Tạm trữ giúp đẩy giá lúa lên
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT tại Hội nghị sơ kết công tác thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL ngày 11.6, thì hiệu quả của việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân 2014 vừa qua là khá tốt. Tính đến ngày 30.4, các doanh nghiệp đã thu mua được tổng cộng hơn 995.000 tấn gạo, đạt 99,5% kế hoạch đề ra.
Trong thời gian thu mua tạm trữ đã giúp đẩy giá lúa ở ĐBSCL lên 100 – 200 đồng/kg, cá biệt tại nhiều nơi như Cà Mau, Bến Tre, giá lúa đã tăng lên 300 – 500 đồng/kg tùy loại. So với giá thành bình quân sản xuất lúa vụ đông xuân mà Bộ Tài chính công bố là 3.769 đồng/kg thì nông dân có lãi từ 35 – 40%.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đánh giá trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo đầu năm gặp nhiều khó khăn, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ thì việc giúp giữ được giá lúa đảm bảo cho nông dân có lãi từ 30% trở lên như thế là một sự cố gắng rất lớn của cả ngành lương thực.
Đặc biệt, khác với các năm 2012, 2013 phần lớn doanh nghiệp tham gia tạm trữ đều bị lỗ thì vụ đông xuân năm nay doanh nghiệp tạm trữ đã bắt đầu có lời. Qua đó đã giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế được tình trạng phá giá, ép giá của thương nhân nước ngoài cũng như thương nhân trong nước lên doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay lúa vụ hè thu đang bước vào thu hoạch rộ thì giá lúa cũng bắt đầu rớt giá. Theo bà Trần Thị Bông, thương lái thu mua lúa gạo ở Thoại Sơn, An Giang thì giá lúa tươi thu mua tại ruộng ngày 11.6 còn có 4.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg với với 10 ngày trước và giảm 300 đồng/kg so với một tháng trước.
Nguyên nhân theo các thương lái giá giảm là do thị trường chuyển ra phía Bắc xuất đi Trung Quốc đang chậm lại do ảnh hưởng tâm lý của tình hình căng thẳng Biển Đông, trong khi các doanh nghiệp lại chưa tìm được hợp đồng mới.
Chính vì thế, theo ông Nguyễn Thanh Nguyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thì về ngắn hạn vẫn chưa thể bỏ chính sách thu mua tạm trữ trong khi chờ hiệu quả từ các chính sách trung và dài hạn. Cụ thể, với vụ hè thu đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ nếu không kịp thời có chính sách thu mua tạm trữ thì giá lúa sẽ còn rớt dài. Bởi chất lượng lúa hè thu không cao mà giá thành lại cao hơn vụ đông xuân sẽ khiến cho việc tiêu thụ càng khó khăn hơn
Đồng tình quan điểm trên, đại diện các địa phương và doanh nghiệp đều cho rằng chính phủ nên tiếp tục chính sách thu mua tạm trữ trong vụ hè thu này. Và cần thực hiện ngay để tránh sự bị động như trong các vụ trước trong việc triển khai chậm khiến nông dân nhiều nơi không được hưởng lợi do đã bán hết lúa và công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương còn lỏng lẻo.
Hỗ trợ lãi suất cho nông dân
Mặc dù thấy sự cần thiết của chính sách tạm trữ nhưng các chuyên gia đều cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong một khoảng thời gian cấp bách để vực dậy giá lúa và nhà nước không thể “cứu” hoài như vậy được. Và lợi ích thực sự mà nhà nước nhắm tới là đối tượng nông dân thì hiện thành phần này vẫn chưa được hưởng lợi gì.
Bởi theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thì việc các ban ngành báo cáo rằng nông dân trồng lúa có lãi 30% là cần phải xem xét lại. “Bởi vì tôi khi đi gặp nông dân thì tất cả đều nói không đạt được mức lãi như thế, thậm chí lỗ. Chính vì thế tôi đề nghị Bộ Tài chính nên đi đến các vùng trồng lúa nhiều của ĐBSCL để tính toán lại cho chính xác giá thành của từng vụ lúa” – ông Việt thẳng thắn góp ý.
Bởi lẽ đó, để có thể chuyển đối tượng hưởng thụ từ chính sách tạm trữ của Nhà nước và phát triển bền vững thì giải pháp mà hội nghị đưa ra là bắt buộc các doanh nghiệp và địa phương phải làm cánh đồng liên kết với nông dân. Để từ đó mọi hỗ trợ về lãi suất sẽ trực tiếp hỗ trợ cho nông dân, các HTX ở khâu vật tư đầu vào, chuyển giao kỹ thuật hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn…
“Chính sách an ninh lương thực cũng nên xem xét lại, vì hiện hằng năm chúng ta dư tới 7 triệu tấn gạo để xuất khẩu, lại sản xuất tới 3 vụ. Tôi cho rằng nên giảm bớt lượng lúa gạo sản xuất ra và đầu tư nâng chất lượng để có được giá bán cao hơn, chứ không nên giữ mãi quan điểm “giữ lúa gạo” để sản xuất cho nhiều rồi không tiêu thụ hết khiến nông dân khổ là chưa đúng” – ông Nguyên chỉ ra.
Ngọc Minh
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;