Chính sách chưa đi vào trọng tâm
Nhiều người trách không ít DNXK cá tra đã tự “đào lỗ chôn mình” khi tự hạ giá bán cá để giật khách hàng. “Mỗi lần các DN đi dự hội chợ thủy sản quốc tế về, giá cá tra XK lại rớt thê thảm. DN không chỉ tự hại mình, mà còn kéo chìm theo người nuôi cá”, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chua xót nhận định.
Thời cực thịnh, con cá tra đã tạo cho hàng trăm người trở thành tỷ phú ở các cù lao và vạt đất ven sông Hậu, sông Tiền. Đồng thời mang về hàng tỷ USD nhờ XK, là niềm tự hào của ngành thủy sản VN. Nhưng khi nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm sau mưa, xuất hiện các nhà XK “hai không” (không nuôi cá, không nhà máy) thì thị trường XK cá tra rối như tơ vò. Điều này cũng thể hiện sự quản lý quá kém của các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp để DN muốn làm gì thì làm!
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được các DN thu mua tại ao với 22.000-22.500 đ/kg, tăng khoảng 4.000 đ/kg so với tháng trước. Tuy nhiên vẫn chưa giúp người nuôi có lãi sau thời gian dài giá ở mức thấp. Trong khi đó, giá thức ăn và một số dịch vụ nuôi cá đều tăng mạnh.
Nông dân nuôi cá tra vẫn lỗ từ 2.000-4.000 đ/kg
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Tháp, toàn tỉnh vẫn còn trên dưới 80 ha diện tích ao nuôi của bà con vẫn tiếp tục “treo”, không có vốn tái đầu tư SX trở lại. Ông Trần Đại Nam, hộ nông dân nuôi cá tra tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: “Trước đây tôi có 1,5 ha nuôi cá tra, nhưng giờ chỉ nuôi 0,5 ha. Lỗ kéo dài, đâu có tiền nữa mà đầu tư tiếp. Mấy ngày nay nghe giá cá tăng trở lại cũng mừng, nhưng vẫn lo vì giá đó chưa có lãi”.
Ông Nguyễn Hồng Quân, nông dân nuôi cá tra ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú (An Giang) nói với chúng tôi: “Gia đình thả nuôi gần 1 ha, cá tra đang phát triển để đạt “sai” (size) 500-700 gram/con. Đến giai đoạn này, tôi đã hết vốn đầu tư tiền thức ăn cho cá. Trong khi đó, nghe Chính phủ hỗ trợ vốn cho người nuôi mà chờ hoài hổng thấy. Nợ ngân hàng loay hoay lại đến hạn phải đóng lãi. Giá cá tra không thấy tăng gì hết”.
Còn ông Ba Kiệt, một nông dân khác cũng ở địa phương trên, cho biết: “Cách giải quyết trước mắt, gần 1 tháng nay, để giảm tiền mua thức ăn cho cá tra, tôi phải chuyển qua cho cá ăn thức ăn tự chế để “cầm cự” thôi; chứ cho ăn thức ăn viên (thức ăn công nghiệp) thì vốn đâu chịu nổi”.
Vẫn chưa tiếp cận được vốn
Sau khi có thông tin Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu cá tra, cùng nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường XK, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng dần từ 18.500-19.000 đ/kg lên mức giá 22.000-22.500 đ/kg. Nhưng theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, với giá bán như hiện nay, người nuôi cá vẫn tiếp tục lỗ nặng, từ 2.000-4.000 đ/kg.
Giá cá tra có tăng nhẹ trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa kích thích được người dân thả nuôi trở lại, vì giá vẫn nằm trong ngưỡng lỗ, nhiều nơi vẫn phải “treo ao”. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều NMSX thức ăn đã công bố giá thức ăn cá tra mới với mức tăng khoảng 300 đ/kg đối với loại thức ăn 26 độ đạm, khiến chi phí nuôi cá tiếp tục đội lên cao.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, GĐ Sở Công thương An Giang, cho biết: “Cần có ngay giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nuôi và DN chế biến XK cá tra. Các giải pháp này chậm thì hậu quả sẽ rất nặng cho khu vực ĐBSCL. Hiện tại, cả nông dân và DN không tiếp cận được vốn vay. Nếu gói hỗ trợ mà kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp”, họ đều không thể vay tiếp, vì tài sản đã nằm ở ngân hàng! Vì thế, các cơ chế, chính sách đưa ra phải lường trước được tình hình của nông dân, DN hiện nay để điều chỉnh hợp lý”. Đây là kiến nghị chính đáng để cứu lấy nghề nuôi, chế biến cá tra đã phát triển hơn 15 năm qua ở ĐBSCL.
