Học tập đạo đức HCM

Sức khỏe đất, thực tiễn và hành động Sức khỏe của đất đang trong tình trạng phải... đi cấp cứu!

Thứ hai - 09/11/2020 09:42
Không phải chỉ là ốm sơ sơ kiểu “hắt hơi sổ mũi” nữa mà sức khỏe của đất thời gian gần đây đã tụt dốc không phanh, đang ở mức cần phải cấp cứu…
Lấy mẫu đất. 

Lấy mẫu đất. 

TS Nguyễn Xuân Lai, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ NN-PTNT, bày tỏ lo ngại về "sức khỏe đất" hiện nay.

Nông nghiệp bền vững phải bắt đầu từ đất

Tại sao các tỉnh, thành vừa rồi lại đặt hàng với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để kiểm tra “sức khỏe” của đất sản xuất nông nghiệp thưa ông?

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định liên quan đến quản lý đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều Thông tư chủ yếu quy định về quản lý tài nguyên đất. Chính phủ đã ban hành Nghị định 35, Nghị định 62 quy định về quản lý đất trồng lúa, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng đất và nâng cao độ phì nhiêu đất trồng lúa. Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt, trong đó có các điều khoản quy định rất rõ về sử dụng và bảo vệ đất canh tác.

Đó là sau thời gian dài thâm canh tăng năng suất, do sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đất sản xuất nông nghiệp đang bị thoái hóa, sức sản xuất của đất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần.

Nhìn thấy vấn đề, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Sở NN-PTNT một số tỉnh, thành đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cần thiết phải đánh giá lại chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở cho việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt và quản lý, cải tạo nâng cao độ phì nhiêu đất. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi lượng kinh phí lớn không phải địa phương nào cũng thấy được vấn đề và đủ khả năng đầu tư thực hiện.

Hiện nay, khoảng 60% dân ta là nông dân, sống dựa vào đất, muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững, cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nông dân ngày càng tiến lên thì phải thấy được vai trò rất quan trọng của đất và sự trường tồn của nền nông nghiệp truyền thống dựa vào đất bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới.

Viện chúng tôi chỉ là một trong các đơn vị tư vấn, nhà thầu tham gia tuyển chọn, đấu thầu thực hiện theo quy định, ít khi được giao trực tiếp.

TS Nguyễn Xuân Lai. Ảnh: NNVN.

TS Nguyễn Xuân Lai. Ảnh: NNVN.

Có những tỉnh, thành nào đã hoặc đang đặt Viện để làm phân tích đất thưa ông?

Viện đã thực hiện và tham gia thực hiện cả đề tài và dự án tại các tỉnh Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên và sắp tới là Đồng Tháp. Một số tỉnh chỉ làm trên đất trồng lúa, còn lại làm cho toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như Hà Nội yêu cầu đánh giá chất lượng của tất cả các loại đất nông nghiệp gồm đất chuyên lúa, lúa màu, đất trồng cây ăn quả trên quy mô lớn nhất, với số kinh phí nhiều nhất. Tuy nhiên, đầu tư của Hà Nội cũng chưa thể làm chi tiết đến mức ô thửa như ngày xưa đã làm. 

Quy mô và độ chi tiết phụ thuộc vào ngân sách của các tỉnh, thành. Nếu làm chuẩn chỉ từ đầu đến cuối cho mỗi ha tối thiểu phải mất 500.000đ nên chúng tôi phải kế thừa các nghiên cứu của ngành Tài nguyên Môi trường dù nó không liên quan nhiều đến sản xuất nông nghiệp và một số nghiên cứu trước đây thì mới đủ kinh phí để làm. Sản phẩm cuối cùng hiện nay là bộ dữ liệu về đất đai bao gồm các bản đồ đất, bản đồ đơn tính (khí hậu, địa hình, ngập lụt…), bản đồ đơn vị đất đai, bản đồ nông hóa, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ phương án sử dụng đất, sơ đồ bón phân…

Trong suốt thời gian dài, ta ít quan tâm đến đất sản xuất nông nghiệp, không đánh giá định kỳ chất lượng đất, độ phì nhiêu đất. Do vậy không có biện pháp bảo vệ và cải tạo đất phù hợp. Bao nhiêu năm nay, chúng ta thâm canh chạy theo năng suất, sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học và ít dùng phân hữu cơ. Bởi thế đất thoái hóa. Thứ nhất là thoái hóa về vật lý, đất không còn tơi xốp mà chặt lại, chai cứng, kết cấu thay đổi. Thứ hai là thoái hóa về hóa học, một số dinh dưỡng trong đất mất cân đối như thừa lân, thiếu kali, thiếu vi lượng, bị ô nhiễm kim loại nặng, nước tưới bẩn trên các lưu vực sông. Thứ ba là thoái hóa về sinh học khi số lượng sinh vật có hại nhiều hơn sinh vật có lợi.

Sức khỏe đất liên quan đến cả ba yếu tố ấy. Nhưng tại các địa phương chúng tôi đã và đang làm, chủ yếu quan tâm đến vật lý và hóa học đất, chưa làm về sinh học đất bởi phụ thuộc vào kinh phí. Sinh học đất giờ chỉ được quan tâm ở những vùng đang có vấn đề về bệnh trong đất, tuyến trùng trên cây tiêu, cà phê…

Lấy mẫu đất. 

Lấy mẫu đất. 

Vậy nói một cách dễ hiểu thì sức khỏe của đất đang ở mức “hắt hơi sổ mũi” hay đã ở mức cần phải cấp cứu rồi thưa ông?

Theo tôi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta đang ở trong tình trạng cần phải cấp cứu rồi. Vậy nên Chính phủ mới quy định trong Luật đất đai 2013, Luật Trồng trọt năm 2018 cứ 5 năm phải kiểm tra đất một lần để có biện pháp bảo vệ và cải tạo.

Chuyện tình cây và đất thời nay

Từ chất lượng đất kém như thế thì nó ảnh hưởng ra sao tới cây trồng?

Đầu tiên là khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm, mất cân đối với cây nên phải bón nhiều phân mới cho năng suất. Tuy nhiên bón phân hiện nay chủ yếu không dựa vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây, do vậy có yếu tố thừa, có yếu tố thiếu, có yếu tố thì không bón. Bởi thế, năng suất của cây trồng có khả năng cao đấy nhưng chất lượng chưa hẳn đã cao, sâu bệnh phát sinh nhiều và tác động đến môi trường.

Thoái hóa đất gây mất cân đối dinh dưỡng, khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm khiến nông dân phải bón nhiều phân hóa học càng gây thoái hóa đất nhất là bón nhiều đạm ảnh hưởng đến kết cấu đất, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là đến nước ngầm, phát thải khí nhà kính. Giải pháp cho việc này là phải bón phân dựa vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, nhu cầu của cây, bón cân đối dinh dưỡng giữa phân bón vô cơ với hữu cơ.

Không chỉ chất lượng kém, đất còn đang bị ô nhiễm thế nào thưa ông?

Thứ nhất là ô nhiễm do bón dư thừa phân bón vô cơ. Chẳng hạn, bón thừa đạm hóa học trong đất nó phân giải thành NO3, NH4, nếu tích lũy nhiều trên cây sẽ độc cho người sử dụng bởi gây tiêu chảy hay ảnh hưởng đến thần kinh, các chất đó còn chảy xuống nước ngầm gây ô nhiễm. Thứ hai là ô nhiễm do kim loại nặng. Hiện nay nhiều vùng đất nông nghiệp phải tưới bằng nước sông mà sông ô nhiễm các kim loại nặng do các khu công nghiệp thải ra, tích lũy trong cây nhất là đối với các loại rau màu. Thứ ba là ô nhiễm sinh học tức là mật độ các vi sinh vật có hại cao hơn có lợi…

Đất xấu nằm rải rác, xen kẽ nhau chứ không tập trung vào một huyện, một tỉnh. Ngay cả một xã nếu thâm canh, bón phân cân đối thì đất vẫn tốt nhưng một xã bên cạnh cũng thâm canh nhưng không bón phân cân đối thì đất lại xấu.

TS Nguyễn Xuân Lai

TS Nguyễn Xuân Lai - Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa. Ảnh: NNVN.

TS Nguyễn Xuân Lai - Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa. Ảnh: NNVN.

Ngành Khoa học đất bị rẻ rúng, dần mất gốc

Theo ông tại sao sinh viên không vào học nông hóa, thổ nhưỡng?

TS Nguyễn Xuân Lai: Cấp đại học duy nhất có Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo thổ nhưỡng còn Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bỏ từ lâu rồi. Thứ nữa, học xong ngành ấy ra trường xin về đâu? Khoa học đất phải về các đơn vị nghiên cứu cơ bản là chính, tức các viện chứ ra ngoài rất khó xin việc. Bởi thế mà sinh viên không vào học mà không vào thì trường không đào tạo được.

Cả nước có mỗi Viện Thổ nhưỡng Nông hóa là nghiên cứu về đất nhưng ngay cả đơn vị chúng tôi trong thời gian vừa qua cũng không có ai học đại học về khoa học đất và nông hóa, mà phải tự đào tạo là chính bằng cách học sau đại học chuyển đổi, bằng cách học qua công việc, bằng cách đọc thêm tài liệu, tuy vậy vẫn là dạng mất gốc.

 

Những băn khoăn về nông nghiệp hữu cơ

Có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng đều than phải bỏ hoang bao nhiêu năm thì đất mới bớt đi ô nhiễm, ý kiến của ông ra sao về chuyện này?

Theo tôi thì để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ không có nghĩa là phải bỏ hoang đất một thời gian mà cứ sản xuất đi, trong giai đoạn chuyển đổi này hãy trồng cây nhưng không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc hóa học để làm sạch đất và vẫn có nguồn thu. Sau hai, ba năm thì hãy làm hữu cơ.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ theo tôi đang rất thiếu, như than bùn nếu khai thác thì nó sẽ tác động đến rừng, đến môi trường, trong khi đó nguồn phế thải cực lớn nhưng chưa tận dụng được. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ xử lý chất thải cho các doanh nghiệp.

Phân hữu cơ hiện nay chưa chắc đã hoàn toàn hữu cơ, như xử lý rơm rạ dùng chế phẩm vi sinh nhưng vẫn phải có chút ít đạm hóa học để nuôi vi sinh vật, tương tự thế xử lý than bùn, phế thải vẫn phải có một ít đạm hóa học, vậy có được công nhận không? Ngược lại phân lợn bảo là hữu cơ cũng không đúng vì lợn bây giờ ăn thức ăn công nghiệp, dùng thuốc kháng sinh chứ không phải là ăn rau bèo, cám bã như ngày xưa. Do vậy đừng có cực đoan quá. Nhà nước phải có tiêu chí chứ cứ bảo hữu cơ phải 100% nguyên liệu từ hữu cơ là rất khó. Theo tôi, hiện nay nên tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng vừa góp phần cải tạo đất.

-------------------------------------------------

ThS Lê Thị Mỹ Hảo - Trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.

TS Nguyễn Xuân Lai và ThS Lê Thị Mỹ Hảo - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: NNVN.

TS Nguyễn Xuân Lai và ThS Lê Thị Mỹ Hảo - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: NNVN.

Cụ thể đề tài nghiên cứu về đất của Hà Nội bắt đầu từ năm nào, với mục tiêu gì thưa bà?

Đề tài bắt đầu từ năm 2016, lúc đó thí điểm làm ở ba huyện là Ứng Hòa, Phúc Thọ và Sóc Sơn đến nay mở rộng đã đánh giá đất sản xuất nông nghiệp cho 17 huyện và 1 thị xã là Sơn Tây. Xưa các tỉnh, thành hầu hết đều có các trạm nông hóa thường xuyên đánh giá đất theo chu kỳ 5 năm một lần nhưng 30 năm nay các trạm này đã bị xóa bỏ nên không còn địa phương nào đánh giá đất một cách đồng bộ như vậy nữa. Bởi thế Hà Nội muốn xác định lại chất lượng đất ra sao, biết các yếu tố hạn chế để quản lý và sử dụng có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng và ổn định năng suất cho nông sản của thành phố.

Đơn vị của bà đã phân tích tất cả bao nhiêu mẫu và xem xét ở những chỉ tiêu gì?

Tổng thể chúng tôi phân tích hai dạng mẫu, về thổ nhưỡng đào sâu từ 1,2m-1,5m để lấy khoảng 400 mẫu phẫu diện phân loại các nhóm đất, về nông hóa đào nông hơn, ở tầng mặt lấy khoảng 20.000 mẫu để phân tích các chỉ tiêu độ phì của đất.

Kết quả đánh giá đến nay như thế nào thưa bà?

Kết quả xây dựng bản đồ thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thuộc 7 nhóm đất chính: Nhóm đất cát; Nhóm đất phù sa; Nhóm đất lầy; Nhóm đất xám bạc mầu; Nhóm đất đỏ vàng; Nhóm đất dốc tụ và nhóm đất xói mòn. Trong đó diện tích nhóm đất phù sa là lớn nhất khoảng 93.000 ha, nhóm đất xám bạc mầu đứng thứ hai với diện tích khoảng 39.000 ha, nhóm đất xói mòn có diện tích thấp nhất khoảng 175 ha đây cũng là nhóm đất có chất lượng đất thấp nhất.

Khi so sánh với những số liệu trước đây xu thế chung có sự suy giảm về hàm lượng kali tổng số và kali dễ tiêu trong đất ở nhóm đất phù sa sông Hồng là vùng trước đây thường xuyên có nước dâng lên hay được tưới bằng nước phù sa sông Hồng. Có mức độ biến động dương về hàm lượng lân trong đất đặc biệt trong nhóm đất xám bạc mầu trước đây có hàm lượng lân rất nghèo.

Với thực tế, gần 30 năm nay chưa có điều tra, đánh giá, phân tính chất đất một cách đồng bộ trên toàn địa bàn của Thành phố Hà Nội. Trong 30 năm đó, vấn đề về lạm dụng phân bón vô cơ làm thay đổi các tính chất lý hóa học của đất, dẫn tới một số vùng đất bị thoái hóa, một số vùng bị phú dưỡng, ô nhiễm… Cơ cấu cây trồng thay đổi, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất nhưng lại chưa được đánh giá về mức độ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên còn nhiều bất cập.

Diện tích đất nông nghiệp tăng hơn 4 lần trước khi Hà Nội được mở rộng vào tháng 8/2008. Bên cạnh đó công tác dồn điền đổi thửa tại thành phố đã hoàn thành cũng cần thiết phải có cái nhìn tổng thể cho toàn thành phố về chất lượng đất sản xuất nông nghiệp. Việc lập quy hoạch đầu tư phát triển từng loại cây trồng nhất là các cây trồng có giá trị hàng hóa cao theo thế mạnh của từng huyện phải được nghiên cứu đến cấp xã và có sự tham gia trực tiếp của các hộ dân tại địa phương. Nhất là chọn vùng thổ nhưỡng, quy mô, giải pháp phát triển các cây trồng này cần sát thực tế, có cơ sở khoa học và mang tính khả thi cao.

-------------------------------------------------

Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay32,489
  • Tháng hiện tại986,301
  • Tổng lượt truy cập92,160,030
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây