Kiểm soát việc kinh doanh gia cầm để ngăn chặn cúm A/H7N9 Ảnh: T.L Không lơ là cuộc chiến chống gia cầm lậu Từ cửa khẩu Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), các đối tượng vận chuyển gia cầm bằng xe máy vẫn chở hàng vào sâu trong nội địa. Họ cho biết các cơ quan làm gắt nên chỉ dám chạy hàng "gà lột truồng” chứ không chạy hàng gà có lông như trước. Một chiêu nhập gà lậu tinh vi là "gửi” số gà còn sống vào các nông trại ở gần thành phố rồi báo cơ quan thú y đến hợp thức hóa về giấy tờ. Từ đó gà Trung Quốc đã thành gà Việt "hợp pháp”. Tất nhiên chiêu này cần "lót” lớn, rủi ro cao. Còn tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng hoạt động kiểm dịch y tế không được tăng cường mà hệ thống phun thuốc khử trùng tự động không hoạt động. Theo cán bộ kiểm dịch y tế tại đây, súng phun thủ công bị hỏng đang gửi đi sửa nên "lâu rồi chưa phun”.
Gia cầm nhập lậu lọt qua biên giới Lạng Sơn chủ yếu tại các đường mòn Bãi Gianh, đồi thông, cột cờ thuộc thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Cao điểm có ngày tới 300 gánh gà được vận chuyển qua đây, mỗi gánh khoảng 400 con gà, vịt giống. Lọt qua biên giới, hàng chất lên xe gắn máy, ô tô nhỏ chạy vòng đường đồi tránh Trạm Dốc Quýt rồi chuyển lên các phương tiện khác chở sâu vào nội địa tiêu thụ. Các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an tỉnh này đang tăng cường quân số tổ chức chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn trọng điểm vận chuyển gia cầm, kiểm soát chặt tuyến biên giới mà trọng điểm là thôn Kéo Kham thị trấn Đồng Đăng… Sáng 10-4 Tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông Công an Bắc Giang kiểm tra xe ô tô tải biển số 12C-012.83 đi hướng Lạng Sơn - Hà Nội phát hiện trên xe 600 kg gà Trung Quốc thải loại không có chứng nhận kiểm dịch. 1,3 tấn gà thải loại và hàng nghìn gà con, gà giống, chim bồ câu nhập lậu từ Trung Quốc... đã bị các lực lượng chức năng tỉnh này đã tịch thu, tiêu hủy từ đầu năm đến nay. Theo quy định mới nhất được bổ sung, ban hành thì việc xử lý không chỉ dừng ở việc phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy toàn bộ gia cầm nhập lậu mà còn tạm giữ phương tiện vận chuyển gia cầm lậu 60 ngày và tịch thu. Chưa kiểm soát giết mổ gia cầm tại chợ Theo Bộ Y tế, cúm A/H7N9 là chủng mới, nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người và tỉ lệ tử vong cao. Nhưng nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An không kiểm soát được việc giết mổ gia cầm tại các chợ. Cả người bán lẫn người mua không biết gia cầm được chuyển từ đâu tới và đã được kiểm dịch hay chưa, nghĩa là hầu hết số gia cầm này vận chuyển bị thả nổi, trong khi công tác kiểm dịch giết mổ tại các chợ lại bị buông lỏng. Hiện tỉnh Nghệ An chưa có lò mổ tập trung, các hộ buôn bán gia cầm chủ yếu giết mổ tại chợ và tại nhà nên lực lượng thú y chưa thể tổ chức kiểm dịch được. TP.HCM vẫn còn cả trăm điểm điểm kinh doanh gia cầm lậu chưa xử lý dứt điểm, hầu hết ở ngoại thành và giáp ranh trong khi các lực lượng chức năng đã phát hiện dấu hiệu đưa gia cầm lậu từ vùng dịch Campuchia về chợ gia cầm lậu lớn nhất thành phố. Đó là khu vực hương lộ 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Dịch cúm gia cầm đã cận kề, nhưng nhiều người vẫn... chưa sợ Ảnh: Hoàng Long Tăng cường khám phát hiện các ca viêm phổi nặng Tại "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người”, Bộ Y tế khẳng định virus cúm A/H7N9 là một chủng mới. Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, bao gồm: sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi, không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế không xếp chung người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm với các bệnh nhân khác. Trong Công văn khẩn của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về thu dung điều trị nếu có bệnh nhân cúm AH7N9, Cục này yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành và các BV toàn quốc tăng cường khám, phát hiện các trường hợp mắc viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân và các chùm ca bệnh. Ngành Y tế Hà Nội vừa thành lập 5 đội phòng chống dịch cúm A/H5N7 cơ động, túc trực 24/24 giờ. Chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên sẽ lên đường xử lý các ổ dịch, hỗ trợ, hướng dẫn các kỹ thuật chuyên môn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm khi cần. Sở Y tế Đà Nẵng vừa họp khẩn chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo chống dịch cúm A/H7N9, tiến hành song song y tế dự phòng và điều trị. Bình Định nghiêm cấm để vịt chạy đồng, tăng cường lực lượng tại các chốt ở đầu và cuối tỉnh kiểm soát việc vận chuyển gia cầm. Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Xuân Diện hôm qua cho biết, 11 bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 ở phường Tuần Châu, Hạ Long cơ bản đã khỏi, 8 người đã xuất viện. Hiện các máy đo thân nhiệt ở của khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô đang hoạt động tốt Các địa phương tiếp tục ra quân đồng bộ tuy nhiên cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu, kiểm soát giết mổ gia cầm tại nhiều địa phương vẫn nóng. Nguy cơ dịch cúm A/H5N7 lây lan vào nước ta vẫn cao. "Chim yến là loài có sức đề kháng rất tốt có đường bay kiếm ăn dài hàng trăm km nên khi đã mắc bệnh thì nguy cơ mang mầm bệnh đi rất xa”, TS Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) lo ngại. Phối hợp tổng lực - truyền thông, giám sát các cửa khẩu phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tấn công mạnh nạn buôn lậu gia cầm qua biên giới… - đều cần làm quyết liệt hơn mới có thể chốt chặn hiệu quả các loại cúm trỗi dậy. Càng để chậm nguy cơ mất an toàn càng cao, dập dịch càng bất lợi. Hải Văn – Phương Ngọc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;