Một DNXK cá tra ở An Giang cho biết: “Từ khi có quy định giám đốc ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản nợ do mình thẩm định cho vay trên địa bàn do mình quản lý (tỉnh, thành phố), hầu hết các ngân hàng đều làm rất căng”. Trước đây với 2-4 ha mặt nước nuôi cá tra, có thể vay được cả tỷ đồng. Còn hiện nay, ngân hàng xét duyệt cao lắm cũng chỉ 400 triệu đồng thôi”.
DN ở ĐBSCL vẫn chưa tiếp cận vốn vay hỗ trợ
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP cho biết: “Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển cùng các ngân hàng thương mại cho các DN vay vốn với lãi suất 11,4%/năm; nhưng chỉ trong vòng 4 tháng. Vì vậy, có nhiều DN không mấy quan tâm đến gói hỗ trợ này. Bởi với tình hình XK cá tra đang rất chậm như hiện nay, chỉ có những DN đang trong hoàn cảnh rất khó khăn mới chấp nhận điều kiện vay như thế”. |
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (TP. Cần Thơ) cho biết: “Trước đây, việc DN thanh toán tiền mua cá cho xã viên có chút lợi thế hơn hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, xã viên phải tự nguyện bán cá, lấy tiền chậm 1 - 2 tháng là chuyện thường. Vì việc này còn may mắn hơn việc DN phá sản, không đến mua cá. Hơn ai hết, người nuôi cá mong rằng DN sẽ nhanh chóng tiếp cận được vốn hỗ trợ. Lý do của điều này cũng dễ hiểu, hiện tại người nuôi đã hết khả năng xoay vốn, vì chưa thể đáo hạn ngân hàng; trong khi đó tài sản của họ cũng đã thế chấp hết".
Mất cân đối cung - cầu
Từ năm 2001 đến nay, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL liên tục mở rộng; đến năm 2012 tăng gấp 5 lần, sản lượng cá nguyên liệu tăng gấp 36 lần, sản lượng chế biến XK tăng gấp 40 lần so với năm 2001. Theo phân tích của một số Hiệp hội thủy sản ở các địa phương vùng ĐBSCL, một nguyên nhân khác đẩy cá tra lâm vào tình trạng thừa nguyên liệu còn do Nhà nước chưa thể hiện hết vai trò hỗ trợ, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết dọc của ngành cá tra.
Hiện liên kết giữa DN và người nuôi mới đạt 30% diện tích, với sản lượng từ 50-60% nhu cầu chế biến của từng DN. Như vậy, còn khoảng 60-70% sản lượng do người nuôi tự quyết định thời điểm thả giống. Mặt khác, họ thả đồng loạt nên thu hoạch rơi vào khoảng tháng 6-7, đúng vào chu kỳ thu hoạch của nhiều DN. Do vậy, cá quá lứa, DN không mua, nông dân lỗ trắng tay.
Đó là những năm diện tích tăng nóng, còn 2 năm gần đây, diện tích nuôi cá tra giảm đáng kể; nhưng người nuôi cá có thời điểm vẫn bán cá nguyên liệu dưới giá thành SX. Rõ ràng, bất ổn của ngành cá tra ngoài tác động của thị trường nhập khẩu, còn có nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất ổn nội tại của ngành, chưa được giải quyết thỏa đáng.
Hiện suất đầu tư nuôi 1 ha cá tra nguyên liệu, người nuôi phải bỏ ra từ 8-10 tỷ đồng và 100% vốn này được vay từ các ngân hàng thương mại, nên chỉ cần lãi suất biến động tăng, giá thức ăn tăng, đầu ra không thuận lợi sẽ đẩy người nuôi lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.\
THẠCH THẢO - HOÀNG VŨ
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã