chăm sóc loài dế. Mấy ngày sau, anh liên hệ với một số trang trại nuôi dế Thái để được giúp đỡ về con giống nhưng họ đều từ chối. Cuối cùng, anh cũng tìm cho mình được nơi cung cấp giống.
Anh Lâm Ngọc Kiên đang chăm sóc đàn côn trùng độc đáo của mình. Ảnh: Như Tầm (Báo Đầu tư)
Sau đó, anh mua thùng xốp, hộp gỗ và một hộp trứng dế về nuôi thử. Trong căn phòng trọ rộng hơn 10m2, anh dành 1 góc để nuôi dế. Hàng ngày cứ đều đặn, sáng đi học, buổi trưa về anh Kiên lại dành thời gian cho dế ăn và tìm hiểu các tập tính của loại côn trùng này.
Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn dế cứ bỏ ăn và chết dần. Anh Kiên lại tự bỏ tiền túi mua lứa giống khác về nuôi. “Lứa này chết, tôi lại mua lứa mới về nuôi, nuôi đến khi nào thành công thì thôi”, anh Kiên bảo.
Sau một thời gian, nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, dế phát triển mạnh. Anh đem sản phẩm đến giới thiệu ở một số nhà hàng quanh Hà Nội nhưng không cơ sở nào mua. Bế tắc “đầu ra”, anh nản lòng.
Một thùng dế chuẩn bị được anh Lâm Ngọc Kiên xuất bán ra ngoài thị trường.
Được sự động viên của bạn bè, anh tiếp tục đem sản phẩm đi giới thiệu và được một nhà hàng ở Hải Phòng đặt mua. Đầu ra cho sản phẩm suôn sẻ, anh bắt đầu hi vọng. Mong muốn, thương hiệu dế Thái của mình được nhiều người biết đến, anh tích cực chạy quảng cáo sản phẩm bằng cách đưa thông tin lên mạng xã hội, đồng thời giới thiệu tới các cửa hàng buôn bán chim, cá cảnh.
Hiện trung bình mỗi tháng cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 4 tấn côn trùng. Trong đó, có khoảng 2 - 3 tạ bọ cạp. Ảnh: Như Tầm (Báo Đầu tư).
Từ đó, dân buôn biết đến anh, hai bên kết nối để cùng hợp tác. Nhận thấy thị trường khá tiềm năng, anh “đánh liều” vay mượn tiền của người thân thuê căn nhà 3 tầng rộng khoảng 60m2 làm “trang trại” nuôi côn trùng. Anh suy nghĩ, một mình anh không thể làm được nên đã liên kết với người dân để cùng phát triển. Nhiều lúc, cung không đủ cầu.
Khi biệt danh “Kiên dế” được nhiều nhà hàng biết đến. Năm 2013, anh quyết định mở rộng trang trại hơn nữa. Được sự giới thiệu của người quen, anh tìm đến xã Văn Bình và chọn làm nơi xây dựng trang trại, tạo dựng thương hiệu.
“Trang trại đang liên kết với 300 hộ dân nuôi dế từ Quảng Trị trở ra. Chúng tôi sẽ cung cấp con giống, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi. Khi dế trưởng thành, xuất ra thị trường thì tôi trực tiếp mua lại của các hộ dân với giá cao hơn bên ngoài”, anh Kiên cho biết thêm.
Tắc kè là 1 trong những vật nuôi góp phần làn nên con số tiền lãi 1 tỷ đồng của trang trại nuôi côn trùng do Lâm Ngọc Kiên làm chủ.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Kiên nói: “Giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy sợ. Sao hồi ấy, tôi lại liều đến thế…”. Hiện tại, anh đang sở hữu trang trại nuôi côn trùng rộng 700m2. Ngoài nuôi dế Thái, anh còn nuôi thêm các loại côn trùng khác như tắc kè, bọ cạp, cà cuống.
Trong đó, trang trại đang nuôi khoảng 50 thùng dế nghiên cứu giống và bao tiêu thương phẩm cho bà con. Và nuôi khoảng 200 con tắc kè, 3.000 con bọ cạp, hàng trăm con cà cuống. Đến nay, trung bình mỗi tháng trang trại xuất ra thị trường khoảng 4 tấn côn trùng các loại, trừ chi phí SX còn lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Một tổ bò cạp trong trang trại nuôi côn trùng của ông chủ trẻ Lâm Ngọc Kiên. Ảnh: Như Tầm (Báo Đầu tư).
Anh Kiên thổ lộ, nuôi côn trùng không giống như nuôi gia cầm, gia súc. Đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như thức ăn phải sạch 100%, chuồng trại thông thoáng, mát; nhiệt độ chuồng trại vừa phải.
Về thức ăn cho côn trùng, anh Kiên tự trồng rau sạch để cho dế ăn. Dế trở thành nguồn thức ăn chính cho các con côn trùng khác.
Theo anh Kiên, với quy trình như vậy, anh vừa kiểm soát được nguồn thức ăn, vừa đỡ được 1 khoản chi phí và không lo bị dịch bệnh. Ngoài nuôi dế Thái, anh Lâm Ngọc Kiên còn nuôi tắc kè. Hiện tại, thị trường tiêu thụ côn trùng của anh Kiên chủ yếu là trong nước và sang Trung Quốc, Thái Lan dưới dạng hàng thô. Thời gian này, anh đang tìm hướng đi mới là sản xuất tinh bột dế để sản phẩm được vào các siêu thị lớn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;