Học tập đạo đức HCM

10 năm đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh: Chậm và lãng phí

Thứ ba - 26/03/2013 22:04
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dù đã mang tên gọi mới, song hình thức hoạt động của một số đơn vị vẫn không khác mấy so với trước khi sắp xếp, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm mô hình quản lý phù hợp hơn.

Những thay đổi tích cực

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW vừa diễn ra tại Hà Nội, dự thảo báo cáo cho thấy, đến nay, các N-LTQD đã hoàn thành việc rà soát chức năng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty nông nghiệp (CTNN), lâm nghiệp và nay là công ty TNHH một thành viên nông nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, giải thể những DN làm ăn thua lỗ kéo dài hoặc chỉ có nguồn thu là cho thuê lại đất. Cụ thể là từ 185 nông trường, CTNN, nay đã sắp xếp còn 145 công ty, giảm 40 đầu mối (không tính các CTNN thuộc Bộ Quốc phòng).

Trong đó, 105 CTNN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, khi thực hiện Nghị định 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ, đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Đây chủ yếu là các công ty chuyển đổi từ các NT chuyên canh cao su, càphê, có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, sau chuyển đổi đã tập trung đầu tư thâm canh diện tích vườn cây đã trồng gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến. Hầu hết các công ty loại này đều có chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh (SXKD), một số đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nên tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị cao. 

Ngoài ra, có 37 công ty chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có 4 công ty cao su được thí điểm cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến, còn lại là các NT sản xuất cây hàng năm, chăn nuôi và một số NT chè. Sau khi chuyển đổi, hầu hết các công ty cổ phần đã tự chủ trong SXKD và đạt kết quả tốt hơn trước khi cổ phần hóa. 

Dự thảo báo cáo cũng cho biết, đã giải thể 22 NT, công ty, trạm trại vì thua lỗ nhiều năm không có khả năng khắc phục; 2 công ty thành lập mô hình mới là công ty TNHH 2 thành viên trở lên; 1 công ty giữ nguyên mô hình liên doanh (Công ty Chè Phú Đa). Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp đã xuất hiện một số mô hình khác, như trong CTNN có Ban quản lý rừng (BQL), có cả trạm, trại… 

Đến nay, các đơn vị cũng đã tiến hành rà soát trên sổ sách và bản đồ, làm rõ thêm hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai, tài sản trên đất, lập quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án SXKD, qua đó cho thấy hơn 30.618ha đang bị tranh chấp, lấn chiếm; 2.454ha đang cho thuê, cho muợn. Cả nước cũng mới cấp được 1.727 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các CTNN với diện tích trên 280.440ha (chiếm 44,45% tổng diện tích). 

Sau sắp xếp đã xác định diện tích đất chưa sử dụng là 59.154ha, tăng 44.091ha so với trước khi sắp xếp, chủ yếu là các loại đất không có khả năng canh tác (tập trung phần lớn ở các DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam). Từ năm 2003 đến nay, diện tích đất dự kiến giao về địa phương khoảng 113.985ha, nhưng thực tế mới bàn giao tại thực địa khoảng 60.000ha, đạt 60%. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính và tổng hợp báo cáo của các đơn vị, hiện tổng giá trị tài sản của các CTNN là 26.698.948 triệu đồng, bình quân mỗi CTNN có 141.044 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận của các công ty cao su tăng nhanh nhất. Kết quả SXKD của 26 DN thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho thấy: doanh thu năm 2011 tăng gấp 2,3 lần so với trước khi sắp xếp (28.529/12.367 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế tăng 3,05 lần; nộp ngân sách tăng 2,35 lần. 

Đáng ghi nhận là sau sắp xếp, thu nhập bình quân của người lao động trong các công ty tăng lên, ví dụ: từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng đối với càphê, cao su, nay tăng lên 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/người/tháng ở các công ty chè, chăn nuôi nay tăng lên 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. 

Gỡ “nút thắt” thế nào?

Thực tế cho thấy, đến nay, nhiều DN thực chất mới thực hiện được việc đổi tên chứ chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị DN, khiến việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, việc rà soát đất đai ở nhiều CTNN, LTQD chưa được thực hiện trên thực địa, chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại, tranh chấp kéo dài về đất đai; hiệu quả giao khoán đất, giao khoán vườn cây còn thấp; vẫn có nơi đất sản xuất để hoang hóa, gây lãng phí nguồn tài nguyên. 

Thậm chí ở một số nơi, chính quyền địa phương thiếu quan tâm sâu sát tới quản lý đất đai, phó mặc cho CTNN tự quản lý và sử dụng. Hậu quả là diện tích đất tranh chấp, bị lấn chiếm có nguy cơ tăng cao hơn so với trước. Một số đại biểu cho biết, phần lớn các công ty lâm nghiệp hiệu quả SXKD rất thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài; BQL rừng thì hoạt động kém hiệu quả; các công ty lâm nghiệp chưa thực hiện được vai trò làm điểm tựa cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Đây cũng được xem là những “nút thắt” lớn nhất mà các CTNN cần tìm cách tháo gỡ. 

Tại Gia Lai, trước khi sắp xếp đổi mới, tỉnh này có 5 NT, xí nghiệp, 15 LT, 16 BQL rừng phòng hộ, 1 vườn quốc gia và 1 khu bảo tồn. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, quản lý 143.506ha rừng; 3 công ty TNHH một thành viên nông nghiệp, quản lý 3.713ha; 20 BQL rừng phòng hộ, quản lý 305.165ha và khoảng 344.463ha do các xã quản lý. 

Tuy nhiên, ông Lê Văn Cậy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng cho biết: “Hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu, nhưng cơ chế vẫn như trước đây là nửa kinh doanh, nửa công ích, khai thác gỗ và lâm sản do Nhà nước giao. Vì vậy Công ty không chủ động trong SXKD, không tự chủ được tài chính. Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn để đầu tư trồng rừng sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết các đơn vị không có tài sản thế chấp, trong khi vốn nhà nước đầu tư nhỏ giọt, ngay cả việc quy hoạch cắm mốc ranh giới đất đai cũng không thể thực hiện vì thiếu kinh phí”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn thì sau 10 năm sắp xếp, đổi mới, các N-LTQD vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. Cho đến nay, nhiều đơn vị vẫn đang loay hoay tìm mô hình quản lý thích hợp, hệ quả là việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng chưa thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nêu ý kiến: Từ năm 2008 đến nay, Bình Phước đã sáp nhập 8 BQL rừng, 4 công ty cao su với diện tích khoảng 82.600ha và trong quá trình sáp nhập đã xuất hiện một loại hình công ty vừa SXKD, vừa làm nhiệm vụ công ích. Nhưng đáng lưu ý là tại những nơi do BQL rừng quản lý, diện tích rừng vẫn giảm, chủ yếu là do người dân vào phá rừng, chiếm đất (mỗi năm giảm 50 – 80ha). Còn những diện tích đất lâm nghiệp do các công ty cao su quản lý thì làm ăn bài bản hơn, có đầy đủ hồ sơ, quản lý một cách chặt chẽ. Họ điều hành tốt kể cả diện tích rừng được giao bảo vệ, lẫn rừng cao su, nhất là thu nhập của người lao động đã tăng lên so với trước khi sắp xếp, bình quân đạt 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. 

“Hiện, tỉnh Bình Phước còn 3 BQL rừng nhưng hoạt động rất khó khăn, phức tạp, có đơn vị hồ sơ quản lý vô cùng lỏng lẻo. Điều đó cho thấy, hiệu quả của 2 mô hình trên rất khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Trung ương cho tiếp tục sáp nhập các BQL rừng vào công ty cao su, dựa vào thế mạnh của cây cao su để quản lý, phát triển rừng; đề nghị công nhận loại hình công ty vừa SXKD, vừa làm nhiệm vụ công ích (giữ rừng, giao đất rừng cho người nghèo, người không có đất sản xuất). Các công ty này phải được hạch toán, khấu trừ chi phí vào lợi nhuận sau thuế. Ngoài ra, cũng cần có chiến lược kinh doanh cụ thể, nhằm giảm áp lực cho những địa phương làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng”, ông Lợi thẳng thắn nói. 

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho biết: “Là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước nhưng Quảng Bình cũng chịu rất nhiều sức ép trước nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ rừng, bởi địa bàn phức tạp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng… nằm xen kẽ lẫn nhau. Do đó, để bảo vệ rừng hiệu quả, nên giao diện tích rừng cho các đơn vị có tiềm lực kinh tế hơn là tiếp tục giao cho các BQL yếu kém. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng nhằm nâng cao đời sống của họ. Hiện nay, mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng là quá thấp. Thực tế là nơi nào người dân được hưởng các quyền lợi, thì họ sẽ không phá rừng”. 

Còn đại diện Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội thì nhấn mạnh: “Thực tế là những công ty N - LN nếu đổi mới nhiệm vụ SXKD theo hướng tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường sẽ đem lại thành công. Theo tôi, điểm mấu chốt chính là việc DN phải có hoặc gắn kết được với cơ sở chế biến”.

 

Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển các N-LTQD có nhiều vấn đề cần làm, khó nhưng không thể không làm. Yêu cầu tiên quyết đặt ra là đất đai và rừng phải có người quản lý, không thể để tình trạng không ai quản lý, quản lý không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để xảy ra thất thoát.

Theo Phó thủ tướng, trước hết cần gắn quyền lợi với trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý này, từ đó xử lý hài hòa lợi ích nhà nước, DN và người dân. Về quy hoạch sử dụng đất, Phó thủ tướng đề nghị cần phân loại rừng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng phương án đo đạc, cắm mốc, kiểm kê đất, xử lý các tồn tại về đất đai, xây dựng mô hình phù hợp.

“Về nguyên tắc, không nên cứng nhắc theo một loại hình, mô hình nhất định nào. Nếu cứng nhắc một mô hình nào đó, rất có thể đúng chỗ này nhưng không đúng chỗ khác, do vậy tùy thuộc vào tình hình thực tế để có mô hình và phương thức quản lý phù hợp”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Qua thực tế ở nhiều địa phương, có thể khẳng định nếu công ty nông, lâm nghiệp có cơ sở chế biến sản xuất gắn kết với người dân, người lao động, có hỗ trợ đầu vào, đầu ra, có hình thức bao tiêu sản phẩm thì sẽ thành công, DN làm ăn hiệu quả, đảm bảo đời sống người dân được nâng lên.

“Cũng cần có thay đổi căn bản về cơ chế chính sách vì còn nhiều bất cập so với thực tiễn, chẳng hạn như cơ chế chính sách đối với rừng nghèo kiệt, chính sách thuế, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, vốn cho DN… Đối với những cơ chế chính sách trong thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, hoàn toàn có thể tập trung nghiên cứu để ban hành sớm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN”, Phó thủ tướng nói.

Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập303
  • Hôm nay45,088
  • Tháng hiện tại820,366
  • Tổng lượt truy cập91,994,095
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây