Học tập đạo đức HCM

Bài 2: Cây điều Việt Nam, câu chuyện dài và lời kể của người trong cuộc

Chủ nhật - 17/05/2020 19:52
Tại sao thủ phủ cây điều lại ở Bình Phước mà không ở nơi nào khác? Có phải vì đất đai, khí hậu và con người nơi đây rất phù hợp với cây điều?

Chuyện trồng điều ở Bình Phước

Theo TS. Hoàng Sĩ Khải trong cuốn sách “Những vấn đề kinh tế chủ yếu về phát triển sản xuất điều ở Việt Nam” và TS. Hoàng Chương trong cuốn “Kỹ thuật trồng điều”, cây điều có mặt ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII do người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mang từ Braxin qua.

Đến thế kỷ XVIII, bác sĩ Alexandre Yersin người Pháp cũng đã trồng điều trong trang trại của mình ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn trồng tiêu đen, cà rốt, súp lơ, su su, lay ơn, cẩm tú cầu, xà lách, đặc biệt là nho Ninh Thuận,… là những loài thực vật vùng ôn đới có nguồn gốc từ Pháp. Sau này cây điều sinh trưởng rất tốt ở vùng Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ,… Tuy nhiên, do chưa thấy hết được giá trị kinh tế của cây điều, thương mại điều chưa phát triển nên cây điều chưa phải là cây có chỗ đứng trong bản đồ cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam lúc bấy giờ.

Cây điều Bình Phước. Ảnh: NNVN.

Cây điều Bình Phước. Ảnh: NNVN.

Theo ông Bảy Thỏa (ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, Chủ tịch Hội điều Bình Phước), ở tỉnh Phước Long (tỉnh cũ), năm 1956 - 1957 có chuyện dân di cư ở miền Bắc, miền Trung vào nhiều, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thành lập các Dinh Điền phát cho dân mỗi hộ 2 lon (1 lon hạt mít, 1 lon hạt đào) để làm giống xây dựng kinh tế vườn nhà, kiếm kế sinh nhai. Việc này nằm trong chính sách an dân của anh em họ Ngô. Hai loại cây này được trồng xen với nhau, chỉ có điều là lúc cây điều ra hoa kết trái thì dân chỉ biết ăn chơi chứ chưa biết dùng vào việc gì.

Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở Phước Long lúc bấy giờ, bà con dân tộc có tập quán di canh, di cư, người nông dân đốt rừng làm rẫy. Vài ba năm sau, đất bạc màu, cỏ tranh mọc đầy, họ lại bỏ rẫy vào rừng đốn hạ cây cao làm nương mới, cứ như thế mà rừng ngày càng thu hẹp cho đến khi chính quyền có chính sách vận động định canh định cư.

Năm 1977 – 1978, có một số doanh nghiệp mua điều, ông Nguyễn Đăng Kính (ông Bảy Kính khi đó là bí thư huyện ủy), ông Nguyễn Tấn Lực - quyền Chủ tịch, sau này là ông Võ Đình Tuyến - Chủ tịch UBND huyện đã có chủ trương vận động bà con “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng cây khoai mì xen canh với cây điều. Chương trình “tái định cư” lúc bấy giờ là chính sách rất mới đối với đồng bào. Lúc đầu triển khai gặp khó khăn nhưng nhờ có phong trào xung kích của Đoàn Thanh niên (ông Bảy Thỏa khi ấy là Bí thư huyện đoàn) nên chương trình đã đạt được kết quả. Ông kể: “Khi ấy việc trồng điều chỉ là đào lỗ bỏ hạt, kỹ thuật chăm sóc chẳng có gì đặc biệt, phân bón không có, giống cũng không được tuyển chọn nhưng nhờ đất đai màu mỡ nên việc trồng điều vẫn diễn ra tốt đẹp”.

Chính sách định canh, định cư, trồng xen canh điều với cây khoai mì, cây bắp,... lúc đầu làm ở vùng đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơ Me, Mơ Nông, K’Ho,... sau đó lan ra cả vùng dân cư của người Kinh. Đến năm 1989 – 1990, diện tích cây điều ở Phước Long đã lên tới khoảng 100 ngàn ha. Trong thời gian này công nghệ chế biến điều của Việt Nam mới chính thức ra đời. Tuy nhiên, Phước Long cũng chỉ là địa phương cung cấp điều nguyên liệu cho các nơi. Huyện đã thành lập một số hợp tác xã chuyên mua bán kinh doanh điều như Hợp tác xã Phước Bình (chỗ ông Tân, Khang phụ trách), cơ sở Mỹ Lệ ở thị trấn Phước Long, Hợp tác xã Bù Gia Mập do chị Yến làm Chủ nhiệm,...

Mãi đến năm 1994 – 1995, huyện mới có nhà máy điều Thanh Tâm do ông Thanh (Long An) và ông Tâm đầu tư. Trước đó năm 1991 ở Thủ Dầu Một có nhà máy điều của Công ty Lương Thực Sông Bé do ông Vương Hải làm giám đốc, sau này chuyển qua Công ty Thành Lễ (Thalexim). Phước Long sau này cũng có nhà máy khá lớn là Công ty Mỹ Lệ - một thời là niềm tự hào của Đảng bộ và bà con Phước Long.

Ông Nguyễn Văn Thỏa (đứng giữa) trong lần thăm quan công nghệ bóc vỏ hạt điều. Ảnh: NNVN.

Ông Nguyễn Văn Thỏa (đứng giữa) trong lần thăm quan công nghệ bóc vỏ hạt điều. Ảnh: NNVN.

Việc trồng điều theo đánh giá của ông Thỏa, nó không những góp phần làm cho chủ trương định canh định cư của Đảng và Nhà nước thành công ở Bình Phước mà còn góp phần làm ổn định đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa - nơi có đông bà con dân tộc ít người sinh sống; nhiều gia đình sau này đã trở nên khá giả; con em được học hành tử tế; bộ mặt nông thôn thay đổi. Ngoài ra, cây điều còn là cây tái tạo lại chức năng của rừng. Ông Bảy cũng chia sẻ, lúc đầu người nông dân chỉ quan tâm đến điều hạt to, trái nhiều, chứ đâu biết tỉ lệ nhân thu hồi ra sao. Sau này nhờ các nhà máy, nhờ công nghệ chế biến mà giống điều của địa phương ngày càng được tuyển chọn một cách tự nhiên. Hiện nay Bình Phuớc có rất nhiều giống tốt: hạt to mẩy và đều, nhân thu hồi lên đến 33, 34, 35%.

Ông Bảy còn lý giải tại sao thủ phủ cây điều lại ở Bình Phước mà không ở nơi nào khác: đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết và tính cách người dân nơi đây rất phù hợp với cây điều,… - những điều này làm cho hạt điều Bình Phước nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ông còn cho rằng ngành điều Bình Phước là ngành có trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá cao. Ông cũng là người đang đóng góp ý kiến cho một nghị quyết của Tỉnh Ủy Bình Phước về định hướng phát triển cây điều. Trong đó, ông đề xuất phải có chính sách để giữ gìn thương hiệu điều Bình Phước, không để nhầm lẫn với thương hiệu điều của nơi khác như hạt điều châu Phi chẳng hạn. Vì trên thực tế hiện nay cây điều Bình Phước đã trở thành cây đặc sản quốc gia.

Ông cũng góp ý với các doanh nghiệp trong tỉnh nên xây dựng vùng điều nguyên liệu ở Campuchia và vùng hạ Lào vì bạn còn nhiều quỹ đất; hơn nữa bạn đang muốn chuyển đổi diện tích đất trồng cây khoai mì sang cây khác. Ông còn cho rằng vì đất đai, thổ nhưỡng khí hậu và cả giống nữa thì điều Campuchia có rất nhiều điểm tương đồng với điều Việt Nam; hai nước lại có chung đường biên giới, vì vậy việc hợp tác phát triển điều ở Campuchia là rất tốt cho cả hai phía. Ông cũng chia sẻ với tôi một thông tin khá là quan trọng là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đang có kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất từ diện tích trồng cây cao su sang trồng điều và các loại cây khác.

Hôm gặp ông để lấy số liệu viết bài này, dù đã nghỉ hưu và ở tuổi 75 nhưng ông vẫn còn rất sáng suốt và luôn trăn trở với cây điều của quê hương.

Hạt điều Bình Phước. Ảnh: NNVN.

Hạt điều Bình Phước. Ảnh: NNVN.

Nói đến cây điều ở Bình Phước thì có rất nhiều người trồng điều nổi tiếng như anh Võ Minh Chiến - nông dân trồng điều giỏi huyện Bù Gia Mập. Anh Chiến có 117 ha điều ở Đức Hạnh, Phú Văn, một thời được mệnh danh là “Vua điều Việt Nam”.

Hay, anh Dục Quí Đông, một người có cách làm rất hay; anh không có đất để trồng điều nhưng sẵn có kinh tế và vốn, anh đi thuê đất hoặc liên doanh với người dân có đất trồng điều sau này ăn chia sản phẩm. Đến nay anh đã có được trên 100 ha cây điều giống tốt, năng suất cao ở Bù Đốp, Đồng Phú, Phú Giáo.

Hay, ông Điểu Kem - người dân tộc S’tiêng, cư trú tại ấp Bù Ka 2, Xã Long Hà, Huyện Phú Riềng. Ông kể: “cây điều phát triển ở đây từ thời Nhà nước có chính sách “định canh, định cư”. Ông Điểu Kem là già làng, trưởng bản thôn Bù Ka 2. Ông làm bí thư chi bộ hai thôn Bù Ka 2 và Bù măng 3. Ông bảo giống điều vùng này là giống địa phương, hạt không to lắm nhưng được cái đều hạt, tỷ lệ nhân thu hồi lại cao, ăn thơm ngon và béo. Ông Điểu Kem có cách giúp bà con trồng điều của mình thật đặc biệt. Vào vụ điều rụng lá ra bông, ông ứng vốn ứng vật tư, sau đó ông thu lại hạt điều theo giá thị trường. Ông bảo làm như vậy, bà con không bị thiệt thòi, còn mình cũng được hưởng lợi vì có hàng giao cho nhà máy theo hợp đồng. Ông còn bảo “đây là trách nhiệm thôi vì mình là trưởng bản và làm bí thư ở đây nhiều khóa rồi”.

Ông Điểu Kem – người dân tộc S’tiêng, tỷ phú giàu lên từ hạt điều. Ảnh: Bình Phước Online.

Ông Điểu Kem – người dân tộc S’tiêng, tỷ phú giàu lên từ hạt điều. Ảnh: Bình Phước Online.

Ông Nguyễn Minh Trang quê gốc miền Tây ở tỉnh Sóc Trăng. Ông lên Bom Bo lập nghiệp từ sau giải phóng. Ông là một cựu chiến binh, nông dân trồng điều giỏi. Một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh lòng Hồ Thác Mơ là nơi cư ngụ của hai vợ chồng. Ông có cách giữ gìn giống điều Bom Bo thật đặc biệt. Ông bảo hồi còn nhỏ ở quê ông chuyên làm vườn nên chuyện ghép điều với ông không có gì khó. Ông nói: “đối với cây điều, giống là quan trọng nhất”. Ông thấy giống điều Bom Bo là giống tốt (hạt to, nhân đầy ăn lại ngon) nên ông đã vận động bà con quyết tâm giữ lại giống quí cho quê hương. Năm 2017 khi đoàn của chúng tôi lên thăm ông trở về dọc đường ghé thăm vài đồng nghiệp, anh em chế biến điều đều xác nhận hạt điều Bom Bo rất tốt nên giá bán ở thị trường cao hơn nơi khác từ 1 - 2 ngàn đồng mỗi kg.

Nói đến Bom Bo chắc không ai không biết đến bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng thời chống Mỹ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Ông Trang mong muốn, rồi đây điều Bom Bo cũng nổi tiếng như tiếng chày giã gạo trên sóc ngày xưa. Ông thành lập hợp tác xã kiểu mới mang tên “Hợp tác xã Thành Phát” có 147 thành viên với trên 700 ha điều, toàn giống địa phương, hạt to đều, nhân thu hồi rất cao, đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông khoe rằng ông vừa được bà con bầu lại làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã nhưng ông đang lo vì không biết làm thế nào để cho bà con lâu dài sống khỏe với cây điều. Tôi bảo ông nên tìm liên kết sản xuất với một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều làm ăn đàng hoàng là ổn thôi; ông gật gù có vẻ tâm đắc lắm.

Ông Điểu Kem khoe với Tiến sĩ Hoàng Tuấn, Kĩ sư Phạm Văn Đẩu và tôi rằng trước Tết, ông vừa vinh dự được đón đoàn của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên thăm; trước đây ông cũng được đón nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nữa. Ông coi đây là vinh dự rất lớn của đời ông; ông còn vui mừng thông báo bản ông sắp được công nhận là “Ấp Nông thôn mới” – “đường xá, trường trạm đều là từ điều mà ra cả” – ông nói.

Theo Nguyễn Đức Thanh & các cộng sự/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập268
  • Hôm nay41,209
  • Tháng hiện tại816,487
  • Tổng lượt truy cập91,990,216
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây