Học tập đạo đức HCM

Tạm trữ, vì sao nông dân chưa hưởng lợi nhiều?

Thứ năm - 18/04/2013 22:35
Chương trình tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 vừa khép lại. Tuy việc thu mua tạm trữ đã giúp cho giá lúa của nông dân không bị giảm tiếp trong bối cảnh xuất khẩu gạo vẫn rất khó khăn, nhưng khi mà doanh nghiệp chưa thể mua lúa trực tiếp từ nông dân, thì chương trình tạm trữ vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

 

Không mua lúa trực tiếp

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong đợt tạm trữ lúa, gạo vừa rồi (từ 20/2-31/3), 116 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thực hiện chương trình đã mua đủ 1 triệu tấn quy gạo theo kế hoạch đề ra. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho hay, trong thời gian thu mua tạm trữ, mặc dù có lúc dao động, nhưng giá lúa tăng bình quân 100 - 150 đ/kg so với trước khi tạm trữ. Cụ thể, giá lúa khô hạt dài bình quân tại kho trong thời gian mua tạm trữ là 5.439 đ/kg, lúa loại thường là 5.252 đ/kg. Trong khi đó, giá thành lúa khô vụ đông xuân 2012-2013 mà Bộ Tài chính công bố là 3.616 đ/kg.

Tuy nhiên, cũng như những lần mua tạm trữ trước đây, trong đợt mua tạm trữ vừa rồi, các doanh nghiệp vẫn hầu như phải mua thông qua thương lái. Ông Lâm Anh Tuấn, GĐ Cty TNHH Thịnh Phát, lý giải “Nếu tổ chức thu mua lúa trực tiếp, công ty tôi phải cần thêm tới 20 nhân công. Do đó, chi phí sẽ bị đội lên nhiều, khiến cho giá thành lúa mua trực tiếp sẽ cao hơn so với giá thành mua qua thương lái. Vả lại, thời gian thu mua tạm trữ chỉ hơn 1 tháng. Những tháng còn lại của năm, coi như phải nuôi không 20 nhân công này, do đó, sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất trong năm của công ty”.

Nhiều doanh nghiệp khác cho rằng do nông dân ĐBSCL vẫn giữ thói quen bán lúa tươi ngay tại ruộng, nên không doanh nghiệp nào có đủ nhân lực, phương tiện để tổ chức thu mua lúa tận nơi như thế. Nếu doanh nghiệp nào tổ chức được một mạng lưới thu mua lúa đến tận ruộng, chi phí bỏ ra sẽ rất lớn. Do đó, mua được lúa tại ruộng, chỉ có thể là lực lượng thương lái vốn được tổ chức theo quy mô từng hộ gia đình cùng nhau đi thu mua, có thể lấy công làm lời, lấy lãi ít trên mỗi ký lúa…

Trong cuộc họp về đánh giá xuất khẩu gạo quý 1 và triển khai kế hoạch xuất khẩu gạo quý 2, tổ chức giữa tuần rồi, VFA cũng thừa nhận thực trạng này. Theo VFA, hiện nay, doanh nghiệp chưa thể thu mua lúa trực tiếp của nông dân. Hầu hết nông dân bán lúa tại ruộng, trong khi doanh nghiệp chỉ có thể mua lúa, gạo (chủ yếu là gạo) tại kho của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phải tổ chức mua lúa tại ruộng, chi phí sẽ phát sinh nhiều hơn mua qua thương lái khiến cho giá thành gạo xuất khẩu tăng cao.


Nông dân chưa hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình tạm trữ lúa, gạo

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cái cốt lõi của thực trạng doanh nghiệp chưa thể mua lúa trực tiếp từ nông dân, là do đại đa số các doanh nghiệp lương thực chưa tham gia vào vùng nguyên liệu, vào cánh đồng mẫu lớn. Ông Dư nói: “Làm cánh đồng mẫu lớn, vật tư đầu vào đã có các doanh nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu đảm nhận rồi. Chúng tôi chỉ cần các doanh nghiệp lương thực tham gia ở khâu tiêu thụ, tức là họ ký hợp đồng bao tiêu lúa ở cánh đồng mẫu lớn cho nông dân, chứ có đòi hỏi họ phải đầu tư này nọ đâu. Chỉ có vậy thôi mà đến giờ số doanh nghiệp lương thực tham gia làm cánh đồng mẫu lớn vẫn còn quá ít. Không tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp làm sao có thể mua lúa trực tiếp của nông dân, làm sao có được vùng nguyên liệu ổn định cả về sản lượng lẫn chất lượng để có thể nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu?”.

Phải chuyển hình thức tạm trữ

Cuối tháng 11 năm ngoái, Bộ NN-PTNT đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung dự thảo Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo. Tuy nhiên, trong cuộc họp sau đó tại Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, đại diện một số đơn vị đã phản đối gay gắt một số nội dung trong dự thảo này. Trong đó, phản đối mạnh nhất là phía Ngân hàng Nhà nước. Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho rằng không thể giao cho nông dân tạm trữ lúa vì nông dân không có đủ điều kiện để tạm trữ. Mặt khác, số lượng nông dân tạm trữ 5-10 tấn sẽ rất đông và manh mún, khó quản lý, rủi ro cao. Do đó chỉ có thể giao cho doanh nghiệp tạm trữ. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành trong cuộc họp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ NN-PTNT tiếp tục chủ trì hoàn thiện quy chế tạm trữ lúa gạo.

Vào cuối tháng 3 vừa rồi, Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối tiếp tục đề xuất lên Bộ NN-PTNT một số điểm mới trong vấn đề tạm trữ. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tiến tới tạm trữ lúa chứ không phải là tạm trữ gạo như hiện nay, bởi chỉ có tạm trữ lúa thì mới có tác động trực tiếp tới người nông dân và lúa dễ bảo quản hơn gạo. Tuy nhiên, do hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tạm trữ lúa, nên nếu phải “ép” trữ toàn bộ bằng lúa ngay thì khó có thể thực hiện được kế hoạch tạm trữ 1 - 1,5 triệu tấn quy gạo mỗi vụ (tương đương với khoảng 2 - 3 triệu tấn lúa). Vì thế, ban đầu có thể đưa vào quy chế hoặc quyết định tạm trữ từng vụ theo tỷ lệ lúa từ 30 - 50%.

Đối với nông dân tạm trữ, Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối đã tiếp thu ý kiến của một số tỉnh tại cuộc họp ngày 7/8/2012 tại Kiên Giang, qua đó, đề xuất số lượng tạm trữ là 50 tấn lúa/điểm chứa. Nông dân tạm trữ lúa sẽ được ngân hàng cho vay vốn tái sản xuất và được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian tối thiểu 1 tháng và tối đa 3 tháng từ ngày bắt đầu tạm trữ. Nông dân còn được Nhà nước hỗ trợ chi phí sấy và bao bì chứa lúa. Với quy mô tạm trữ này, giữa nông dân với nhau hay giữa nông dân với thương lái, doanh nghiệp có thể liên kết thành THT, HTX hoặc thậm chí là doanh nghiệp tạm trữ lúa. Trước mắt, các cơ sở này sẽ đầu tư máy sấy thóc, từng bước đầu tư kho và trở thành trạm trung chuyển của doanh nghiệp. Đây có thể sẽ là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ lúa gạo. Đồng thời làm giảm dần khâu trung gian của thương lái.

Với những nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp tạm trữ lúa, gạo, Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối đề xuất 2 hình thức hỗ trợ. Theo đó, nếu nông dân bán lúa cho doanh nghiệp và được thanh toán tiền ngay sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí vận chuyển và chi phí sấy lúa. Nếu nông dân bán lúa cho doanh nghiệp theo hình thức chốt giá và thoanh toán sau (bán trả chậm) với số lượng tối thiểu là 3 tấn, sẽ được ngân hàng và Nhà nước hỗ trợ như với nông dân tham gia tạm trữ lúa. Những sự hỗ trợ nói trên chính là nhằm khuyến khích nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia tạm trữ, qua đó sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tạm trữ lúa, gạo. Đồng thời có thể khắc phục những nguy cơ rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước đang lo ngại vì có sự bảo đảm từ doanh nghiệp.

Với đối tượng doanh nghiệp tham gia tạm trữ lúa, gạo, cũng đã có những thay đổi đáng chú ý so với dự thảo trước đây. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp mua lúa trực tiếp của nông dân mới được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa 3 tháng. Quy định này là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tham gia đầu tư vùng nguyên liệu để có thể mua lúa trực tiếp từ nông dân. Vì thế, những doanh nghiệp tạm trữ lúa, gạo nhưng không mua trực tiếp của nông dân chỉ được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian tối đa 3 tháng.

Theo nongnghiep.vn.vn
 Tags: tạm trữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập555
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại850,068
  • Tổng lượt truy cập92,023,797
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây