Ông Lê Thanh Hải, kỹ thuật viên cao cấp của Công ty Danish Farm Concept cho rằng, chăn nuôi lợn tại Việt Nam hậu khủng hoảng cần phân chia ra các phân khúc rõ ràng để có bộ quy trình, giải pháp kỹ thuật cho phù hợp.
Nuôi lợn ở Việt Nam vẫn tự phát |
Với chăn nuôi hộ, lựa chọn giống phù hợp (nên kết hợp lai giống nội x ngoại) để tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, áp dụng các giải pháp ủ men thức ăn để tăng hiệu quả, giảm giá thành. Ngoài ra, nếu liên kết được với các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giết mổ, chế biến bán thịt có nhãn mác, bao bì là hướng đi tương đối ổn với người chăn nuôi nông hộ trong tương lai.
Về chăn nuôi nuôi trang trại, muốn tồn tại bắt buộc phải đầu tư đồng bộ để nâng cao năng suất, hạ giá thành. Hiện đa phần trang trại lợn tại Việt Nam trung bình chỉ đạt 20 - 22 con/nái/năm nên trong tương lai cần từng bước nâng lên 28 - 30 con/nái/năm. Hệ thống quản lí, chuồng trại, thiết bị, con giống phải thường xuyên cập nhật.
“Theo phán đoán của tôi, sau đợt khủng hoảng giá lợn này, quy mô các trang trại sẽ ngày càng lớn hơn, các trại lợn dưới 200 nái sẽ dần biến mất vì không thể cạnh tranh. Thực tế, hiện tại Đan Mạch giá thành lợn mảnh tại lò mổ quy ra VNĐ chỉ 32.000đ/kg, trong khi lợn móc hàm của Việt Nam phải 45.000 - 50.000đ/kg, cao hơn rất nhiều so với trung bình của thế giới. Giả dụ nếu giá thành lợn tại Việt Nam bằng Đan Mạch thì cuộc khủng hoảng hiện nay người chăn nuôi vẫn ổn”, ông Lê Thanh Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Thanh Hải, lâu nay chúng ta quên một việc là quy trình chăn nuôi phải cực kỳ chi tiết. Nhiều yếu tố nhỏ không làm, không thực hiện sẽ dẫn đến kết quả chăn nuôi tồi. Do đó, muốn làm tốt phải rất hiểu tập tính của con lợn. Đan Mạch thành công vì họ rất giỏi khoản này khi họ quan tâm từ cách bắt con lợn trở đi. Việc quản lí theo dõi lợn giống của họ cũng có mã số ID rất rõ ràng, không bao giờ trùng lặp, có khi còn hơn cả Việt Nam quản lí người.
Trong khi đó, phải thừa nhận người chăn nuôi tại Việt Nam đa phần vẫn làm theo cảm tính, thói quen, không hề quan sát xem con lợn có thích việc mình làm hay không. Bên cạnh đó, kỹ thuật phối giống cũng không đảm bảo đúng quy trình tốt nhất. Riêng vấn đề môi trường, xử lí chất thải chúng ta còn chưa dám bàn đến.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Lân, Công ty Soltech Việt Nam khẳng định, người chăn nuôi lợn tại Việt Nam đa phần vẫn áp dụng quy trình kỹ thuật không bài bản, tự phát là điều ai cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, chắc chắn sau ngày 1/1/2018 sẽ phải thay đổi. Bởi đây là ngày Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lí thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực quy định không được dùng kháng sinh trong thức ăn để phòng bệnh nữa.
Lúc này, nếu trang trại nào không quản lí, kiểm soát tốt quy trình, kỹ thuật, chuồng trại, vắc xin chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Khi đó, tự các mô hình nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp sẽ phải rút lui nên thị trường sẽ bớt lộn xộn hơn.
Ông Đỗ Lân bổ sung thêm, trong quá trình nhập khẩu các thiết bị, con giống tốt của nước ngoài Việt Nam cũng cần tiếp nhận chọn lọc, bởi trình độ nhận thức của người chăn nuôi nước ta còn khoảng cách khá xa, khí hậu tập quán cũng khác. Tuy nhiên, song song với quy trình chuẩn, để không phụ thuộc quá lớn vào biến động về giá của thị trường như hiện nay, vẫn phải có hoạch định, định hướng của cơ quan quản lí nhà nước, giải pháp kỹ thuật cũng chỉ hỗ trợ một nửa mà thôi.
Hiện Việt Nam chưa có quy trình chuẩn nào cho chăn nuôi lợn từ khâu môi trường, chuồng trại, con giống, chăm sóc, giết mổ, chế biến bởi người nuôi lợn lai, người nuôi lợn siêu, người nuôi chuồng kín, người nuôi chuồng hở, có nơi còn nuôi thả rông mà không theo bất cứ một quy trình đã được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả và được công nhận áp dụng rộng rãi. Do đó, trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cần xây dựng và ban hành bộ quy trình, điều kiện chăn nuôi lợn có điều kiện... |