Tìm về xã Hà Sơn (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) những ngày cuối tháng 6, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN hỏi thăm về mô hình trồng nấm linh chi, nấm sò… của gia đình anh Phạm Văn Sinh (SN 1987, thôn Quý Sơn, xã Hà Sơn) và được người dân nơi đây chỉ dẫn nhiệt tình.
Trực tiếp, phóng viên về thăm, tìm hiểu mô hình trồng nấm nhà anh Phạm Văn Sinh vào khoảng 10 giờ sáng, nhưng nhiệt độ nơi đây đo được gần 34 độ C.
Ông Phạm Văn Hải (bố anh Phạm Văn Sinh) cho biết: "Cả tháng qua, thời tiết tại tỉnh Thanh Hóa nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ lên trên 40 độ C. Vì nắng nóng, nên hầu hết công việc trồng nấm của gia đình đều phải dừng lại, mong "ông trời" hạ nhiệt để bà con chúng tôi tiếp tục sản xuất".
Quan sát của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, những bịch túi bóng khô cằn, bên trong chứa đựng phân hữu cơ dùng để xản xuất nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ… nhưng vẫn đang nằm "bất động" trên các giàn.
Tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Phạm Văn Sinh nói: "Như mọi năm, với diện tích khoảng 200 m2 hầu như tôi đặt kín bịch túi bóng để trồng nấm, nhưng 2 tháng nay, tôi không sản xuất do thời tiết nắng nóng kéo dài".
Được biết, mô hình trồng nấm của anh Sinh triển khai tại thôn Quý Tiến (xã Hà Sơn) được 5 năm. Đây là mô hình mới đang tạo công việc cho 8-10 lao động địa phương khi bước vào vụ chính trồng nấm, với mức lương từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày.
Cũng theo anh Phạm Văn Sinh: "Trồng nấm linh chi, nấm sò, mục nhĩ… bước đầu rất khó khăn, nhưng nếu nắm được kỹ thuật thì cây nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, giá bán đối với nấm linh chi 800.000 đồng/kg, nấm sò tươi 20.000 đồng/kg, mộc nhĩ khô 90.000 đồng/kg… Trừ mọi chi phí năm thu lời hơn 100.000.000 đồng".
Để tạo nên các loại giống nấm, anh Phạm Văn Sinh bật mí, trước tiên phải chuẩn bị thân cây sắn (cây khoai mì) phơi khô, cho vào ngâm nước vôi qua 1 đêm. Tiếp theo cho bột ngô vào đánh đều, cuối cùng cho vào nồi hấp khoảng 1 ngày sẽ tạo nên loại nấm theo ý muốn.
Đồng thời, nguyên liệu để tạo chất cho nấm phát triển gồm có mạt cưa, vôi, lân thao, bột ngô. Tỷ lệ pha trộn cụ thể như sau: Đối với 1 khối mạt cưa thì cho 10 kg vôi, 5 kg lân thao, 5kg bột ngô.
Thời gian chăm sóc các loại nấm thường khoảng 3 tháng là cho thu hoạch. Ngoài ra, người trồng nấm cần chú ý tưới nước 2 lần/ngày để tạo môi trường ẩm cho nấm phát triển.
"Kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm đơn giản, không tốn nhiều thời gian có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động phụ trong gia đình trồng nấm nâng cao thu nhập. Nếu tới đây có thêm nguồn vốn, tôi sẽ đầu tư hệ thống làm mát tự động và mở rộng diện tích để phát triển thêm mô hình", anh Phạm Văn Sinh cho biết thêm.
"Thời tiết nắng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Chúng tôi khuyến cáo bà con nên bảo vệ sức khỏe, cũng như vật nuôi, cây trồng… Riêng mô hình trồng nấm nhà anh Phạm Văn Sinh đang được người dân, địa phương chúng tôi rất quan tâm, tạo điều kiện để hướng tới đa đạng hóa ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng mô hình trồng nấm nhà anh Sinh để hướng tới tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP", ông Phạm Văn Định-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết.
Theo Vũ Thượng-Hữu Dụng/danviet.vn
https://danviet.vn/thanh-hoa-nang-nong-keo-dai-nam-heo-nguoi-trong-cung-heo-theo-20200626150613348.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;