Tuân thủ quy trình sản xuất an toàn
Ồng Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, theo kết quả điều tra, có tới 49% nông dân các vùng trồng chè sử dụng thuốc BVTV với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% nông dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân trộn 3 loại thuốc khi phun, 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có những hộ nông dân phun tới 4 lần/tháng. Điều này vừa gây lãng phí trong sử dụng thuốc, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định: “Một trong những lý do khiến nhiều lô hàng chè của chúng ta bị nước ngoài trả về đó là do dư lượng thuốc BVTV. Phát triển bền vững ngành chè thì chỉ có một con đường là xây dựng lộ trình sản xuất chè an toàn, xuất khẩu chè phải có thương hiệu”.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: An Vũ
HTX chè Tân Hương ở xã Phúc Xuân (TP.Thái Nguyên) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thái Nguyên sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Hàng năm, nhờ trồng chè sạch mà các xã viên ở đây có thể thu nhập tới 368 triệu đồng/ha, cao hơn từ 15-20% so với cách làm truyền thống trước đây. Bà Nguyễn Thị Nhài - Phó Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi vẫn nhận được các đơn hàng xuất khẩu sang Canada, Nhật Bản, Hà Lan. Để có được sản phẩm an toàn thì ý thức và sự hiểu biết của nông dân là quan trọng nhất. Tới đây, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất chè an toàn và rất cần sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, xã nhằm tạo sự liên kết giữa các làng nghề với hộ sản xuất chè, để mọi sản phẩm chè làm ra đều đảm bảo chất lượng”.
Thay đổi tư duy trồng chè
Theo ông Nông Xuân Bắc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 80% diện tích chè tập trung sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có 46 mô hình chè được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 600ha, thu hút 1.694 hộ tham gia. |
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nông Thanh Thủy ở xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho hay, dù biết dùng thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhưng do có quá nhiều sâu và bọ xít hại mầm chè nên bà lại phải vác bình đi phun.
Trước chia sẻ của bà Thủy, TS.Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh: “Đã đến lúc bà con phải thay đổi tư duy và hành động trong sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc kiểm soát trong tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, thu mua chế biến và xuất khẩu cần phải làm mạnh tay, chặt chẽ hơn nữa. Quan trọng là phải xây dựng và quảng bá thương hiệu chè an toàn, trong đó, Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng thương hiệu chè Việt Nam”.
Ông Thông cũng cho rằng, để nhân rộng các mô hình sản xuất chè an toàn, cần siết chặt hoạt động của các cơ sở chế biến, chỉ chọn nguyên liệu ở vùng trồng an toàn. Song song với đó là nâng cao nhận thức của người dân, công khai các loại thuốc BVTV được sử dụng trên chè một cách rộng rãi và dễ hiểu để bà con dễ nhớ, dễ mua, dễ áp dụng. Bên cạnh đó, ông Thông cũng kiến nghị Nhà nước cần kéo dài thời gian hiệu lực trong việc cấp chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGAP và tăng cường hỗ trợ đầu ra để bà con yên tâm với sản xuất VietGAP.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;