Học tập đạo đức HCM

Chăn nuôi nông hộ liệu có bị “nhấn chìm”?

Chủ nhật - 13/09/2015 22:41
Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.

Mô hình nuôi lợn sạch của Nguyễn Văn Tuấn, thôn Mỹ Giang, xã Trạch Mỹ Lộc (Phúc Thọ-Hà Tĩnh). Ảnh: Lâm Nguyễn.

“Bão” chưa về đã “ngã”

Có thể thấy, tác động của quá trình hội nhập không còn là nguy cơ mà đã đe dọa trực tiếp đến ngành chăn nuôi trong nước. Mới đây nhất là câu chuyện đùi gà Mỹ tràn vào Việt Nam bán với giá rẻ đã khiến nhiều trang trại chăn nuôi trong nước lao đao, bị thua lỗ kéo dài. Nhìn xa hơn thì có lẽ từ nửa cuối năm 2014 đến nay, dường như người chăn nuôi chưa có lúc nào được bình yên khi mà thị trường luôn bị tác động bởi những sản phẩm nhập nội. Trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết và sắp tới là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi mà thị trường trở nên rộng mở, chắc chắn những tác động sẽ mạnh mẽ hơn, tạo nhiều ảnh hưởng hơn chứ không chỉ dừng lại ở cái đùi gà. 

Trên thực tế, những yếu kém nội tại của ngành chăn nuôi không phải đến bây giờ mới được bộc lộ mà ngay từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cảnh báo về nguy cơ của ngành đã được đưa ra. Thế nhưng, cho đến nay, những yếu kém đó vẫn tồn tại một cách cố hữu như: quy mô phân tán, nhỏ lẻ; chất lượng con giống yếu; liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp còn lỏng lẻo; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức…

Theo thống kê, cả nước có gần 12 triệu hộ tham gia chăn nuôi, trong đó có 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hơn 4 triệu hộ nuôi lợn. Nhưng nông dân chưa bao giờ được hưởng thành quả một cách xứng đáng so với công sức của mình bỏ ra. Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, qua nghiên cứu về chuỗi giá trị sản xuất gà công nghiệp cho thấy, hiện nay, lợi nhuận người sản xuất gà chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi thương lái thu lãi 22%, người bán buôn bán lẻ 30-33%. Ông Sơn cho rằng, đây là nguyên nhân lý giải tại sao thời gian qua nhiều nông sản xuất bán tại nơi sản xuất với giá thấp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng, nhất là ở những thành phố lớn, giá vẫn cao ngất ngưởng.

Ông Sơn nêu một thực tế, chăn nuôi nông hộ sản xuất khoảng 50% lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, những khó khăn đã khiến nhiều hộ phải bỏ chuồng. Tỷ lệ hộ chăn nuôi giảm theo từng năm, 5 năm qua, tổng số hộ chăn nuôi giảm 5-7%/năm.  

“Có thể tổng hợp 3 điểm yếu lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam là sự phát triển thiếu bền vững về năng suất, giá cả, chất lượng giống vật nuôi và hình thức tổ chức chăn nuôi kiểu cũ. Về con giống, Việt Nam đi quá chậm. Cụ thể, trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa thì Việt Nam vẫn cứ ì ạch ở mức 17-20 con”, ông Sơn nói.

Đồng tình với nhận định này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dẫn chứng về câu chuyện ngành sữa, nông dân là người cung cấp sữa cho doanh nghiệp nhưng luôn bị thua thiệt. Hợp đồng ký kết mua bán sản phẩm của nông dân với doanh nghiệp là hợp đồng ngắn hạn, tính theo từng năm. Họ cũng không được hỗ trợ về vốn hay kỹ thuật. Khi gặp rủi ro về thị trường, doanh nghiệp thường có xu hướng “hy sinh” nông dân, giảm giá thu mua sữa. Câu chuyện nhiều nông dân phải đổ sữa đi trong thời gian qua là một ví dụ.

