Thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao, sau hai năm thực hiện, thành phố đã triển khai hỗ trợ cho sản xuất trồng rau tập trung, rau trái vụ, nuôi trồng nấm, hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm... bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là đã hình thành vùng trồng rau tập trung có giá trị kinh tế tại các xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú, Minh Bảo, Tân Thịnh. Hiện nay, tổng diện tích trồng rau trên địa bàn thành phố trên 560ha, trong đó trồng tập trung trên 150ha, chủ yếu tại các xã: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu… còn lại trồng phân tán trên toàn địa bàn.
Những năm qua, phát huy lợi thế này, thành phố đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng các loại rau màu hiệu quả kinh tế cao như cà chua, ớt. Cùng với đó, thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ 3,4ha mô hình trồng rau an toàn cho 3 xã Âu Lâu, Minh Bảo, Tuy Lộc từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; triển khai dự án trồng bí đỏ đồng tiền vàng tập trung tại xã Phúc Lộc với diện tích trên 9ha cho thu nhập 2,6 triệu đồng/sào. Ngoài các hộ được hỗ trợ theo chính sách, người dân nói chung đã biết chú trọng đến phát triển trồng rau màu.
Tại các xã có diện tích rau máu lớn, người dân đã đầu tư về cây giống, phân bón và các điều kiện cần thiết, đặc biệt áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển các mô hình trồng rau cho năng suất, hiệu quả cao. Chị Phạm Thị Linh, thôn 3 Thanh Hùng, xã Tân Thịnh cho biết: “Chúng tôi xác định trồng rau an toàn để bảo đảm sức khỏe không những cho người tiêu dùng mà còn cho chính bản thân mình. Trồng rau an toàn không những tăng thu nhập cho gia đình mà dễ làm, dễ áp dụng, bảo vệ sức khỏe cho chính người trực tiếp sản xuất, kinh phí đầu tư không lớn hơn so với trồng rau theo truyền thống trước đây. Thu nhập từ trồng rau màu của gia đình tôi đã tăng hơn trước, 1 sào cũng từ 6-7 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra cũng như giá thành cho sản phẩm rau an toàn chưa ổn định nên chúng tôi cũng gặp khó khăn”. Qua triển khai cho thấy các mô hình trồng rau an toàn đem lại kết quả tốt, mang lại thực phẩm sạch và thu nhập cao cho người trồng. Đặc biệt là mô hình trồng bí đỏ tại xã Phúc Lộc được người dân đón nhận và phấn khởi trước hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại.
Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 4 phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích đất này tôi trồng ngô, các loại rau khác nhưng hiệu quả không cao. Từ khi được tham gia mô hình trồng bí đỏ, tôi thấy hiệu quả hơn hẳn. Trồng bí đỏ không những thu được quả mà cả ngọn và hoa cũng được người tiêu dùng ưa thích. Thu nhập cũng được trên 2,4 triệu đồng 1 sào”.
Mặc dù lượng rau xanh sản xuất đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng hiện nay người dân chủ yếu vẫn chỉ sản xuất manh mún với các loại rau truyền thống, chưa trồng được các loại rau trái vụ hiệu quả cao để cung cấp ra thị trường. Một số do tập quán sản xuất tự do nên trong quá trình chăm sóc chưa thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, nhất là quy trình sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tồn dư các chất độc hại trong rau rất khó kiểm soát. Để phát triển vùng rau an toàn, các cấp, các ngành thành phố cần đẩy mạnh công tác quản lý chỉ đạo, phân công, phân cấp rõ ràng, xây dựng kế hoạch phát triển rau an toàn hàng năm, từ đó xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận chất lượng...
Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu tiêu thụ sản phẩm đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người trồng rau. Một vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động người trồng rau và người tiêu dùng thay đổi thói quen, sản xuất và tiêu dùng rau sạch. Các hộ trồng rau cần liên kết lại, thành lập các liên gia, tổ nhóm, hợp tác xã chuyên sản xuất rau để tạo điều kiện thuận lợi cho lập kế hoạch, thời vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; tiến hành đăng ký với các cơ quan chức năng về sản xuất rau an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức chủ động liên kết tiêu thụ rau an toàn hoặc gắn kết chặt chẽ với các nhà phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Người trồng rau cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là rau trái vụ, lựa chọn các giống có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất, có năng suất và chất lượng; tuân thủ các quy trình kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong sản xuất rau an toàn để tạo thương hiệu rau trên thị trường thành phố.
Theo: baoyenbai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;