Học tập đạo đức HCM

Đánh thức vụ đông

Thứ năm - 25/10/2018 19:59
Sự chuyển biến mạnh mẽ về cung cách tổ chức sản xuất, dựa trên mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, các cá nhân làm ăn lớn đang giúp sản xuất vụ đông ở nhiều nơi được đánh thức thực sự.
17-26-03_dscf6091
Cánh đồng 25ha cải bắp vụ đông tại xã An Thịnh

Ở nơi vụ đông tăng trở lại

Xã An Thịnh (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) nằm giáp sông Đuống. Những cánh đồng trù phú ở đây từng một thời xanh ngợp cây rau màu vụ đông. Thế nhưng cũng như nhiều địa phương khác, khi lao động trẻ ở nông thôn vợi dần, các khu công nghiệp mọc lên như nấm, diện tích cây vụ đông cũng tụt dần. Cả xã có trên 530ha canh tác, có giai đoạn cây vụ đông chỉ còn chưa tới 100ha. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, bất ngờ diện tích vụ đông ở An Thịnh đang tăng mạnh trở lại, hiện đã nhích dần lên 150 - 160ha và xu hướng còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Cú hích giúp vụ đông ở An Thịnh hồi sinh, chính là các mô hình liên kết SX giữa DN và những cá nhân làm ăn lớn đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở xã này.

Cánh đồng Cầu Tiền chiêm trũng ở thôn An Trụ (xã An Thịnh) trước đây gặt xong lúa vụ mùa thì bỏ hoang lõng bõng nước. Hai năm trở lại đây, nó đã được đánh thức bởi một màu xanh bạt ngàn rau vụ đông. Những ngày này, trong khi nhiều nơi lúa vụ mùa vẫn chưa gặt xong thì hơn 25ha cải bắp đã lên xanh mơn mởn. Chủ nhân của cánh đồng lớn ấy là lão nông Đỗ Viết Nạp, năm nay đã ngót nghét 70 tuổi. Từ cánh đồng bỏ hoang trong vụ đông trước đây, vụ đông năm 2017, ông Nạp đã mạnh dạn thuê 10ha ruộng để trồng súp lơ. Vụ đông năm nay, toàn bộ cánh đồng 25ha được ông Nạp thuê lại với giá 100 nghìn đồng/sào để trồng cải bắp. Việc thuê đất được các hộ dân ủy quyền cho HTX Nông nghiệp thôn An Trụ đứng ra ký hợp đồng. HTX An Trụ cũng đồng thời được ông Nạp thuê dịch vụ tưới tiêu nước, bảo vệ... Sau khi kết thúc vụ đông, ruộng sẽ được trả lại cho người dân trong thôn gieo cấy lúa ĐX.

17-26-03_dscf5437
Liên kết giữa DN và nông dân, HTX đang là động lực để SX vụ đông bứt phá (Trong ảnh là khâu đóng gói rau XK tại Cty Hưng Việt)

Ông Nạp từng làm chủ nhiệm HTX ở An Thịnh nên hiểu về cây vụ đông như lòng bàn tay. Ông bảo mấy năm gần đây, trong khi các loại cây vụ đông như ngô, khoai, đậu... giảm mạnh về diện tích do giá trị thấp, thì nông dân ở An Thịnh vẫn có truyền thống giữ được cây hành tỏi với diện tích thường xuyên 60 - 70ha. Tuy nhiên, do tiêu thụ ở thị trường tự do lệ thuộc thương lái nên hành tỏi nói riêng, cây vụ đông nói chung rất bấp bênh, có năm lãi hàng chục triệu đồng/sào, cũng có năm đổ đi không hết. Vụ đông năm nay, sở dĩ ông dám bạo gan trồng một lúc tới 25ha cải bắp, là bởi khâu tiêu thụ đã được ký hợp đồng bao tiêu 100% với đối tác là Cty TNHH MTV Hưng Việt (Cty Hưng Việt, Gia Lộc, Hải Dương).

Toàn bộ nguồn giống cải bắp được Cty Hưng Việt cung cấp, trả chậm khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch, việc vận chuyển sẽ được Cty hỗ trợ miễn phí... Quy trình SX phải tuân thủ rất nghiêm ngặt theo quy định của phía Cty như: Đồng đất trước khi đưa vào SX phải được phía Cty lấy mẫu đất phân tích, đạt yêu cầu mới được trồng; toàn bộ quy trình chăm sóc, lịch gieo trồng, thu hoạch phải tuân thủ đúng hướng dẫn của Cty; sản phẩm trước khi thu hoạch được lấy mẫu phân tích các dư lượng hóa chất, thuốc BVTV, phải đạt tỉ lệ đồng đều theo tiêu chí cụ thể...

“Nhờ liên kết với DN, chúng tôi mới có thể SX diện tích đủ lớn để cơ giới hóa, giảm đầu tư. Vụ đông 2017, tôi thử nghiệm trồng 10ha súp lơ nguyên liệu cho Cty An Việt, được bao tiêu 100% với giá 3.500 đồng/cây, tính ra trừ chi phí, mỗi cây súp lơ lãi khoảng 1.000 đồng. Năm nay, Cty ký hợp đồng bao tiêu cải bắp với giá theo từng trà, dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nếu so với thị trường tự do lúc giá cao thì mức giá này không bằng, nhưng bù lại chắc ăn. Quan trọng hơn, nhờ có liên kết với DN chúng tôi có thể SX lớn, tính ra 20ha vụ đông, chỉ 3 tháng cũng thu lãi 200 - 300 triệu đồng. Vì vậy những năm tới, không chỉ tôi mà nhiều nông dân trong xã đã có kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, thậm chí thuê ruộng dài hạn 5 năm”, lão nông Đỗ Viết Nạp cho biết.

Thay vì tiêu thụ tại thị trường tự do, thiếu ổn định, cách SX theo hình thức liên kết với DN như của ông Nạp đã tạo nên sự thay đổi lớn về tư duy tại xã An Thịnh. Ông Trần Viết Trung, GĐ HTX An Trụ, nơi có trên 35ha hành tỏi vụ đông cho biết: HTX cũng đang tìm các đối tác là DN để liên kết SX tương tự cách làm của ông Nạp, theo đó, hiện đã có một số DN đăng ký bao tiêu sản phẩm hành tỏi vụ đông của HTX, với diện tích ban đầu khoảng 10ha...

17-26-03_dscf5434
Đóng gói rau XK tại Cty Hưng Việt

DN làm “đầu kéo”

Mô hình liên kết SX rau vụ đông tại xã An Thịnh chỉ là một trong số gần 30 đơn vị, cá nhân mà Cty TNHH MTV Hưng Việt đã và đang triển khai hợp tác SX để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho XK. Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016 với hoạt động chính là XK các loại nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả vụ đông ở phía Bắc, chỉ sau hơn 2 năm, Cty Hưng Việt hiện đã ký hợp đồng SX và tiêu thụ sản phẩm rau cho gần 30 cá nhân, đơn vị, HTX tại nhiều tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang..., tạo nên một sức bật rất lớn, bền vững cho SX vụ đông tại nhiều địa phương.

Năm 2017, Cty Hưng Việt đã thu mua và XK hơn 35.000 tấn rau, củ quả các loại. Trong đó, Cty cung cấp khoảng 10.000 tấn rau củ quả cho các bếp ăn công nghiệp trên 10 tỉnh ở miền Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương… và 25.000 tấn rau, củ quả cho thị trường miền Nam và XK sang Dubai, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và một số thị trường khó tính như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặt hàng XK chính của Cty là cà rốt, bắp cải, súp lơ (cà rốt chiếm 48%, bắp cải chiếm 35%, súp lơ chiếm 15%).

Chị Nguyễn Thị Hậu, phụ trách SX của Cty Hưng Việt cho biết vụ đông năm 2018, Cty đã nhận được các đơn hàng dự kiến tăng 30% sản lượng so với năm 2017, trong đó thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Vụ đông năm nay, Cty tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư, liên kết SX và tiêu thụ hàng nông sản với các HTX, hộ nông dân SX lớn, dự kiến ít nhất đạt từ 500ha trở lên, sản lượng thu mua và tiêu thụ cho nông dân dự kiến tăng khoảng 30% so với năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, Cty đã ký các hợp đồng liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm được 350ha, đủ các chủng loại rau như bắp cải, cà rốt, súp lơ.

Điều kiện để nông dân, các HTX khi tham gia liên kết SX với Cty đó là phải đạt tổng diện tích của 1 vùng đầu tư ít nhất 2ha trở lên. Khu SX của các hộ phải tạo thành vùng liền kề nhau để thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát. Các hộ tham gia hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm phải trồng theo quy trình kỹ thuật và danh mục thuốc BVTV chuẩn. Chất lượng sản phẩm phải đạt theo tiêu chuẩn để XK như: Trọng lượng đủ tiêu chuẩn, thành phẩm không bị sâu, không thối, không dập nát, không có tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng, phải đảm bảo ATTP (do Cty trực tiếp kiểm tra và công nhận)...

Ông Tăng Xuân Trường, GĐ Cty Hưng Việt cho biết: Hiện nhu cầu XK rau tươi của Cty Hưng Việt là vô cùng lớn, trong đó một số loại rau vụ đông như súp lơ, cải bắp ở phía Bắc được các thị trường rất ưa chuộng vì chất lượng rất tốt, gần như chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đơn hàng. Tuy nhiên, việc triển khai SX lại vấp rất nhiều khó khăn. Một là đồng ruộng quá manh mún, quá nhiều hộ tham gia SX nên chất lượng sản phẩm còn hổ lốn. Để đảm bảo chất lượng hàng XK, Cty phải cung cấp một loại giống, một quy trình SX đồng nhất cho nông dân. Mặc dù vậy, vẫn có tình trạng nông dân không tuân theo quy trình của Cty, SX khác giống.

Vì vậy, tỉ lệ hàng đủ tiêu chuẩn loại I để XK thiếu đồng đều, cao lắm chỉ đạt 50%, thậm chí chỉ đạt 30 - 35%. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ sử dụng thuốc BVTV của nông dân còn rất hạn chế... Cũng theo ông Trường, do các đơn hàng XK phải ký hợp đồng trước vụ gieo trồng với giá cố định, nên khi giá cao vẫn còn tình trạng nông dân bán rau ra ngoài khiến Cty rất khó khăn.

Mở rộng chế biến theo tiêu chuẩn cao

Với hơn 12 kho lạnh bảo quản khổng lồ để dự trữ rau XK dần trong năm, hiện Cty không chỉ liên kết SX và tiêu thụ, XK sản phẩm tươi, mà đang triển khai dự án mở rộng nhà máy, xây dựng thêm nhà máy chế biến nông sản thực phẩm theo phương pháp cấp đông nhanh theo tiêu chuẩn châu Âu, với diện tích khoảng 30.000m2. Dự kiến trong 1 năm tới, dự án này sẽ đi vào hoạt động với doanh thu ước tính khoảng 300 tỷ đồng/năm. Sản phẩm hàng nông sản qua hệ thống cấp đông nhanh sẽ được XK sang các nước châu Âu, châu Mỹ.

Theo nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại181,896
  • Tổng lượt truy cập90,245,289
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây