Học tập đạo đức HCM

Cứu đại gia hay cứu người nghèo?

Thứ hai - 24/06/2013 09:31
'Hầu như tiếng nói của người nông dân chưa có vị trí xứng đáng trong chính sách, định hướng phát triển kinh tế. Sự bất bình đẳng các ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn tồn tại', độc giả Tuần Việt Nam phản ánh.

LTS: Tuần qua, sau khi bài viết Sau 24 năm cường quốc, Việt Nam có gì? đăng tải, đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết của độc giả gửi về Tuần Việt Nam. Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành nông nghiệp và người nông dân  vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ.

 

Cái chết được báo trước

Theo nhìn nhận của hầu hết các ý kiến, những khó khăn, rào cản đối với người nông dân đến từ mọi mặt, từ khâu sản xuất cho đến khâu đầu ra của sản phẩm. Như bạn đọc Cao Tiến tổng kết: "Buổi đầu đổi mới, nông nghiệp được coi là cái ngòi để đổi mới, đến khi đã có thành tựu thì nông nghiệp lại trầm kha. Phải chăng chúng ta đang quay lưng với người nông dân?".

Giống, phân bón, điện, xăng, v.v... "các chi phí đầu vào để phục vụ sản xuất nông nghiệp đều không ngừng leo thang", bạn đọc tại Email ...newriver@gmail.com chỉ ra. "Không những thế, vấn nạn vật tư nông nghiệp, điển hình là phân bón, giống lúa giả vẫn ngày càng nghiêm trọng".

Độc giả Nguyễn Anh Minh phân tích: "Một đất nước có đến 70% dân số làm nông nghiệp, vậy mà từ giống, phân bón, thức ăn gia súc... đều phải nhập khẩu, chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp thì nhập bán tràn lan, thậm chí là nhập lậu, miễn là có lãi cho các ngành các cấp bỏ túi".

Không những vậy, nông dân muốn tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất cũng không hề dễ dàng. "Trên lý thuyết, nông dân vẫn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều bằng các ưu đãi cho vay của ngân hàng. Nhưng thực tế, muốn vay ưu đãi thì 10 người chỉ được 1, còn lại là phải "chung chi", bạn đọc tại Email: Windsofheaven...@gmail.com, phản ánh.

Khi sản phẩm ra thị trường càng khó trăm bề. "Một thị trường buông lỏng, hàng TQ tràn lan không kiểm soát, hoặc kiểm soát nửa vời, đến nỗi hàng TQ độc hại cũng dán mác VN, nền nông nghiệp là cái chết được báo trước", độc giả tại Email ...rau@yahoo.com, cảnh báo.

Một độc giả khác, có Email quanhay@... chỉ ra: "Xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do không tiếp tục tìm thêm khách hàng, uy tín xuất khẩu kém theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Sản phẩm qua nhiều trung gian khi thu mua, dẫn đến chi phí, giá thành cao nên không có khả năng cạnh tranh. Nông dân thì bị ép giá".

Trong khi đó, hầu như tiếng nói của người nông dân chưa có vị trí xứng đáng trong chính sách, định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Sự bất bình đẳng các ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn tồn tại.

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảo cho rằng: "Giá cả tấn thóc không đủ đóng học phí cho con đại học thì thử hỏi người nông dân sống thế nào? Sao không có chủ trương "lương tối thiểu" cho người nông dân làm nông nghiệp, nếu không đạt mức thì được nhà nước trợ cấp?"

"Buồn thay, khi bất động sản, ngân hàng gặp chút khó khăn thì ai cũng "kêu gào", nhưng khi nông dân gặp khó có mấy hội nghị, các ban ngành TƯ quan tâm như vậy đâu", bạn đọc tại Email ...2011@yahoo.com nêu ý kiến.

Xuất khẩu gạo, nông sản, độc quyền, nông dân
Xuất khẩu nhiều gạo nhưng đời sống người nông dân vẫn khó khăn

"Sản phẩm của người nông dân làm ra rất vất vả không kể hết nhưng chỉ cần có bão lụt là chết. Trong khi đó, các công ty lương thực thì rất tệ, lãi to, lãi nhiều thì chia lương", độc giả tên Minh bức xúc.

Còn bạn đọc Vũ Bá Tiến cho rằng: "Tổng mức đầu tư cho ngành được coi là giá đỡ của nền kinh tế này chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, thậm chí nhiều lúc bị lãnh quên. Vì sao vậy? Vì họ là những người đông về số lượng, nhưng tiếng nói lại bị coi là ít trọng lượng so với thiểu số đại gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, chứng khoán..."

"Tất cả các chủ trương của chúng ta có tác dụng chăng chỉ tập trung cho việc thu hồi đất, bám vào việc lấy đất để xây dựng các dự án. Còn tình cảnh người nông dân và nhất là đầu ra của sản phẩm thì phó mặc cho thị trường với bao sức ép", bạn đọc tên Hưng tại Email: ctvkbbs@...

Theo độc giả Lê Xuân An: "Những nhà quản lý của chúng ta vẫn mang đậm tính chất tiểu nông và ăn xổi. Không biết buôn bán trong khi được độc quyền về xuất khẩu, về giá, vậy mà lúc nào cũng kêu lỗ... Hình như "nguyên lý" cứu kẻ giàu chứ ai cứu người nghèo vẫn đúng, và nhóm lợi ích thao túng chính sách là có thật".

"Ngay những nước có nền kinh tế phát triển lâu đời vẫn có sự nâng đỡ, điều tiết của nhà nước đối với các ngành, chẳng hạn gói cứu trợ của Mỹ. Điều đáng buồn là trong khi Nhà nước ta tung gói cứu trợ BĐS thì nông nghiệp và người nông dân lại đang bị bỏ rơi. Với 70% nền kinh tế vẫn là nông nghiệp thì đây là sự thất bại về mặt chính sách", độc giả Quang Hồng so sánh và kết luận.

Hành động trước khi quá muộn

 

Trước câu chuyện của ngành nông nghiệp, nhiều độc giả đã chỉ ra những tồn tại lớn nhất nằm ở bộ máy, phương thức quản lý, lập chiến lược. Đồng thời cũng không ít "kế sách" được nêu ra.

 

Độc giả Đăng Quang chỉ ra tình trạng manh mún: "Làm sao mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp khi mà đất đai nông nghiệp phân tán mỗi người một mảnh nhỏ, tự ý trồng cấy theo ý chủ quan của mình. Sẽ là không tưởng khi hi vọng hàng triệu người nông dân thống nhất với nhau vào một hiệp hội".

"Hiện nay các cơ quan quản lý nông nghiệp còn ít quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Cả một bộ máy của ngành nông nghiệp ở địa phương chủ yếu là thụ động, trông chờ ngân sách phân bổ, làm vài ba công trình, dự án không mang tính căn cơ. Nhiều khi còn góp phần vào việc nông dân sản xuất theo "phong trào", gây hậu quả là sản phẩm làm ra chẳng ai mua". Bạn đọc tại Email ...hv@gmail.com, nêu thực trạng.

Đồng thời, bạn đọc này cũng kiến nghị: "Xin Bộ trưởng Phát quan tâm "tái cơ cấu" lại cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác nông nghiệp trước khi "tái cơ cấu" các cái khác".

"Các nhà lãnh đạo nói chung đã không còn coi sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nữa và như thế đầu tư cho nông nghiệp quá khiêm tốn. Vì vậy, cần nhìn thẳng vào sự thật là việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại không dễ dàng như mọi người đã tưởng, nông nghiệp cần phải được đặt vào đúng vị trí đích thực của nó, người nông dân cần phải được tôn trọng hơn, có tiếng nói hơn...", bạn đọc tại Email kien...@gmail.com, nhận định.

Nhiều độc giả góp ý cần phát triển dựa theo quy luật giá trị, theo quy luật cung cầu, cái gì mang lại lợi ích, hiệu quả lớn hơn thì tập trung vào làm. Định hướng phát triển nền nông nghiệp cần hội nhập với thế giới.

"Ở thời đại ngày nay, vấn đề tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiện đại, kết nối với nhu cầu, thị trường của thế giới, khâu tiếp thị chế biến nông sản để xuất khẩu rất quan trọng", độc giả Nguyễn Chí Bằng nêu ý kiến.

Theo độc giả Minh Tiến: "Đã đến lúc chúng ta gác lại chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và chuyển sang sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường. Vì chúng ta vẫn định hướng đảm bảo an ninh lương thực nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thị trường xuất khẩu (gạo) bị lãng quên là dễ hiểu.

"Bây giờ làm gì phải tính đến hiệu quả, chúng ta không nên sản xuất nhiều gạo, trong khi thế giới chẳng thèm làm vì hiệu quả kinh tế thấp. Thế nên phải chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn, và xuất khẩu ra thế giới", độc giả Nguyễn Thắng đề xuất.

Bức xúc với chính sách độc quyền xuất khẩu gạo, bạn đọc Phan Thanh Lâm, cho rằng: "Cứ cho tư nhân được phép tham gia xuất khẩu gạo, thay vì trông chờ hết vào Hiệp hội lương thực VFA, thì mọi chuyện xong xuôi. Tại độc quyền xuất khẩu lúa gạo, giống như độc quyền xuất nhập xăng dầu, nên nông dân mới khổ".

Một số độc giả gợi ý Việt Nam nên học tấm gương ở một nước rất gần VN là Thái Lan. "Tại sao ở Thái Lan có 4 từ "trợ giá nông sản", còn ở VN thì người nông dân chưa bao giờ được biết đến 4 từ đó? Sau 1/4 thế kỷ, tiền xuất khẩu nông sản của ta đã đi đâu hết rồi?", độc giả tại Email...2002@yahoo.com.

"Hãy nhìn sang Thái Lan để học cách họ giúp đỡ nông dân của họ bằng việc mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường hiện tại như thế nào. Tôi đề nghị nhà nước cần giúp người nông dân chuyển đổi sang trồng các giống lúa cũng như các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, có lãi", độc giả Quang Hồng nêu ý kiến.

Đồng quan điểm trên, độc giả Lê Hoàng cho rằng: "Thái Lan không ham danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, mà chấp nhận tăng giá gạo xuất khẩu để bảo đảm lợi nhuận của người nông dân. Còn VN, phải chăng vì mục tiêu chuyển thành nước công nghiệp tiên tiến mà chúng ta cố tình bỏ quên ngành nông nghiệp "sống chết mặc bay"? Để 70% nông nghiệp này dần chuyển thành công nghiệp, dịch vụ, hãy hành động trước khi quá muộn".

Hòa Trần (tổng hợp) 
Nguồn:vietnamnet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại191,922
  • Tổng lượt truy cập90,255,315
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây