1. Rừng “chảy máu” cùng nỗi lo “bà hỏa”
Những con số đau lòng
Vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại 2 tiểu khu 198 và 204 thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang vào tháng 12/2012 thêm một lần nữa gây xôn xao dư luận. Trên 50 ha rừng pơ-mu (thuộc nhóm 2A) bị đốn hạ với số lượng gỗ lên đến 700 m3.
Gốc cây pơmu bị lâm tặc đốn hạ thuộc Tiểu khu 204 trong vụ tàn sát rừng Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh TL |
Trước đó, vụ “tận diệt” rừng diễn ra ở xã Sơn Hồng (Hương Sơn) đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa bởi mức độ thiệt hại thật khủng khiếp. Từ tháng 6/2010 - 6/2012, khu rừng tại địa bàn xã Sơn Hồng do BQL Bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh (Công ty Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn) quản lý đã bị chính những người cầm trịch “mở cửa” cho người vào khai thác trái phép, gây thiệt hại hơn 700 m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII.
Những vụ “chảy máu” rừng nghiêm trọng khác trong quá khứ cũng chưa hề “nguôi” đối với dư luận cả nước. Đáng chú ý là vụ phá rừng để trồng sắn tại tiểu khu 381, 394, 39A thuộc địa phận xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh) vào năm 2011; vụ lợi dụng chuyển đổi 52 ha rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để “cạo trọc” tiểu khu 321 thuộc xã Cẩm Quan và tiểu khu 325 Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) vào năm 2007, tính sơ sơ cũng đến gần 1.500 m3 gỗ bị đốn hạ!
Không chỉ “chảy máu”, rừng Hà Tĩnh hằng năm luôn bị “bà hỏa” uy hiếp. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 110 vụ cháy với 312,39 ha rừng bị thiệt hại.
Trên 500 m3 gỗ được tịch thu trong vụ phá rừng Sơn Hồng. Ảnh TL |
“Công bộc” trở thành “lâm tặc”
Có thể khẳng định rằng, nếu không có sự tiếp tay đắc lực của các vị “công bộc” như: kiểm lâm, chủ rừng, bảo vệ rừng... thì làm gì xảy ra câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, hàng trăm m3 gỗ dễ dàng “trôi” ra khỏi rừng! Vụ phá rừng Kẻ Gỗ với 2 nhân vật được coi là “cộm cán”: Nguyễn Trọng Hảo, Nguyễn Trọng Hải đều đảm nhận chức vụ: Đội trưởng Đội bảo vệ rừng số 6 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ?Gỗ) và Trạm trưởng Trạm số 1 (Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên). Phạm Anh Tuấn - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (Công ty TNHH MTV Hương Sơn) và Trần Văn Khoa - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Lĩnh (Hạt Kiểm lâm Hương Sơn) là những cán bộ “nhúng chàm” trong số 15 đối tượng bị khởi tố trong vụ phá rừng tại xã Sơn Hồng. Liên quan đến vụ phá rừng Vườn Quốc gia Vũ Quang có 8 đối tượng bị xử lý kỷ luật đều là cán bộ kiểm lâm vườn, trong đó có Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Hải...
Cháy rừng mới ra… nhiều nguyên nhân!
Một trong những nguyên nhân chính gây nên nhiều vụ cháy rừng thời gian gần đây là do xung đột lợi ích. Ông Đặng Bá Thức - Phó Chủ tịch Hội khoa học Lâm nghiệp Hà Tĩnh, một chuyên gia giàu kinh nghiệm của ngành lâm nghiệp nhớ lại: “Trước đây, khi xảy ra cháy rừng, không ít người dân rơi lệ và lao vào dập lửa”. Bây giờ, cháy rừng xảy ra có những người lại “hả hê”(?!). Những vụ đốt rừng do tranh giành quyền lợi của người dân 2 xã Lộc Yên và Gia Phố (Hương Khê) xảy ra nhiều năm qua là bằng chứng rõ nét nhất. Đến nay, khi mọi việc dần đi vào ổn định, các ngành chức năng mới kết luận: nguyên nhân đốt rừng là do …“lỗi hỗn hợp” từ 2 phía - cả người dân và chính quyền địa phương.
Trưởng phòng Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) Dương Thanh Tùng nói rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân gây cháy rừng mà cơ quan chức năng không thể xác định được. Nhưng các vụ cháy rừng có phần xuất phát từ tình trạng tranh chấp đất đai, hằn thù cá nhân giữa các hộ với nhau. Bên cạnh đó, tình trạng bẫy ong, bắt chim cũng là một trong những yếu tố làm “bà hỏa” bùng phát”...
…Bất cập trong công tác PCCCR
Ở các nước tiên tiến có rất nhiều trang thiết bị hiện đại có thể ngăn chặn kịp thời ngọn lửa bùng phát. Ở nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, khi lực lượng, phương tiện chữa cháy còn thiếu và yếu về mọi phương diện thì “phòng là chính”. Ngặt nỗi “báo cáo năm nào về công tác PCCCR cũng đưa ra con số có hàng vạn người dân ký cam kết. Đó chỉ là một việc làm chiếu lệ” - ông Thức băn khoăn.
Bất cập lớn nhất trong công tác PCCCR là do nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp ngày càng gia tăng nên tình trạng nhiều nơi người dân tự ý xâm chiếm, sẻ phát, đốt cây bụi gây nên cháy rừng. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nạn lâm tặc không chỉ khiến rừng “chảy máu” mà nguy cơ xảy ra cháy cũng vượt ngoài tầm kiểm soát...
Thực hiện Nghị định số 09/2006/NĐ-CP của Chính phủ, các chủ rừng và địa phương có rừng được bố trí kinh phí PCCCR trong dự toán hàng năm. Nhưng thực tế nguồn đầu tư này quá hạn hẹp nên việc tu sửa, bố trí chòi canh, đường băng cản lửa đều đang rất hạn chế. Trưởng BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Viết Ninh cho rằng: Mặc dù phải đảm nhận bảo vệ 35.159 ha rừng nhưng kinh phí cho công tác PCCCR quá hạn hẹp, chỉ có khoảng 500 triệu đồng.
Như vậy, có thể khẳng định, ngoài những tác động do khách quan mang lại thì ý thức chủ quan của từng người và cả các ngành chức năng đã khiến “cuộc chiến” bảo vệ rừng, PCCCR đang hết sức gian nan!
2. Cần một lộ trình chiến lược
Bảo vệ rừng bền vững: khó đủ bề!
Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012, mục tiêu đề ra là nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020. Hà Tĩnh hiện có trên 371.818 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong số 301.144,5 ha đất rừng, có 221.788,7 ha rừng tự nhiên, 79.335,8 ha rừng trồng; 70.673,8 ha đất chưa có rừng. Độ che phủ đạt 50,2% (số liệu mới nhất), rừng giàu và rừng trung bình chiếm trên 50%. Với một diện tích rừng tự nhiên lớn như vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào giữ rừng mãi mãi xanh tươi? |
Không chỉ thiếu hụt kinh phí hoạt động, lực lượng chức năng cũng thiếu hụt trầm trọng. “3 năm nay, số công chức kiểm lâm bị chết và nghỉ hưu theo chế độ đã lên đến 50 người nhưng không được bổ sung” - Trưởng phòng Tổ chức Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Danh Kỳ cho biết.
Trưởng BQL Rừng phòng hộ (RPH) Sông Tiêm Phan Văn Môn cũng tự “cởi trói” cho mình bằng việc xin nghỉ chế độ trước 4 năm. Nhận trọng trách từ người tiền nhiệm, những tưởng, ông Nguyễn Tất Hảo sẽ đem đến cho đơn vị một “luồng gió mới”, nhưng cho đến nay, không dưới 2 lần vị trưởng ban này đệ đơn xin từ chức. “Từ chức là tự nhận mình thất bại và yếu kém. Nhưng nếu không làm thế có khi lại ngồi tù cũng nên” - Trưởng BQL RPH Sông Tiêm trải lòng.
Ở các BQL RPH, lực lượng này cũng rất mỏng. BQL RPH Sông Tiêm chịu trách nhiệm quản lý 17.000 ha rừng nhưng chỉ có 18 người với mức lương cơ bản. Thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ ít tâm huyết với nghề.
Hiện tại, dự án JICA về phát triển rừng bền vững đang thời kỳ hoàn thiện bằng nguồn vốn vay ODA xấp xỉ 200 tỷ đồng với lãi suất thấp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ giai đoạn 2011-2021 đang thắp lên nhiều hy vọng cho cuộc chiến bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, lộ trình này còn dài và ở thời điểm hiện tại “dự án do có những khó khăn từ phía nhà tài trợ nên chưa thể triển khai được. Nếu được triển khai thì thời điểm bắt đầu khoảng năm 2014” - Phó Giám đốc Ngô Đăng Khoa cho biết thêm.
Lũ chồng lũ tại Hương Sơn, Vũ Quang chính là bằng chứng nhãn tiền từ hậu quả của việc tàn phá rừng. Ảnh TL |
Cần một lối ra...
Theo một số chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực lâm nghiệp, để có thể BVR bền vững đúng nghĩa, trước hết phải làm rõ quy hoạch các loại rừng; phân chia lại ranh giới, địa giới. Đồng thời phải có cơ chế hoạt động đặc thù cho công tác bảo vệ và PCCCR. Đối với những khu rừng gần dân và diện tích rừng nghèo kiệt phải tiến hành giao đất, giao rừng cho người dân. Bên cạnh đó, công tác khai thác phải đúng quy trình quy phạm, đồng thời gắn với việc xử lý môi trường; nâng tầm cán bộ kiểm lâm thành cảnh sát rừng… Cùng với đó là phải có các dự án bằng nguồn đầu tư của Nhà nước. Ở các nước phát triển, nguồn thu từ tài nguyên rừng chỉ chiếm 15-20%. Nhưng hơn thế là họ giữ được một môi trường sinh thái tốt mà không thể đo đếm được.
Có thể nói, lộ trình BVR bền vững còn dài, nhưng nếu không có những tác động tích cực từ nhiều phía và những giải pháp mang tầm chiến lược, e rằng không chỉ rừng mất, người giữ rừng theo đó cũng ra đi. Và quan trọng hơn, môi trường sinh thái bị phá vỡ chính là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Khi ấy, cả cộng đồng đều phải gánh chịu hậu quả!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;