Mới tiếp xúc, khó ai nghĩ rằng một chàng trai trẻ mới 22 tuổi như Nguyễn Đức Thành đang làm chủ diện tích trồng trọt, chăn nuôi 3,3 ha tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Tham quan một vòng "miệt vườn", chúng tôi khó lòng rời mắt khỏi vườn ổi rộng 3 ha, quả nào quả nấy được bọc rất kỹ lưỡng bằng hai lớp vỏ xốp và bì ni lông. Vú sữa bơ hồng, quýt đường, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh lùn... 3 năm tuổi lác đác cho thu bói. Khắp vườn ken dày màu xanh của cỏ lạc trông vô cùng hút mắt.
Vừa tỉa cành, Thành vừa vui vẻ giới thiệu với phóng viên Báo điện tử Danviet.vn vườn cây ăn trái canh tác theo hướng hữu cơ. Thành bón phân chuồng đã ủ hoai và dùng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Thành đầu tư hoàn toàn hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng. Cỏ lạc cũng được phủ xanh cầu kỳ: "Cỏ lạc vừa tốt đất, tạo sự đa dạng sinh thái và cảnh quan cho khu vườn" – Thành nói.
Khác với bạn bè cùng trang lứa, Thành nghỉ học sớm, ở nhà phụ giúp công việc gia đình từ năm 14 tuổi. Thời gian đầu, Thành mày mò trồng cà phê và tiêu. Nhưng thổ nhưỡng trong vườn là đất sét, đất đá kém dinh dưỡng. Thành kể lại: "Không lâu sau, tiêu chết, cà phê sinh trưởng kém. May bù lại, gia đình có ao nuôi cá. Em lấy khoản đó để tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp".
2 năm đầu bắt tay làm nông nghiệp, Thành dành nhiều thời gian bên chiếc máy vi tính để nghiên cứu các chương trình truyền hình về nông nghiệp trên mạng internet. Qua hướng dẫn, cậu chắt lọc kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng lên mô hình của gia đình.
Sớm nhận thấy tiềm năng của cây ăn trái và xu hướng làm nông nghiệp sạch, Nguyễn Đức Thành một mình xuống tận các tỉnh miền Tây, tìm mua 100 cây ổi lê Đài Loan, 200 cây dừa xiêm xanh lùn, trồng thay thế diện tích cà phê kém năng suất. "Trong vòng 12 tháng, 89 cây ổi sống sót được em chăm bón kỹ lưỡng đã cho thu 2,7 tấn. Trung bình nửa ký mỗi trái. Nói ai cũng không tin" – Thành nhớ lại.
Khởi đầu với những loại cây ăn trái tưởng chừng quen thuộc nhưng Nguyễn Đức Thành không tránh khỏi những hoài nghi khi chọn cách làm nông nghiệp sạch. Với chi phí đầu vào gấp đôi cách trồng bình thường, Thành luôn nhận được câu hỏi: Bán cho ai? Bán với mức giá nào?". Nhiều người cho rằng cậu "trẻ người, non dạ", làm những điều gàn dở.
Từ hơn 1 ha ban đầu, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành đã mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình lên 3,3 ha.
Năm qua, vườn trái cây của Thành cho thu 25 tấn ổi. 300 cây dừa xiêm xanh lùn đang ra bói, ước thu 18-24 buồng mỗi cây/năm. Cá truyền thống (trắm, chép, mè, trôi) các loại đạt 7 tấn, giá bán trung bình 45-50.000 đồng/kg. Thành cho biết: "Riêng lợi nhuận thu về từ các loại cây ăn trái là 200 triệu đồng. Làm sạch, giá bán cao nhưng nhiều lúc vườn em "cháy hàng", không có để bán".
Ngoài đam mê với nông nghiệp sạch, Thành cũng tiết lộ niềm ham thích với những cây, con độc lạ. Từ năm 2018, cậu bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm càng xanh. Sau nhiều lần "mất trắng", cuối năm 2019, Thành đã nuôi thành công 2 tạ tôm càng xanh thương phẩm đầu tiên. Dù tỷ lệ sống chỉ đạt 18% nhưng giá tôm khá cao, từ 400-500.000 đồng/kg.
Tôm càng xanh là loài thủy sản mới tại Tây Nguyên. Sau thời gian thử sức, Thành cho rằng nuôi tôm càng xanh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Quá trình vận chuyển tôm bột dễ chết do sốc nhiệt, lạ nguồn nước. Hiện, Thành đã đầu tư máy đo độ pH, máy kiểm tra NO2, NO3… và tiếp tục xuống giống. 6000 con tôm càng xanh sống sót dự sẽ cho thu đúng dịp cuối năm, giáp Tết nguyên đán 2021.
Ngoài tôm càng xanh, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành đang thử nghiệm trồng giống nho đen không hạt của Trung Quốc và nuôi đà điểu để phục vụ khách tham quan.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã