Chỉ biết rằng sinh ra và lớn lên vùng đất Bảo Hà đã thấy sự hiện diện của cây hồng ăn quả trên vùng đất ven sông Hồng. Và giống cây quý này cứ trĩu cành, sai quả lúc lỉu mỗi vụ thu hoạch, đem lại cho người dân nơi đây những mùa quả ngọt…
Một ngày mùa thu tháng Tám, khách thập phương náo nức trảy hội đền Bảo Hà, chúng tôi về vùng đất này khi những quả hồng không hạt nơi đây đã bắt đầu được thu hái. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, những quả hồng đầu mùa căng mọng giòn ngọt lại được bày bán trong những hàng quán chuẩn bị đồ lễ cho du khách thành tâm dâng lễ ông Hoàng Bảy, người có công trấn giữ vùng biên ải.
Bên gốc hồng không hạt đã trồng trên 50 năm trên vùng đất ven sông Hồng-vùng đất xã Bảo Hà-nơi có đền ông Hoàng Bảy.
Đưa chúng tôi đi thăm cây hồng được người dân trong vùng tôn vinh là cây “hồng tổ”, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất (xã Bảo Hà) kể về nguồn gốc cây hồng không hạt của “nhạc phụ” - ông Hoàng Văn Khoản, cây hồng lâu niên hơn cả tuổi của mình: Cây hồng không hạt này là của bố vợ tôi trồng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Theo các cụ kể lại, khoảng năm 1962, bố vợ tôi cùng nhiều người miền xuôi lên đây sinh cơ lập nghiệp. Cùng một vài người dân trong làng như ông Trình, ông Khánh đã sang vùng Khe Tép (Tân Thượng, Văn Bàn) bây giờ lấy giống về trồng...".
Theo ông Khánh, từ một vài người trồng ban đầu, sau dần các cụ chia giống và nhân trồng ra cả làng vùng ven sông này. Cây hồng không hạt trồng đã trên 50 năm giờ vẫn sai quả, hằng năm cho thu hoạch 4 - 5 tạ quả mỗi vụ. Tôi lớn lên đã thấy cây hồng và sau này làm rể của cụ thì cây hồng vẫn bao năm cho những mùa quả sai trĩu, chả mất mùa bao giờ…
Những cây hồng không hạt ở xã Bảo Hà mùa nào cũng sai trĩu quả và chưa có năm nào mất mùa trong suốt vài thập kỷ gần đây.
Ông Khánh còn tiết lộ bí mật câu chuyện “đi rình” bố vợ để biết cách lấy giống từ rễ cây hồng đem trồng. Vì ngày ấy, các cụ quý ai mới đem cho “rễ giống” để trồng chứ không nói cách làm sao có giống để trồng được.
Xã Bảo Hà hiện có trên 200 gốc hồng không hạt cổ thụ đều đặn mỗi năm cho mùa quả trĩu cành. Ông Phạm Văn Diền, bản Liên Hà 6 là một trong những người đang sở hữu vườn hồng cổ thụ gần 40 năm cho biết, từ 2 cây hồng gốc ban đầu bố ông để lại, đến nay gia đình ông đã nhân trồng được một vườn hồng không hạt, mỗi năm cho thu 40 - 50 triệu đồng.
Trong câu chuyện về vườn hồng không hạt, ông Diền say sưa kể cho chúng tôi nghe về 2 cây hồng trồng đầu tiên trong vườn nhà: Ngày nhỏ, bố tôi trồng được 2 cây hồng ăn quả, cũng chỉ thấy các cụ dạo trước truyền tai nhau kể lại là đều được lấy giống từ bên Khe Tép, giống cây cho quả ăn rất ngon, năm nào cũng ra quả, không mất mùa bao giờ. Nhưng năm 1971, sau đận lũ to, cả vùng ven sông Hồng ngập lụt nên một cây hồng bị chết, chỉ còn lại một cây sau này là “của để dành” bố tôi để lại cho con cháu.
Sản phẩm quả hồng không hạt Bảo Hà đã được đăng ký thương hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vì cũng không biết làm thế nào để nhân trồng, cây hồng duy nhất ấy cứ cho gia đình ông Diền thu hái những mùa quả giòn ngọt đều đặn mỗi độ thu sang. Tình cờ, trong một lần làm vườn, rẫy cỏ vun gốc, không may ông Diền đào vào rễ cây hồng, sau đó thấy từ rễ cây ấy nảy nầm. Ông Diền bèn mang đi giâm thấy lên cây. Từ đấy, ông bắt đầu nhân trồng từ cách “chặt rễ” và chia giống cho mọi người trong làng cùng trồng.
Lâu dần, cả làng đến lấy giống từ cây hồng bố ông Diền để lại. Ông Diền tâm sự: Loại hồng quả này có thể ăn theo hai cách, nhưng chủ yếu vẫn là hồng ngâm vì ăn giòn ngọt, lại dễ vận chuyển đi xa. Còn không để hồng chín trên cây ăn rất ngọt hoặc khi quả hồng già trảy xuống giấm bằng hương cũng cho quả hồng chín ngọt rất ngon. Tuy nhiên, mọi người vẫn ưa chuộng hồng ngâm hơn cả.
Hồng không hạt Bảo Hà khi gọt vỏ ra ai trông thấy cũng bắt mắt và bị hấp dẫn bởi mùi thơm và độ giòn, ngọt.
Kỹ thuật ngâm hồng rất đơn giản, hồng trảy xuống ngâm trong nước lã vài ngày là chín. Ấy vậy nhưng ngâm hồng cũng phải có kỹ thuật. Kinh nghiệm ngâm hồng của ông Diền và nhiều người dân Bảo Hà cho thấy giống hồng quả không hạt Bảo Hà chỉ ngâm được bằng nước giếng trong khoảng 3 ngày, 4 đêm (nếu pha thêm phèn chua thì thời gian rút ngắn khoảng 2 ngày, 3 đêm).
Đặc biệt giống hồng không hạt Bảo Hà mà ngâm bằng nước mưa hoặc thứ nước khác không sạch đều “hỏng ăn” ngay, hoặc thối quả hoặc chát không thể nào ăn được.
Chia sẻ về sản phẩm cây ăn quả đặc sản của địa phương, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà cho biết: Hiện, xã Bảo Hà có 40 ha cây hồng không hạt đang cho thu hoạch (khoảng 250 cây/ha); diện tích mới trồng chưa cho thu hoạch khoảng 20 ha. Năng suất bình quân 1 ha đạt 50 tấn quả, với giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg mang lại nguồn thu cho người dân 500 triệu đồng/ha. |
Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, được ngành nông nghiệp hướng dẫn, người dân Bảo Hà đã thực hiện cải tạo vườn hồng, đốn tỉa, chăm sóc đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, do đó sản phẩm hồng ngâm không hạt Bảo Hà bán được giá, được thị trường tiêu thụ mạnh.
Vào đầu vụ, giá bán hồng quả tại vườn là 20.000 đồng/kg; giữa vụ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg. Bình quân 1 cây thu hoạch đạt khoảng 2 - 2,5 tạ quả mỗi vụ, cá biệt có nhiều cây lâu năm, đạt từ 4 - 5 tạ quả.
Từ năm 2017, sản phẩm hồng không hạt Bảo Hà đã có bao bì nhãn mác nên được thị trường ưa chuộng, có những ngày cao điểm, người dân Bảo Hà tiêu thụ được 15 - 20 tấn quả. Quả hồng không hạt Bảo Hà thường chín vào đúng lễ hội đền Bảo Hà cho đến Tết Trung thu hằng năm; là sản phẩm được nhiều du khách thập phương đến chiêm bái đền Bảo Hà chọn mua dâng lễ và mang về làm quà.
Để phát huy thế mạnh cây ăn quả đặc sản, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại địa phương, năm 2018, huyện Bảo Yên tiến hành trồng mới 50 ha cây hồng không hạt, trong đó trồng 48 ha tại xã Bảo Hà và trồng thử nghiệm 2 ha tại 2 xã Kim Sơn và Cam Cọn; phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng vùng trồng hồng không hạt Bảo Hà khoảng 300 ha.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên phấn phởi khoe với chúng tôi: Sản phẩm hồng không hạt Bảo Hà được ngành nông nghiệp lựa chọn là một sản phẩm đưa vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh. Đặc biệt, trong lễ hội đền Bảo Hà năm nay, huyện Bảo Yên sẽ tổ chức công bố thương hiệu hồng không hạt Bảo Hà, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc điện tử...
Thông qua các hoạt động đó, huyện Bảo Yên tạo thuận lợi cho người tiêu dùng yên tâm khi biết rõ mức độ an toàn và nguồn gốc của sản phẩm. Ngay sau dịp lễ hội đền Bảo Hà năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên sẽ phối hợp với Khoa Công nghệ thực phẩm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm hướng dẫn người dân Bảo Hà sấy hồng quả theo 2 phương pháp (sấy giòn và sấy dẻo).
Đây là công việc đón đầu để phát triển bền vững thương hiệu hồng không hạt Bảo Hà trong tương lai khi mở rộng vùng trồng lên 300 ha vào năm 2020. Đặc biệt, sản phẩm hồng sấy còn phục vụ du khách khi đến lễ đền Bảo Hà, đền Tân An bất kể thời gian nào trong năm đều có thể thưởng thức được đặc sản mang thương hiệu vùng miền.
Mỗi độ thu về, những vườn hồng không hạt Bảo Hà lại bắt đầu vào vụ cho thu hái quả. Trong rộn ràng của một mùa lễ hội ở đất thiêng Bảo Hà, người dân nơi đây lại tất bật trảy những quả hồng căng mọng để ngâm cho kịp chuyển lên xe theo đơn đặt hàng của khách, đưa sản phẩm đặc sản của địa phương tỏa đi muôn nơi… Rời đất Bảo Hà, chúng tôi bắt gặp một vài đoàn khách ngược đường tìm đến tận vườn để mua quả và trải nghiệm vườn hồng không hạt sai trĩu cành ở vùng đất ven sông Hồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;