Liên quan đến việc TP.Cần Thơ có phương án chi gần 30 tỷ đồng cho kế hoạch diệt chuột trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) gây xôn xao dư luận vài ngày qua, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bên lề hội nghị "Sơ kết trồng trọt vụ đông xuân 2020-2021, triển khai sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2021 tại Nam Bộ" được tổ chức tại TP Cần Thơ sáng nay (24/3).
Theo đó, ông Thiệt cho rằng, TP Cần Thơ có kế hoạch chi gần 30 tỉ đồng để diệt chuột là "không lớn" bởi đây là kế hoạch tổng hợp nhiều giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng bẫy cây trồng.
"TP Cần Thơ dự báo trong tương lai, chuột là loài gây hại nặng, có thể thành dịch. Do đó đưa ra kế hoạch như vậy là đúng với quan điểm chỉ đạo của ngành, quá tốt" - ông Thiệt nói.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói thêm: "Cần Thơ có khoảng 77.000ha diện tích gieo trồng lúa, nếu xảy ra dịch thì số tiền như vậy không đáng là bao để xây dựng biện pháp tổng thể để diệt chuột".
Khi phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi, các địa phương khác ở ĐBSCL vẫn làm tốt công tác diệt chuột nhưng kinh phí không nhiều như ở TP Cần Thơ, ông Thiệt cho rằng do những địa phương này nhận định chuột là đối tượng chưa gây hại thành dịch trong thời gian tới nên chưa dự trù kinh phí để xây dựng chương trình quản lý.
"Trước đây có lũ về thì ngập hết đồng ruộng, chuột sẽ tìm những mô đất cao hay gò nông dân bắt tiêu diệt dễ dàng. Nay không có lũ chuột phân bố đồng đều ra. Loài chuột sinh sản theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý thì chắc chắn thiệt hại lớn" - ông Thiệt thông tin thêm.
Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 22,5 tỉ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố chi, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Kinh phí gần 30 tỉ đồng trên dùng vào việc tập huấn nông dân diệt chuột. Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc.
Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.
Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch diệt chuột, TP.Cần Thơ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo.
Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.
Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nông dân, UBND các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên.
Phóng viên Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh vụ việc này.
Theo Huỳnh Xây/danviet.vn
https://danviet.vn/pho-cuc-truong-cuc-bao-ve-thuc-vat-le-van-thiet-ke-hoach-chi-gan-30-ti-dong-diet-chuot-khong-lon--20210324123524424.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã