Học tập đạo đức HCM

Kinh tế hậu Covid-19: Nắm bắt xu thế để “sống chung với lũ” (Kỳ 6)

Thứ hai - 04/05/2020 10:56
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, dịch Covid-19 xảy ra đã và đang tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra xu thế, cơ hội đầu tư mới trên toàn cầu. Quan trọng là chúng ta nắm bắt thế nào với các cơ hội đó để có thể sống chung với dịch bệnh.

Làm để học hỏi, thích ứng và không bị lạc lõng

Việt Nam đã có được những thành công ban đầu trong phòng chống đại dịch Covid-19 và hiện đang nới lỏng dần cách ly xã hội. Theo ông, chúng ta bắt tay vào khôi phục kinh tế ở thời điểm này có phù hợp không, là sớm hay muộn?

- Ngay từ khi dịch bắt đầu có dấu hiệu phức tạp, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa duy trì rồi tiến đến phục hồi kinh tế. Theo đó, khi tình hình trong nước đã dịu xuống, việc nới lỏng ở thời điểm này là cần thiết. Hiện các cấp, ngành, địa phương ở Việt Nam và các nước trên thế giới đều đang xây dựng kịch bản hồi phục kinh tế hậu Covid-19. 

Tuy nhiên, các kịch bản này đều được đưa ra theo giả định thời gian kết thúc dịch bệnh. Nhưng tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang rất phức tạp và thật sự không thể đoán được khi nào mới kết thúc. Vì thế, nếu nói về kinh tế hậu Covid-19, tôi e là hơi sớm, có lẽ chúng ta nên bàn luận đến câu chuyện, làm thế nào để “sống chung với lũ” thì đúng hơn. 

Dịch Covid-19 xảy ra đã và đang tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra xu thế, cơ hội đầu tư mới trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Quan trọng là chúng ta nắm bắt thế nào với các cơ hội đó để có thể “sống” an toàn trong hoàn cảnh này.

 kinh te hau covid-19: nam bat xu the de “song chung voi lu” (ky 6) hinh anh 1

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: P.V)

Ông có thể nói rõ hơn về các xu thế đầu tư mới khi dịch bệnh xảy ra không? 

- Chúng ta cần xây dựng một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh. Điều này đỏi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý của nhà nước, doanh nghiệp lớn nhỏ và từng người dân. Ở đây, không phải nhắc đến tiềm lực tài chính mà đó là sự linh hoạt thích ứng với thị trường và hoàn cảnh mới.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu. Xu thế đầu tư mới có thể thấy rõ nhất lúc này đó là cần quan tâm nhiều hơn đến phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bài học dịch Covid-19 cho thấy các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi chỉ cần bất kỳ bộ phận nào của xã hội dễ bị tổn thương, đặc biệt trước đại dịch này sẽ khiến toàn xã hội trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến kinh tế toàn cầu thay đổi về cách thức phát triển. Xu thế thứ hai mà tôi muốn nói đến đó là chuyển đổi số. Thời dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc trực tiếp được khuyến khích. Kinh tế số, không chỉ thương mại điện tử mà cả trong giáo dục, làm việc văn phòng… có cơ phát triển. Không ít doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ số.

Khi dịch SARS xảy ra tại Trung Quốc năm 2003, Công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma hay gã khổng lồ JD.com đã bật dậy khi người ta hạn chế giao dịch trực tuyến và chuyển đổi sang giao dịch thương mại điện tử.

Hồi tháng 3/2020, Công ty tư vấn Gartner đã tiến hành khảo sát với hơn 800 công ty, trong đó có tới 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu người lao động làm việc tại nhà. Ở Mỹ, gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD cũng có một phần hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.

Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh Covid-19 rất thức thời, bằng chứng là họ tổ chức học, làm việc qua Skype, Zalo, Zoom, Face fanpage. Rồi họ tìm hiểu, mua bán hàng qua trang thương mại điện tử, Facebook… Con cháu tôi đã làm; không phải chúng không có tiền mà chúng làm để học hỏi, thích ứng và để bị không lạc lõng.

 kinh te hau covid-19: nam bat xu the de “song chung voi lu” (ky 6) hinh anh 2

Theo ông Võ Trí Thành, xu thế chuyển đổi số là tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.  

Vì thế, đây là xu thế tất yếu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế là có thể đi cùng thế giới. Dù dịch Covid-19 có xuất hiện hay không, chúng ta vẫn phải đi vào kinh tế số, tuy nhiên khi dịch xuất hiện sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế. Đây cũng là cơ hội để ươm mầm các startup về thương mại điện tử, công nghệ…

Theo ông, chúng ta có nên đáp ứng nhu cầu “cứu trợ” riêng cho một số “ông lớn” hay không?

- Tôi được biết, Chính phủ cũng đã có đề xuất nghiên cứu đánh giá riêng về những tác động của dịch Covid-19 với các doanh nghiệp tư nhân lớn, tập đoàn nhà nước. Theo tôi cũng nên có những hỗ trợ riêng cho những đối tượng này vì khi phục hồi những doanh nghiệp này sẽ có những đóng góp rất lớn cho ngân sách.

Xu thế thứ 3 không thể không nhắc đến đó là tái định hình các chuỗi cung ứng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này.

Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 là làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Các doanh nghiệp thay vì chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả sẽ chuyển sang  tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ.

Trên đây là một số xu thế cơ bản đã và đang diễn ra, chúng ta cần nắm bắt để tìm cơ hội để đầu tư.

Bài học sau đại dịch lần này rất sâu sắc, bởi đây không chỉ là bài học về cuộc khủng hoảng, cách xử lý, phục hồi và bứt phá sau dịch của nền kinh tế, mà nó còn làm xuất hiện những xu hướng mới, phạm trù mới làm thay đổi cách sống và phương thức sản xuất, kinh doanh không chỉ của Việt Nam.

Nên ưu tiên đầu tư lĩnh vực nào?

Vậy theo ông, khi đã nắm bắt được các xu thế trên, chúng ta nên ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nào?

- Trước tiên, chúng ta nên xác định đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng lần này khác rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng kinh tế gần nhất. Vì thế, nếu chỉ áp dụng những gói hỗ trợ và biện pháp kích cầu như hạ lãi suất, giảm thuế, giãn thuế, bơm tiền ra thị trường…như những lần trước có lẽ sẽ không còn phù hợp. Theo đó, đầu tư công lần này cũng phải đi theo hướng khác năm 2009 - thời gian đó, chúng ta cũng đã bơm hàng tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của các năm đọng lại. 

 kinh te hau covid-19: nam bat xu the de “song chung voi lu” (ky 6) hinh anh 3

Theo TS Võ Trí Thành, cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt cần chú ý hơn tới dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm. Đây là một lượng tiền lớn nhưng việc giải ngân nguồn tiền này đang còn chậm. Chính vì vậy, cấp thiết phải giải ngân nhanh. Việc giải ngân nhanh không phải là câu chuyện phát triển trong tương lai mà kéo theo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể các doanh nghiệp được kéo theo như doanh nghiệp trong ngành sắt thép, cát sỏi, ximăng…

Chính phủ đã công bố loạt chính sách hướng tới cả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đây có phải là đòn bẩy cho nền kinh tế Việt trong giai đoạn này? 

- Phòng chống dịch bệnh và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an sinh xã hội.

Phản ứng chính sách, điều hành chung của Chính phủ là kịp thời, tích cực; đặc biệt là hoạt động phòng chống dịch. Trong điều kiện nguồn lực không dư giả, ngân sách còn eo hẹp, nhưng chính sách hỗ trợ về cơ bản vẫn đảm bảo được các mục tiêu là hỗ trợ thiết thực và kịp thời cả quy mô và cách thức. 

Việc giãn, hoãn nộp thuế và trao “tiền mặt” cho khoảng 20 triệu người là chưa từng có tiền lệ song vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ vẫn còn ít nhiều những dư địa chính sách để ứng phó cho những kịch bản khác, có thể là kịch bản xấu nhất trước diễn biến dịch và cả kịch bản hậu dịch để phát triển kinh tế.Việc hỗ trợ từ nhà nước chính là những điều kiện quan trọng “đỡ” cho doanh nghiệp duy trì được “năng lượng” để doanh nghiệp sẽ có thể bật dậy, vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn “hậu” dịch.

Dịch Covid-19 khiến chúng ta gặp khó về giao thương quốc tế. Thưa ông, liệu đây có phải là cơ hội cho chúng ta tập trung phát triển nội lực, gia tăng nguồn cung trong nước, tiêu thụ sản phẩm nội địa?

- Bên cạnh các biện pháp kích cầu, chúng ta cũng cần tìm nguồn cung thay thế để dần dần giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu sản xuất từ thị trường Trung Quốc. Vì thế, như đã nói về xu thế tái định hình các chuỗi cung ứng ở trên, chúng ta cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó là quan tâm là tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mà trước hết tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.  

Có thể xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại, không chỉ tồn tại, mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Đó là việc định vị thị trường, đối tác, xác định cách thức chuyển đổi số, nâng cấp quản trị, trong đó có cả quản trị rủi ro, sáng tạo sản phẩm, đào tạo kỹ năng mới cho người lao động…

Giãn cách xã hội đã được nới lỏng, vậy đã là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam kết thúc “kỳ nghỉ đông” chưa? Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp lúc này?

- Gói hỗ trợ rất quan trọng lúc này, vì thế các doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin để tận dụng có hiệu quả.

Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị để từ đó đưa ra quyết định, tập trung vào dữ liệu thay vì cảm xúc. Hệ thống quản trị này có thể gồm ba cấp độ, bao gồm ngắn hạn để xử lý các vấn đề về nhân sự và công việc hàng ngày; trung hạn nhằm ra kế hoạch dự trữ tiền mặt và kế hoạch sa thải; dài hạn nhằm tính toán các tác động kinh tế lớn. Nên cắt giảm những chi phí không cần thiết, hoãn việc mở rộng doanh nghiệp và các chi phí tài sản cố định, và giảm lương cố định.

Hãy tìm ra một luồng lợi nhuận tạm thời mới, đơn cử như tạo ra các dự án công nghệ ngắn hạn hoặc có thể quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu… Các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, hoặc bánh mì thanh long là một trong những ý tưởng tuyệt vời để có nguồn thu nhập ngắn hạn lúc này.

Đặc biệt, cần tính toán đến rủi ro hoạt động. Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, các nhà sáng lập doanh nghiệp nên nỗ lực duy trì và tối ưu hoá. Cho dù hệ thống này đã có nhưng chắc chắn không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Do đó, doanh nghiệp nên thiết lập phương pháp mới, tập trung vào các biện pháp vệ sinh và an toàn cần thiết để bảo vệ con người, tài chính, công nghệ và hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Hãy điểm lại kế hoạch kinh doanh của mình để đảm bảo rằng khoảng thời gian sống sót mà không có doanh thu trong vài tháng tới. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu xem năng lực cung ứng hiện tại của mình thế nào và khả năng cung ứng của đối tác cho mình ra sao. 

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với bản tính sáng tạo, nhanh nhẹn nắm bắt xu thế, doanh nghiệp Việt cũng sẽ  thích ứng và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng những giải pháp đúng đắn và quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra. Với kết quả này, hiện các ngành nghề kinh tế cũng đang  bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 sau khi bị dịch bệnh này giáng những đòn nặng nề.

Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra những gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, ngành nghề nhắm thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, muốn nền kinh tế "bật như lò xo" sau dịch, cần phải hành động quyết liệt, kịp thời và đúng đắn. Điều này  là thách thức không nhỏ cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế.

Loạt bài "Liều thuốc đặc hiệu cho kinh tế thời hậu Covid-19?"  giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những hậu quả nặng nề doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu do Covid-19 gây ra, họ đã chuẩn bị những gì sau thời gian "ngủ đông" vừa qua, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc hồi phục lại nền kinh tế, đề xuất của các chuyên gia về những "liệu thuốc" đặc hiệu - giải pháp cấp bách, cần thiết ngay lúc này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập952
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại764,561
  • Tổng lượt truy cập93,142,225
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây