Chủ trương xóa bỏ vườn tạp, thay thế các loại cây gỗ nguyên liệu giá trị kinh tế thấp bằng các loại cây ăn quả có múi đã được người dân miền núi hưởng ứng tích cực và bước đầu đem lại hiệu quả. Nhiều địa phương đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại cây ăn quả có múi và xem đây là những sản phẩm chủ lực, mũi đột phá trong phát triển nông nghiệp. Do đó, các loại cây này được phát triển ồ ạt, diện tích tăng rất nhanh, nhất là ở Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn và một số địa phương có lợi thế về đất vườn đồi.
Chỉ riêng huyện Vũ Quang, năm 2015, các xã, thị trấn đã trồng mới 330 ha cây ăn quả và lũy kế đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 2.225 ha (riêng cây cam, chanh 1.700 ha), trong đó, diện tích đã cho thu hoạch 650 ha với sản lượng 5.500 tấn. Hiện, người dân các địa phương đang tập trung mở rộng diện tích nên các con số trên không ngừng tăng. Dự kiến, trong 4 năm nữa sẽ đạt 4.100 ha cây ăn quả có múi các loại...
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là, ở nhiều nơi, cả chính quyền và người dân dường như đang chạy đua với thành tích, đổ xô trồng cây ăn quả. Người dân đang mong muốn đổi đời bằng việc mở rộng diện tích cây ăn quả nhưng lại thiếu quy hoạch, vẫn duy trì lối sản xuất tự sản tự tiêu, chưa xây dựng được mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, mối quan hệ “3 nhà” vẫn còn những khoảng cách lớn, nhất là giữa nhà nông với doanh nghiệp.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân thôn 6, xã Sơn Thọ (Vũ Quang) sẻ phát rừng trồng cây gỗ nguyên liệu để mở rộng diện tích trồng cam |
Tại một buổi làm việc với huyện Vũ Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cũng bày tỏ băn khoăn trước thực trạng này khi cho rằng: Vũ Quang chỉ đang chú trọng đến việc phát triển được bao nhiêu diện tích, trồng mới mấy ngàn gốc, tăng được bao nhiêu ha cho quả... chứ chưa thực sự quan tâm đến việc những vùng đất nào phù hợp để trồng, chất lượng cây giống ra sao và nhiều vấn đề cần quan tâm khác. Điều này đã dẫn tới một số diện tích rừng nguyên liệu bị chặt phá, môi trường sinh thái bị tác động cả về trước mắt lẫn lâu dài. Việc phát triển cây ăn quả để khai thác tiềm năng, thế mạnh là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhưng phải có kế hoạch, xem xét cẩn trọng để tránh những hệ lụy...
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, khó khăn cũng đã bắt đầu đến với người trồng cây ăn quả có múi khi thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng và rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, cá biệt, nhiều diện tích mới trồng đã bị chết. Do phát triển không có chiến lược nên số diện tích trồng ở những nơi không chủ động được nguồn nước, không có điều kiện thuận lợi để chăm sóc, chất đất không phù hợp khiến người làm vườn phải tăng chi phí sản xuất, mất nhiều công sức, đối diện với nhiều rủi ro...
Ngoài ra, sau vài vụ được giá thì vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, giá các loại quả biến động bất lợi. Theo tính toán của những người có chuyên môn, sẽ không còn giá cam 120-170 ngàn đồng/kg như dịp Tết Nguyên đán năm 2014, mức giá từ 70-80 ngàn đồng/kg như tết vừa rồi cũng sẽ khó giữ; chanh, bưởi cũng không ngoại lệ. Đáng lo ngại nhất là thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm thì một số trường hợp ở những vùng có các loại quả đặc sản, vì lợi nhuận, đã đưa cam, bưởi từ nơi khác về địa bàn để đánh lừa người tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, việc xây dựng thương hiệu cũng như sức cạnh tranh trên thị trường...
Phá bỏ vườn tạp để trồng các loại cây có thế mạnh, cho giá trị kinh tế cao là chủ trương đúng và phải có chiến lược cụ thể. Bài học nhãn tiền về thất bại của cây dâu tằm, mía đường, dứa, cao su, dó trầm... trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch để ổn định diện tích và có hướng phát triển phù hợp; phát triển diện tích gắn với liên kết trong sản xuất và quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Người làm vườn cũng cần tỉnh táo để không mở rộng diện tích một cách tràn lan, cần chú trọng chất lượng cây giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng.
Theo Tiến Dũng/baohatinh.vn