Du lịch phát triển tạo nhiều lợi ích kinh tế, xã hội nhưng cũng kéo theo những hậu quả tiêu cực. TS Trương Sỹ Vinh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, cùng với sự gia tăng về lượng du khách, thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh. Sự phát triển du lịch cũng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi môi trường sống của sinh vật…

 

Lòng hồ Hòa Bình thu hút du khách bởi môi trường trong lành tự nhiên. 
Trong khi đó, du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói cách khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Như vậy, để hướng tới sự phát triển bền vững trong du lịch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch xanh... Trong đó, du lịch xanh đồng nghĩa với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch, ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển sản phẩm du lịch và ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, qua đó góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải nhà kính ở Việt Nam.

 

Theo PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam bởi đó là loại hình du lịch xanh điển hình, dựa trên lợi thế so sánh của Việt Nam với sự đa dạng về các kiểu sinh cảnh rừng, sinh cảnh biển-đảo; đồng thời đáp ứng được xu thế nhu cầu về du lịch của khu vực và quốc tế, là hướng tiếp cận phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Cùng với phát triển du lịch xanh, các hoạt động phát triển du lịch cần tuân thủ các nguyên tắc của phát triển bền vững, đặc biệt trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý tác động của du lịch; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, trong đó có tiêu chuẩn “Bông sen xanh” trong dịch vụ du lịch và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (bao gồm cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Nhóm tiêu chí bắt buộc gồm các tiêu chí cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch; Nhóm tiêu chí khuyến khích bao gồm những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ cơ sở. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở ăn uống bao gồm 45 tiêu chí, các cơ sở bán hàng lưu niệm bao gồm 43 tiêu chí, cơ sở vui chơi giải trí gồm 47 tiêu chí. Đi kèm với bộ tiêu chí là Tài liệu hướng dẫn thực hiện từng tiêu chí cụ thể đối với các loại hình cơ sở du lịch dịch vụ, trong đó có các nội dung: Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí chung cho tất cả các cơ sở du lịch và dịch vụ; hướng dẫn thực hiện các tiêu chí riêng cho từng loại cơ sở du lịch và dịch vụ.

Theo báo qdnd.vn