Nguyễn Văn Ngọc tâm sự về con đường trở thành một ông chủ trẻ của mình |
Người mà chúng tôi đang nói đến là Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1991 tại khối 2, thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ngọc có công việc ổn định của một kỹ sư ngành thủy lợi, gia đình kinh doanh tại thị trấn cũng ăn nên, làm ra. Thế nhưng, những gì đang có dường như không thỏa ước mơ của chàng trai trẻ này.
Năm 2014, sau khi nghỉ việc ở một doanh nghiệp tại Hà Nội, Ngọc về quê liên hệ xin thầu đập Khe Nậy, rộng trên 30ha tại xã Đức Sơn cách nhà 15km bắt đầu lập thân, lập nghiệp. Đây là con đập có diện tích lớn, sâu, nằm giữa bốn bề núi rừng hoang vu, nhiều người đã đến xây dựng trang trại nhưng đều không trụ lại được. Vì thế, gia đình, bạn bè ai cũng ra sức khuyên ngăn nhưng Ngọc quyết tâm đi theo con đường mình đã lựa chọn.
Việc đầu tiên là Ngọc vay gần 200 triệu đồng về làm nhà nổi bằng mái tôn, khung kẽm trên đập Khe Nậy, xây kho đựng thức ăn chuẩn bị chăn nuôi. Trên đập, Ngọc thả 10 lồng cá công nghệ mới, chủ yếu nuôi rô phi, trắm cỏ, cá trê, cá leo; hệ thống chuồng gà được làm trên mặt nước…
Theo Ngọc, hầu hết các giống cá đang nuôi đều cần thức ăn công nghiệp nhưng chỉ cho ăn thời gian đầu sau đó giảm dần và thay thế bằng thức ăn tự nhiên vừa để giảm chi phí vừa tạo cho cá thương phẩm có chất lượng thơm ngon, bán được giá. Với cá trê, sau thời gian nuôi bằng thức ăn công nghiệp, Ngọc chuyển sang các lồng cá nằm ngay dưới chuồng gà để tận dụng phân và làm sạch môi trường một cách tự nhiên.
Nhà nổi trên đập Khe Nậy của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Ngọc |
Đến thời gian chuẩn bị xuất bán, số cá này được chuyển sang lồng nuôi gần khu vực nước chảy. Vì thế, cá trê vẫn cho chất lượng thơm ngon và bán được giá. Còn với cá trắm cỏ, Ngọc cho ăn chủ yếu là cỏ cắt ven hồ, lá chuối rừng chặt hàng ngày trên triền núi.
Ngọc có đàn gà thương phẩm gần 1 nghìn con. Trong đó có hơn 1/2 gà sắp đến ngày xuất thịt, được thả trên đồi, nuôi đến đâu bán hết đến đó không lo ế hàng. Để phòng ngừa bệnh cho gà, ngoài việc phòng đủ các loại vắc xin, Ngọc mua tỏi xay nhuyễn với đường và giấm, ngâm một thời gian sau đó trộn vào thức ăn cho gà.
Khó nhất là nuôi cá leo. Đây là loại cá, nếu nuôi chất lượng tốt có thể xuất bán 200 -250 nghìn đồng/kg. Thời gian đầu, Ngọc mua 500 con giống với giá 25 nghìn đồng/con nhưng sau 1 năm thì chỉ còn 100 con xuất bán được gần 50 triệu đồng. Tuy không lỗ vốn nhưng lợi nhuận thấp. Ngọc thường xuyên theo dõi và tìm hiểu các thông tin trên mạng Iinternet để hiểu đặc tính của chúng.
“Cá leo hầu như không có bệnh tật gì đáng kể nhưng chúng phân đàn rất nhanh, con lớn nuốt con bé để tồn tại và nhanh lớn. Lúc đầu chưa biết đặc tính này nên em nuôi chung lồng từ đầu đến lúc xuất bán, tỷ lệ hao hụt quá cao. Nhưng những lứa sau, cứ độ vài tuần là em phân loại lớn - bé để chuyển lồng nuôi. Vì thế chúng vừa lớn nhanh vừa giảm hao hụt. Sau 1 năm nuôi, bình quân cá leo thương phẩm xuất bán đạt trọng lượng 1,5 - 2kg. Lãi ròng gần 200 triệu đồng/500 con. Do cá leo được cho ăn bằng thức ăn tự nhiên trong phần lớn thời gian nuôi nên được các nhà hàng trên địa bàn trong và ngoài huyện ưa chuộng, đặt hàng thường xuyên”.
Lồng cá leo thương phẩm của Nguyễn Văn Ngọc |
Do lượng công việc ngày càng nhiều, hiện nay, Ngọc đang tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/người/tháng cho người em trai và một người bạn. |
Để tiết kiệm chi phí thức ăn, Ngọc đặt mua 10 vó cất cá công nghiệp. Sáng sớm, mỗi lần cất vó, ngọc thu khoảng 15 - 20kg cá mương, làm thức ăn cho cá leo. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trên đập, mỗi năm Ngọc thả 50 - 10 triệu đồng cá giống nuôi thương phẩm đánh bắt bán dần.
“May, rủi, gặp thời là điều luôn song hành trong làm ăn. Nhưng nếu không thích, không tâm huyết thì không thể một mình bỏ gia đình, bỏ công việc để đến nơi hoang vu này lập thân, lập nghiệp được. Thời gian đầu, em chịu áp lực rất lớn từ gia đình và dư luận. Nhưng thật may mắn, hàng năm em đều có nguồn thu nhập ổn định trên dưới 300 triệu đồng, cao hơn nhiều so với công việc kinh doanh của gia đình và lương tháng của một kỹ sư ngành thủy lợi. Điều đó càng thúc đẩy em nỗ lực hơn nữa trong công việc mình đã chọn”, Ngọc tâm sự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;