Hình thành nhiều mô hình NNCNC
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Quảng Nam cho biết, tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nông nghiệp, như khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu… Điều này đã tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng ngày càng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Mô hình sản xuất rau thủy canh, năng suất cao và hiệu quả cao của hộ ông Bùi Thanh Cưỡng ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Đ.H
"Tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển các thương hiệu sẵn có của địa phương như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Ba kích Tây Giang, Đảng sâm Tây Giang, Tiêu Tiên Phước, Dó trầm Quảng Nam, Bưởi trụ Đại Bình, Dưa hấu Kỳ Lý… Các sản phẩm này đều gắn với ứng dụng NNCNC, NNHC. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP...”. Ông Lê Muộn |
Tại Quảng Nam, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm và cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 11,6% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn, nhưng lại chiếm 62% lao động và 76% dân số sống ở khu vực nông thôn.
Ông Muộn cho biết thêm, thời gian qua, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản được hình thành và phát triển mạnh. Hàng năm, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã cung cấp cho thị trường trên 100.000 tấn thủy sản; trên 520.000 tấn cây lương thực có hạt; 270.000 tấn rau, đậu các loại; 60.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm… Tỉnh hiện có trên 3.000 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Tỉnh đang có nông trường VinEco Nam Hội An - là 1 trong 15 nông trường được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh bậc nhất. Các trang thiết bị, hạ tầng nông nghiệp ở đây được chuyển giao 100% từ nước ngoài: công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” để sản xuất rau quả gắn với xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra giá trị sản phẩm cao nhất cho các hộ trồng rau trong vùng được triển khai thực hiện trong năm 2017, tại các phường thuộc vùng Đông của thị xã Điện Bàn, gồm: Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Ngọc, Điện Dương...
“Từ kết quả bước đầu của các mô hình, hiện có nhiều dự án Khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ trong tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng CNC ở các địa phương: Điện Tiến - Điện Bàn, Tam Thành, Tam Đàn - Phú Ninh, Tam Xuân 2 - Núi Thành… trồng rau trong dung dịch hồi quy, rau giá thể áp dụng hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân, bán tự động. Một vài mô hình bước đầu áp dụng hệ thống giám sát tự động kết nối internet” - ông Muộn cho hay.
Dành 1.000 - 1.500ha phát triển NNCNC
Theo Sở NNPTNT Quảng Nam, NNCNC của tỉnh sẽ đi theo hai hướng song song. Một hướng thiên về NNHC để tạo những dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng yêu cầu thị trường. Hướng thứ hai là tối ưu hóa các quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm trước hiện trạng đất đai nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn lao động chuyển dịch nhiều qua các ngành nghề khác.
Trước mắt, Quảng Nam quy hoạch 1.000 - 1.500ha phía Đông của tỉnh để phát triển NNCNC, sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất NNCNC, NNHC, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Đối với lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp an toàn, Quảng Nam đặc biệt chú trọng các hoạt động trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả, cây dược liệu; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm...
Vùng Tây của tỉnh có lợi thế về diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên lớn, các khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi đây đang triển khai phát triển nông, lâm nghiệp, dược liệu theo hướng hữu cơ bền vững, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm gắn với khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Đối với vùng trung du, định hướng của tỉnh là tiếp tục cải tạo vườn tạp, phát triển nông nghiệp an toàn, NNHC gắn với du lịch miệt vườn, khai thác cảnh quan đặc hữu…
Theo Đoàn Hồng – Trần Hậu (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;