Trong 1 năm qua, 3 địa phương Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đã cùng nhau xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Theo đó, đề án được hình thành dựa trên liên kết không gian của 22 huyện có cùng hệ sinh thái đất ngập nước, với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy giá trị bản địa, văn hoá, tài nguyên sẵn có.
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ cung cấp nông sản có chất lượng cao trong vùng (Trong ảnh: Mô hình sản xuất xoài an toàn ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: H.X
Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 697.000ha, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Vùng Đồng Tháp Mười có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim... |
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Các địa phương trong tiểu vùng đã liên kết ở nhiều nội dung, đặc biệt là nội dung tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh; liên kết để quản lý tài nguyên nước; liên kết về kết cấu hạ tầng; liên kết phát triển du lịch tour du lịch “Một hành trình, ba điểm đến”.
Trong quá trình liên kết này, tiểu vùng cần sự hỗ trợ, hợp tác của TP.HCM. Vì vậy, mới đây tại Đồng Tháp, 3 tỉnh thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã tổ chức chương trình gặp mặt với TP.HCM để bàn về việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Với sự hợp tác của TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Thương – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ giúp tiểu vùng phát triển tour du lịch “Một hành trình, ba điểm đến”. Theo đó, sẽ lấy điểm xuất phát từ TP.HCM, sau đó đi bằng đường thủy và đường bộ đến các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Ở các nội dung liên kết khác, TP.HCM sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tại thành phố này đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại tiểu vùng. TP.HCM cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức thông tin: “Trước đây, các chuyên gia nói khai phá Đồng Tháp Mười là không tưởng nhưng công cuộc khai phá đã có quả ngọt, cụ thể là lúa, khóm, thanh long, rau màu… phát triển rất tốt. Để tiểu vùng phát triển hơn nữa ở các lĩnh vực, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của TP.HCM”.
Về phần địa phương mình, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kêu gọi các doanh nghiệp đến địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ông Dương nói rõ: “Tỉnh đã chuẩn bị khoảng 40 dự án để kêu gọi đầu tư ở các khu kinh tế cửa khẩu và trải đều ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, có nhiều dự án nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến gạo, các sản phẩm sau gạo, trái cây”.
Tại buổi gặp mặt trên, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao định hướng liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Về du lịch, tiểu vùng này có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đặc sắc để phát triển thành các tour. “TP.HCM và tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần phát huy vai trò đi đầu trong liên kết phát triển. Theo đó, các địa phương cần sự nổ lực vươn lên mọi mặt, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhau, xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và không gây ô nhiễm môi trường” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;