Học tập đạo đức HCM

Vốn Agribank trợ lực nông dân “đất lửa” thoát nghèo

Thứ năm - 18/10/2018 09:27
Trên vùng “đất lửa” Quảng Trị, nguồn vốn và đội ngũ cán bộ của Ngân hàng Agribank đã để lại dấu ấn đậm sâu, giúp nhiều người dân có điều kiện thoát nghèo.

Nguồn vốn quý giúp dân nghèo

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi có mặt tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh và cùng nhau rảo bước dưới những tán rừng tràm, cao su xanh tít tắp của người dân thôn Trảng Rộng.

 von agribank tro luc nong dan “dat lua” thoat ngheo hinh anh 1

Cán bộ Ngân hàng Agribank Nam Đông - chi nhánh Agribank huyện Gio Linh trao đổi với ông Nguyễn Viết Hùng về mô hình trồng rừng, phát triển chăn nuôi kết hợp để nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Vũ

"Ngân hàng luôn xác định dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng luôn đồng hành với bà con nông dân, giúp họ có nguồn vốn để sản xuất, thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.

Ông Hoàng Minh Thông –
Giám đốc Ngân hàng Agribank Quảng Trị

Rót ly nước chè đậm mời khách, ông Nguyễn Viết Hùng – trưởng thôn Trảng Rộng ngược dòng thời gian kể về quá trình lập nghiệp của gia đình. Năm 1993, theo chương trình di dân đi kinh tế mới, vợ chồng ông Hùng đèo bồng 5 người con rời quê hương thôn An Khê (Gio Sơn, Gio Linh) đến thôn Trảng Rộng khai canh.

Ngày mới thành lập, thôn Trảng Rộng có 40 hộ dân nhưng vì thiếu ăn, khai hoang trồng rừng gặp nhiều bom đạn, thiếu vốn sản xuất… nên sau một thời gian chỉ còn 20 hộ bám trụ lại thôn, trong đó có gia đình ông Hùng.

Ông Hùng cho biết, lý do khiến dân nghèo là vì không có vốn sản xuất. Mãi đến năm 1999, được Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Gio Linh tạo điều kiện cho vay vốn, cuộc sống người dân thôn Trảng Rộng mới dần chuyển biến.

Năm 1999, riêng gia đình ông Hùng vay 30 triệu đồng để trồng rừng tràm, cao su. Theo chu kỳ, rừng trồng khoảng 5 - 7 năm sẽ cho khai thác. Trả lãi và gốc đúng hạn nên ông Hùng được ngân hàng tin tưởng tạo điều kiện cho vay vốn ngày càng nhiều để mở rộng sản xuất. Đến nay, ông Hùng có trong tay 20ha rừng tràm, 5ha cao su, thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Ở Trảng Rộng còn nhiều hộ có “máu mặt” như ông Hoàng Văn Thắng với 20ha cao su, 5ha rừng tràm; ông Trần Quốc Dũng có 7ha rừng, 3ha cao su… Thu nhập bình quân của người dân Trảng Rộng không dưới 100 triệu đồng/năm.

Theo thống kê của ông Hùng, ở thôn Trảng Rộng có hơn 80% hộ dân được Ngân hàng Agribank cho vay vốn trồng rừng, cao su, chăn nuôi sản xuất. Đến nay, cả thôn có 58 hộ dân sản xuất 114ha cao su, 200ha tràm, hộ nghèo giảm chỉ còn 8,6%.

 von agribank tro luc nong dan “dat lua” thoat ngheo hinh anh 2

Cán bộ  Agribank chi nhánh huyện Cam Lộ thăm hỏi, động viên bà Lý Thị Lộc mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thu nhập.  Ảnh:  N.V

Nhắc đến Ngân hàng Agribank, vợ chồng bà Lý Thị Lộc (SN 1961, thôn Mai Lộc 2, Cam Chính, Cam Lộ) tỏ lòng biết ơn: “Gia đình tôi từ nghèo rớt mồng tơi, nhờ Ngân hàng Agribank tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất mà giờ đây có tiền tỷ trong tay, quý lắm”.

Bà Lộc kể, gia đình đông con nên dù sống ở vùng đất đỏ bazan màu mỡ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn vì không có vốn sản xuất. Đến năm 1992, bà Lộc được Agribank chi nhánh huyện Cam Lộ cho vay 5 triệu đồng để buôn bán nhỏ ở chợ. Chăm chỉ làm ăn, trả lãi, gốc đúng hạn, tạo được uy tín nên bà Lộc tiếp tục được cho vay nhiều hơn. Dấu mốc đổi đời là khi bà Lộc quyết định vay 100 triệu đồng xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn đầu tiên tại Quảng Trị hoạt động từ năm 2001 – 2005, đem lại nguồn thu rất lớn.

Năm 2006, khi các nhà máy tinh bột sắn mọc lên nhiều, cùng với số vốn tự có, bà Lộc vay thêm 300 triệu đồng của Ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Lộ chuyển sang nuôi lợn, trồng tiêu, kết hợp làm đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, bà Lộc nuôi thường xuyên 80 con lợn nái, 1.200 con lợn thịt/lứa, trồng 500 gốc tiêu, mỗi tháng phân phối ra thị trường 100 tấn thức ăn chăn nuôi… Nhờ vậy, bình quân mỗi năm bà Lộc có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Nghĩa tình với Agribank

 von agribank tro luc nong dan “dat lua” thoat ngheo hinh anh 3

Đối với người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và thôn Trảng Rộng nói riêng, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Agribank luôn là khách quý. Bởi lẽ, họ không chỉ thân thiện, tạo điều kiện tốt nhất giúp dân tiếp cận vốn vay mà còn hướng dẫn, tư vấn cho dân sản xuất có hiệu quả.

Những ngày này, người dân thôn Trảng Rộng đang háo hức chuẩn bị trồng cây Gáo vàng (Thiên ngân). Cây Gáo vàng được trưởng thôn Nguyễn Viết Hùng và ông Nguyễn Công Nguyên – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Agribank Nam Đông (chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Gio Linh) bàn bạc, thống nhất đưa về trồng thử nghiệm. Loài cây này khoảng 5 năm sẽ cho khai thác gỗ, giá trị gấp 5 lần cây tràm, hứa hẹn cho người dân thu nhập cao.

Bà Lý Thị Lộc thì kể câu chuyện nhiều lần được cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Cam Lộ vượt đường xa đến thăm, động viên khi bà làm ăn gặp khó khăn, thua lỗ. “Gia đình tôi từ khi hai bàn tay trắng đến lúc có cơ ngơi khá giả như hôm nay và mãi về sau sẽ luôn biết ơn và chung thủy với Ngân hàng Agribank. Đó là duyên nợ, nghĩa tình trước sau” – bà Lộc chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Ngân hàng Agribank Quảng Trị đã đóng góp rất tích cực vào sự phát triển xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nông dân. Nhờ nguồn vốn vay của phía ngân hàng, người dân đã có điều kiện sản xuất, đầu tư nhiều mô hình hay, hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu, từ đó đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới; đồng thời góp phần giúp Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh công tác chuyên môn cho vay vốn, Ngân hàng Agribank Quảng Trị còn có nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ nhiều đơn vị, địa phương, người dân gặp khó khăn trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và mong muốn nhận thêm nhiều sự quan tâm của ngân hàng trong thời gian tới.

Theo Ngọc Vũ (danviet.vn)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập214
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại794,650
  • Tổng lượt truy cập93,172,314
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây