Giàu có nhờ nuôi vịt, nuôi chim câu
Từ hai bàn tay trắng, nhờ gắn bó với nghề nuôi vịt và ấp trứng vịt lộn, nông dân giỏi Nguyễn Đình Việt ở xã Phượng Mao, huyện Quế Võ đã sở hữu cơ ngơi nhiều người phải ao ước. Hiện trang trại của ông thường xuyên duy trì gần 3.000 vịt đẻ và hậu bị. Điều đặc biệt, gần 30 năm nuôi vịt nhưng chưa lần nào ông Việt để xảy ra dịch bệnh.
Ông Việt chia sẻ: "Để có đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao gia đình tôi đặc biệt tuân thủ công tác tiêm vaccine theo định kỳ, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Ngoài ra, cứ theo chu kỳ 2 năm, tôi lại thay lứa vịt khác, như thế thì quả trứng đẻ ra mới đẹp, không quá dài, không bị méo, mỏng" - ông Việt thổ lộ.
Theo ông Việt, những năm gần đây trên địa bàn huyện Quế Võ có nhiều khu công nghiệp mọc lên, việc tiêu thụ trứng vịt lộn của gia đình ông cho các bếp ăn công nghiệp khá thuận lợi. Có thời điểm, trứng vịt lộn của gia đình ông cung không đủ cầu. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc mở rộng quy mô nuôi vịt và lò ấp trứng, ông Việt còn chủ động xây dựng nhóm liên kết cùng nuôi vịt đẻ.
Theo đó, ông Việt sẽ chuyển giao giống, công nghệ chăn nuôi và cam kết tiêu thụ toàn bộ trứng vịt cho gần 10 trang trại ở huyện Quế Võ. Một năm trở lại đây gia đình ông Việt còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Hộ nào khó khăn về giống, thức ăn… ông Việt sẽ hỗ trợ theo phương thức bán trả chậm (không tính lãi) đến khi bán trứng vịt mới phải trả tiền.
Khác với mô hình của ông Việt, mặc dù có bằng tốt nghiệp ngành công nghệ điện tử trong tay, nhưng anh nông dân trẻ Ngô Quang Hùng (SN 1983, ở xã Cách Bi huyện Quế Võ) lại quyết định về quê đầu tư mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.
Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ biết nắm bắt kỹ thuật việc nuôi chim bồ câu Pháp của anh Hùng đã cho kết quả. Hiện, anh Hùng nuôi hơn 1.500 cặp chim bồ câu Pháp bố mẹ, mỗi tháng xuất bán hơn 700 cặp chim thịt với giá 110.000 - 140.000 đồng/cặp, thu về hơn 70 triệu đồng mỗi tháng. Bấm đốt ngón tay, anh Hùng cho biết, trừ hết mọi chi phí, anh còn thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ nuôi chim câu.
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Nhờ sự hỗ trợ của anh, 3 hộ trên địa bàn xã Cách Bi, 1 hộ ở huyện Lương Tài và 1 hộ ở tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu cho kết quả khả quan.
"So với nhu cầu của thị trường thì nguồn cung chim bồ câu thương phẩm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Do vậy, bên cạnh việc mở rộng quy mô thì các hộ chăn nuôi cần phải tăng cường mối liên kết, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm"- anh Hùng tâm sự.
Đa dạng "kênh" hỗ trợ
Hội ND huyện Quế Võ hiện có 22.890 hội viên sinh hoạt tại 21 cơ sở Hội với 108 chi Hội. Những năm qua, Hội ND huyện Quế Võ luôn xác định mục tiêu đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trang trại, tạo điều kiện cho hội viên vươn lên làm giàu.
Năm 2019, Hội ND huyện Quế Võ còn tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp 715 triệu đồng, 570 ngày công lao động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; phát động ủng hộ kinh phí trao tặng 6 con bò giống sinh sản cho hội viên nông dân nghèo. Huyện Hội cũng chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn ra quân làm sạch đồng ruộng, thu gom trên 3,3 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV…
Bám sát vào các phong trào thi đua kinh doanh sản xuất giỏi của Hội ND tỉnh Bắc Ninh, Hội ND huyện đã tập trung vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. Hội đã thực hiện tốt chương trình liên kết "4 nhà" để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên về giống, vốn, vật tư và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, Hội ND huyện Quế Võ đã thành lập 101 tổ tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 93 tỷ đồng cho hơn 3.500 hội viên vay vốn đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, Hội đã phối hợp mở được 82 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 4.900 lượt người, cung ứng hàng trăm tấn phân NPK theo phương thức trả chậm cho nông dân. Qua đó toàn huyện đã có 105 mô hình kinh tế tiêu biểu về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, VAC tổng hợp.
Ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch Hội ND huyện Quế Võ khẳng định: Trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội và hội viên, nông dân… đã tạo động lực lớn thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân huyện phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được đông đảo hội viên nông dân huyện Quế Võ hưởng ứng tích cực. Trong năm 2019 huyện Quế Võ có 10.600 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi giỏi các cấp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;