Chỉ cần đừng để thua trên “sân nhà”

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, khi TPP được ký kết và có hiệu lực, nhập khẩu sẽ tăng mạnh ở thịt gia cầm và lợn, sản phẩm sữa. Trong bối cảnh này, người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài.

Trước những tác động của hội nhập đang hiện hữu, ông Sơn cho rằng, việc ban hành chính sách hỗ trợ  chăn nuôi nông hộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, không nên hỗ trợ tràn lan mà tập trung những vấn đề đang nổi cộm trong chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay như: không có kiểm soát, chuồng trại không đảm bảo về kỹ thuật, công tác giống, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường và tổ chức, đổi mới sản xuất nhằm nâng cao được giá trị gia tăng cho người chăn nuôi nông hộ.

Ông Thành cho rằng, cần hỗ trợ nông hộ nhỏ để họ chủ động hơn trong sản xuất, tiếp cận thị trường. Tổ chức lại sản xuất trong nước trên cơ sở hình thành các tổ chức tự nguyện của người dân như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác để tăng sức mạnh đàm phán của nông dân với đối tác. Mặt khác, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp và khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, hiện các chính sách của chúng ta vẫn còn lạc hậu, mang xu hướng nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hay khu vực nhưng không mang lại hiệu quả. Nhà nước cần thay đổi tư duy, tạo thị trường tự do nhiều hơn khu vực doanh  nghiệp, cần bỏ ngay tư duy nhà nước quản lý trực tiếp, thay vào đó là giao cơ chế tự chủ, hỗ trợ nông hộ để họ chủ động hơn trong sản xuất.

TS.Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, cho rằng, nên khuyến khích chăn nuôi nông hộ phát triển những con đặc sản của địa phương như một lợi thế xuất khẩu, bởi đang có xu thế, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi công nghiệp từ Trung Quốc nhưng lại chọn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quy mô nhỏ, đảm bảo chất lượng. Rõ ràng đây là một nghịch lý.

Đồng tình với quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chúng ta chưa thể có ngay những trang trại quy mô lớn, nếu có thì chỉ một số ít doanh nghiệp như TH True milk, Vinamilk,... làm được. “Trong khi chưa làm được lớn thì phải chấp nhận hộ nông dân, thực tế ở Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, nông dân cũng có thể sản xuất lớn nếu họ liên kết lại thành một chuỗi hệ thống, các hiệp hội ngành hàng đứng ra tổ chức hoạt động của chuỗi đó. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam không có nhiều ý nghĩa với nông dân”, TS.Hồ nói.

TS.Hồ cho rằng, hãy xác định mục tiêu của ngành chăn nuôi là đừng để thua  trên “sân nhà” chứ đừng nghĩ đến mục tiêu cao hơn là xuất khẩu. “Lợn mán, gà đồi thì được bao nhiêu mà xuất khẩu. Chỉ cần đặt vấn đề không thua trên sân nhà khi vào TPP là được, bởi thực tế ở TP.Hồ Chí Minh chưa có TPP mà chúng ta đã thua rồi”, TS. Hồ nêu một thực tế.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT:

Không thể bỏ lơ chăn nuôi nông hộ

Thế giới ngày càng hội nhập sâu, ngành chăn nuôi phải gấp rút hành động, nâng cao sức cạnh tranh để không thua trên sân nhà. Ngành chăn nuôi Việt Nam có chăn nuôi nông hộ, trang trại và công nghiệp. Hiệu quả kinh tế cao nhất là chăn nuôi công nghiệp rồi đến trang trại, nông hộ. Phải khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại và công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ lơ chăn nuôi nông hộ vì vấn đề xã hội, không thể để cho chăn nuôi nông hộ chết. Phải gấp rút triển khai cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại nhưng cũng tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi nông hộ.

Khánh Nguyên

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập269
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại234,748
  • Tổng lượt truy cập85,141,784
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây