Chăm sóc vườn rau thực nghiệm tại nông trường Tam Ðảo. |
Trong giai đoạn nền kinh tế phát triển theo cơ chế cũ, Nông trường Tam Ðảo đã có nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của vùng và của cả nước, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của nông trường quốc doanh. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, với phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả vì miền nam ruột thịt" hàng trăm cán bộ, công nhân viên nông trường đã lên đường đánh Mỹ, trong đó không ít người đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên các chiến trường. Những người ở lại hậu phương thì vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giữ gìn an ninh trật tự. Nông trường cũng là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp và tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, là mô hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, thời kỳ chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nông trường gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những thay đổi về điều tiết vĩ mô của nền kinh tế thị trường, tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công nhân nông trường vẫn mang nặng nếp nghĩ cũ của thời bao cấp. Nhất là, sau khi đổi mới, sắp xếp lại các nông trường quốc doanh, Nông trường Tam Ðảo chuyển thành Công ty TNHH một thành viên nông - công nghiệp Tam Ðảo và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, cho nên nhiều chính sách, quyền hạn bị co hẹp. Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Nông trường Nguyễn Hải Quân cho biết, ngày trước, nông trường có tổng diện tích 2.700 ha, nay chỉ còn 700 ha; trong đó bao gồm đất thổ cư, đường giao thông... Mặt khác, khi xây dựng các công trình phúc lợi, hệ thống thủy lợi đã phá vỡ cảnh quan, đất đai sản xuất bị thu hẹp. Một khó khăn nữa là khi trở thành công ty TNHH thì nông trường phải đăng ký ngành hàng theo Luật Doanh nghiệp và không được hưởng chế độ ưu đãi như trong nông nghiệp. Còn về mặt quản lý nhà nước, nông trường phải làm việc như chính quyền, nhưng không được hỗ trợ về kinh phí; chồng chéo trong quản lý, chỉ đạo. Thí dụ về quản lý nhà nước nông trường trực thuộc UBND tỉnh, còn quản lý sản xuất lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo.
Vướng mắc cơ chế mới
Sau khi chuyển thành Công ty TNHH, giải quyết lao động dôi dư từ hơn 700 người xuống còn gần 300 người, nhiều công nhân nông trường trả lại ruộng để hưởng chế độ. Nông trường đã tranh thủ dồn điền thành vùng rộng, liền bờ, liền thửa, có những khu lớn với mục đích tập trung xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau màu, hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông trường còn hỗ trợ xây dựng kênh mương bê-tông, dẫn nước ra tận ruộng; ứng vốn cho người lao động mua giống, vật tư không lấy lãi từ nguồn vốn sản xuất của nông trường. Giám đốc Nông trường Nguyễn Hải Quân chia sẻ thêm, mặc dù đã nhiều lần tổ chức họp, quán triệt, hướng dẫn cách làm để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nhưng công nhân vẫn không mặn mà với cách làm mới. Nguyên nhân sâu xa là do hậu quả rơi rớt thời bao cấp, ngại cái khó, ngại thay đổi theo mô hình mới...
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh nông trường, anh Phạm Tiến Dũng, Ðội trưởng đội sản xuất Quang Hà cho biết, đội có 39 cán bộ, công nhân được giao khoán 50 ha, chủ yếu trồng lúa, ngô và làm trang trại. Theo anh Dũng, đời sống công nhân trong đội hiện tương đối ổn định. Nhờ được đầu tư, trang bị máy móc và hỗ trợ về giống, vốn, cho nên sản lượng lương thực cũng đạt 40 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc Ban giám đốc nông trường muốn liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài vào sản xuất trên chính đất người dân được nhận khoán và sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, công nhân nông trường làm việc sẽ được hưởng mức lương khá cao thì anh Dũng vẫn băn khoăn vì không biết khả năng của công nhân nông trường có theo kịp đòi hỏi của doanh nghiệp không? Và khi giao đất cho doanh nghiệp thì sẽ như thế nào... Anh Dũng chia sẻ: Trước đến nay công nhân họ chỉ quen làm hai vụ lúa còn vụ màu không quan tâm đến. Vùng nào chỉ đạo sản xuất toàn bộ lúa giống, cần cách ly triệt để, bắt buộc phải làm thì mới làm, còn không, công nhân chỉ mong sao cho đủ khoán là thôi. Ngay trong đội sản xuất Quang Hà, hầu hết là đi thuê người về làm ruộng hoặc là lao động không chính thức như người già, trẻ con mà trồng những cây hàng hóa có giá trị cần tâm huyết, đòi hỏi kỹ thuật cao họ chẳng dám làm, cho nên rất ngại liên doanh liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài. Mặc dù vẫn biết, đầu tư nông nghiệp rủi ro nhưng không mạnh dạn áp dụng theo mô hình mới, không lăn lộn, không thể phát triển kinh tế được. Gặp chị Nguyễn Thị Mai, người đã có 26 năm gắn bó với nông trường khi chúng tôi hỏi, chị nghĩ sao nếu có mô hình mới liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông trường? Chị hồ hởi nói, nếu được như thế thì tốt quá, tôi rất mong muốn làm thế nào đó để làm nông nghiệp ngày càng đỡ vất vả hơn, cần phải áp dụng các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Loay hoay tìm hướng đi mới cho sản xuất trong nông trường, nhiều giải pháp, mô hình hay đã được bàn thảo, nhưng tất cả vẫn vấp phải sự thờ ơ của chính người công nhân nơi đây. Chính vì vậy, cho đến nay, mô hình nào cho các đội sản xuất nông trường vẫn là bài toán khó. Theo Phó Giám đốc Nông trường Tam Ðảo Nguyễn Ngọc Lai, một số công nhân nông trường đã có tư tưởng nhận khoán giữ đất, chờ được đền bù khi Nhà nước quy hoạch chứ không mặn mà với phát triển sản xuất.
Thực tế qua nhiều địa phương cho thấy, khi người dân nhận đền bù được một khoản tiền lập tức mua sắm xe máy, xây nhà, mua các trang thiết bị phục vụ cuộc sống... nhưng đến khi tiêu hết tiền lại chưa kịp tìm ra cho mình một nghề để kiếm sống. Và từ đó, trở thành "nhàn cư vi bất thiện" phát sinh nhiều tệ nạn xã hội...
Cần cơ chế đặc thù để tháo gỡ
Sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh là việc làm cần thiết, cần tiến hành khẩn trương, nhằm quản lý có hiệu quả việc sử dụng đất đai, cải thiện đời sống cho người lao động và góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đổi mới là một quá trình cố gắng không để còn "bình mới rượu cũ"; trong đó mục đích chính là vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các nông trường bấy lâu nay bị đình trệ, bảo đảm việc sử dụng đất Nhà nước giao một cách hiệu quả. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra cho thấy tài nguyên đất đai, rừng vẫn chưa được rà soát, xử lý cụ thể, việc quản lý sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn nhiều bất cập và chưa thật sự đem lại hiệu quả, lúng túng trong việc xác định mô hình đổi mới tổ chức quản lý...
Trong bối cảnh đó, để Nông trường Tam Ðảo phát triển trong cơ chế thị trường, nâng cao được đời sống cán bộ, công nhân viên xứng đáng với bề dày lịch sử của mình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nông trường mới được quyền sử dụng đất đai để góp vốn liên doanh, liên kết với các đối tác khi đầu tư vào nông trường. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các nông trường viên như hộ nông dân; hỗ trợ kinh phí để nông trường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất sau khi thu hồi đất; hỗ trợ xây dựng khu chăn nuôi tập trung, xưởng chế biến rau quả, chế biến tinh dầu... Một cách tháo gỡ nữa là tỉnh cần có chính sách đặc thù miễn thủy lợi phí cho bà con nông trường. Bởi khi áp dụng sang mô hình doanh nghiệp thì nông trường phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng ở đây, bản chất bà con nông trường lại là làm nông nghiệp. Ðược biết, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp từ năm 2007. Vậy nên rất mong tỉnh cần sớm áp dụng chính sách một cách linh hoạt cho bà con nông trường Tam Ðảo.
Bên cạnh đó, Ban giám đốc nông trường cần tăng cường việc chỉ đạo công nhân, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, không còn băn khoăn khi góp đất liên doanh với các doanh nghiệp khác để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Với tiềm năng đất đai và lao động, rõ ràng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông trường chưa cao, cần có một hướng đi hợp lý để nông trường phát triển thành điểm kinh tế sôi động trong vùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã