Tuy Phước là vựa lúa lớn của tỉnh, mỗi vụ sản xuất gần 7.500 ha lúa, nên nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa khá dồi dào. Tuy nhiên, do chưa nhận thấy hết giá trị và còn gặp khó khăn trong việc thu gom rơm rạ nên nhiều nông dân còn bỏ phí, đem đốt tại đồng, phần trả lại cho đất không còn bao nhiêu. Cách xử lý này không chỉ làm thoái hóa đất mà còn làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu do nguồn khí thải và khói bụi.
Từ thực tế đó, được sự hỗ trợ 42% kinh phí từ Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và 28% của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh, HTXNN Phước Hưng đã đầu tư thêm 30% kinh phí để mua chiếc máy cuốn rơm trị giá 150 triệu đồng về làm dịch vụ tại địa phương (một sào ruộng máy sẽ cuốn được 10 cuộn rơm; mỗi cuộn rơm có đường kính 50 cm, dài 70 cm, trọng lượng bình quân từ 12kg đến 15kg/cuộn tùy loại rơm khô hay ướt). Đây là chiếc máy cuốn rơm đầu tiên trong tỉnh và là 1 trong 4 hợp phần của Dự án “Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” do SNV phối hợp cùng Sở NN-PTNT thực hiện.
Ông Trần Tăng Long, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hưng, cho biết: Vụ Đông Xuân 2013-2014, khi mới đưa máy cuốn rơm vào sử dụng, HTX đã tiến hành thực hiện thu gom rơm trên diện tích 1 ha, được 200 cuộn rơm, bán với giá 30.000 đồng/cuộn, trừ chi phí còn lãi hơn 4 triệu đồng. Do đây là vụ đầu tiên vừa tập huấn kỹ thuật, vừa thực hành, hơn nữa, do chỉ có một máy cuốn rơm nên việc thu gom rơm không kịp thời, nhiều hộ nông dân dù đã đồng ý bán rơm cho HTX, nhưng vì phải chờ đợi lâu nên đã bán rơm cho người khác..., nên kế hoạch không đảm bảo.
Vụ Thu năm 2014, HTXNN Phước Hưng đã mua rơm trên diện tích 15 ha, ở 2 xã Phước Sơn, Phước Hưng của huyện Tuy Phước và xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/sào. HTX bán lại cho những người có nhu cầu làm nấm rơm hay làm thức ăn chăn nuôi bò với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/cuộn rơm; trừ chi phí, HTX còn lãi ròng hơn 1 triệu đồng/ha.
Hiện nay, sản phẩm rơm cuộn của HTXNN Phước Hưng không chỉ cung cấp trong huyện Tuy Phước mà còn cho một số địa phương trong tỉnh. Bên cạnh việc kinh doanh, HTX còn hỗ trợ rơm cuộn cho xã viên nhân rộng mô hình làm nấm rơm.
Để giúp nông dân làm quen với việc sử dụng rơm cuộn trong chăn nuôi và trồng nấm, trong tháng 6.2014, Trung tâm KNKN đã hỗ trợ kinh phí mua meo giống, vật tư, tập huấn…, đồng thời phối hợp với Hợp phần tái tạo năng lượng của Dự án Giảm thiểu biến đổi khí hậu hỗ trợ 50 cuộn rơm cho nông dân xã Nhơn An làm mô hình thâm canh nấm rơm bằng rơm cuộn, đã cho kết quả tốt hơn rơm bó. Đây cũng là cơ sở để HTXNN Phước Hưng chuẩn bị đầu tư mua thêm một máy cuốn rơm thứ 2 nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời gian đến.
Nguồn: Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;